Chỉnh trang đô thị để chống ùn tắc giao thông
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT), tổng diện tích vỉa hè ở TPHCM ước khoảng 15 triệu m². Trong bối cảnh quá tải về giao thông, nếu diện tích vỉa hè được tận dụng hết cho giao thông, cụ thể là phục vụ người đi bộ thì không những giao thông được cải thiện mà vận tải hành khách công cộng cũng có điều kiện phát triển tốt hơn.
Chuyện xưa… vẫn mới
Cách nay 5 năm, tại hội thảo “Làm gì để phương tiện giao thông công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của người dân?” (do Báo SGGP phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở GTVT TPHCM tổ chức), chúng tôi đã kể câu chuyện của Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh - đơn vị tổ chức thực hiện tuyến xe buýt đưa đón người dân từ khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng tới trung tâm hiện hữu của TP. Dù giá vé khá cao - thời điểm đó là 12.000 đồng/vé (do tuyến này không trợ giá) nhưng vào giờ cao điểm, xe có thể đạt công suất tới hơn 90% nên đơn vị vẫn duy trì được hoạt động của hệ thống xe buýt. Xe buýt Phố Cảnh lúc ấy hoạt động từ 7 tới 22 giờ mỗi ngày, với tần suất 1 giờ có 1 xe xuất bến. Trở lại với xe buýt Phố Cảnh của ngày hôm nay, hành khách ngày càng đông hơn, nên tần suất xe cũng cao hơn: cứ 30 phút đã có một chuyến.
Nhiều vỉa hè bị chiếm dụng nên người đi bộ phải đi dưới lòng đường (Ảnh: Phạm Cao Minh)
Nhiều bài học có thể rút ra xung quanh câu chuyện kinh doanh của xe buýt Phố Cảnh. Thế nhưng, có hai vấn đề cốt yếu mà nhiều nhà khoa học đã nhận ra cách nay 5 năm và cho đến hiện nay vẫn nguyên giá trị: hành khách của xe buýt không phải chỉ là những người thu nhập thấp. Đô thị mới Phú Mỹ Hưng với vỉa hè rộng rãi, thông thoáng, nhiều cây xanh, rất hấp dẫn người dân đi bộ. Các trạm xe buýt ở đấy được bố trí khá hợp lý, vệ sinh môi trường tốt. Người dân có thể đi bộ và tiếp cận các trạm xe buýt một cách an toàn và thuận tiện. Chính PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa khi nghe câu chuyện nêu trên đã nhận xét: “Sự thành công của tuyến xe buýt này cho thấy, ngoài chất lượng phục vụ hành khách của hệ thống xe buýt thì vỉa hè thông thoáng, thuận tiện, an toàn cho người đi bộ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thu hút hành khách đến với xe buýt”.
Trở lại với hệ thống vỉa hè của TPHCM. Có thể nói, hầu hết chúng đã bị lấn chiếm làm nơi buôn bán và dừng, đậu xe. Người đi bộ bị đẩy xuống đường. Đã vậy, nhiều vỉa hè còn xuống cấp, thiếu cây xanh. Chưa kể, vỉa hè là tài sản chung, nhưng chủ nhân nhiều ngôi nhà mặt tiền lại mặc nhiên coi vỉa hè trước cửa nhà mình như… đất nhà mình. Trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đặt trạm dừng, nhà chờ xe buýt trên vỉa hè (trước mặt nhà người dân) đã bị chủ nhân những ngôi nhà này tìm mọi cách để ngăn cản.
Giải pháp nào?
Để phát triển vận tải hành khách công cộng, chống ùn tắc giao thông, đã đến lúc TPHCM cần có sự thay đổi căn cơ trong việc quản lý, sử dụng vỉa hè.
Cần tiến hành song song các động thái: một mặt cấm tuyệt đối mọi hình thức lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, giữ xe…, mặt khác tạo điều kiện cho người dân kinh doanh và giữ xe có trật tự. Để xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè, theo ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, quản lý hệ thống hạ tầng giao thông nói chung, trong đó có vỉa hè, không nên “cắt khúc” giao về từng quận, huyện như hiện nay mà thống nhất quản lý tập trung ở Sở GTVT. Hiện nay, Sở GTVT đã có 4 khu quản lý giao thông đô thị, quản lý 4 khu vực trên địa bàn TPHCM. Sở GTVT có thể giao cho 4 khu này thống nhất quản lý. Các khu quản lý giao thông đô thị có thể tiến hành lắp đặt camera ở các tuyến đường để thực thi nhiệm vụ. Trước mắt, nếu chưa đủ kinh phí đầu tư camera, nên đầu tư trước ở các tuyến đường trọng điểm để vừa theo dõi tình hình giao thông vừa phát hiện sớm các hành vi lấn chiếm vỉa hè. Hình ảnh lấn chiếm vỉa hè được lưu lại để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý người vi phạm. Kinh phí để đầu tư hệ thống camera cùng các thiết bị cần thiết khác có thể là con số khổng lồ, nhưng hiệu quả về lâu dài mà hệ thống này đem lại cho công tác quản lý đô thị ở TPHCM sẽ rất lớn. Mặt khác, để tạo điều kiện cho người dân có chỗ đậu xe, TPHCM nên tiếp tục triển khai quy định dành một phần vỉa hè ở những nơi có vỉa hè rộng, cho người dân sử dụng làm chỗ đậu xe. Những hành vi lấn chiếm ra ngoài phần vỉa hè được quy định đều phải bị xử lý nghiêm. Ở những nơi vỉa hè nhỏ, hẹp, địa phương nên tạo điều kiện cho người dân xây thêm một tầng hoặc một gác lửng để làm nơi kinh doanh. Tầng trệt, dùng làm nơi giữ xe, tương tự như đối với các cao ốc. Hiện nay, TPHCM đã có Quy định 135, 145 về xây dựng nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu. Theo hai quy định này, người dân được quyền tăng thêm một tầng để có chỗ giữ xe. Đối với người nghèo, chưa có chỗ kinh doanh, TPHCM nên sắp xếp chỗ và thông báo công khai cho họ biết. Những nơi này không nên thu thuế hoặc nếu cần chỉ thu một khoản phí nhỏ để làm công tác giữ gìn trật tự vệ sinh. Một hệ thống các giải pháp có tình, có lý như vậy sẽ dễ được người dân ủng hộ.
Trả lại vỉa hè cho người đi bộ, không những giúp chống ùn tắc giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng hình ảnh TPHCM văn minh, hiện đại.
|
NGUYỄN KHOA