Phát triển kinh tế tập thể tại TPHCM - Những điểm sáng

Bài 5 - Hợp tác xã nông nghiệp kiến thiết nông thôn mới

Hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thời gian qua góp phần giúp các hộ nông dân gắn kết với doanh nghiệp, đẩy nhanh áp dụng công nghệ mới... 
Nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi
Nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi
Chọn lựa 7 HTX tiên tiến 
Vai trò của kinh tế hợp tác, nhất là HTX trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân ngoại thành, rút ngắn khoảng cách với các quận nội thành thời gian tới khi chuyển qua giai đoạn nâng chất nông thôn mới (2016-2020), càng được khẳng định tại hội nghị sơ kết xây dựng nông thôn mới TPHCM đầu tháng 3-2017. Kinh tế hợp tác còn là một trong những chỉ tiêu đề ra khi xây dựng nông thôn mới. Lúc đó, đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo Thành ủy về chương trình xây dựng nông thôn mới, nhấn mạnh đến sự cần thiết của HTX trong việc tổ chức người nông dân sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng thay vì manh mún như trước. Đồng chí Tất Thành Cang cũng xác định trách nhiệm của người đứng đầu các huyện trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại phù hợp tình hình sản xuất, lợi thế sản xuất gắn với chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cho bà con nông dân. 
TPHCM giao các địa phương cũng như ngành nông nghiệp và Liên minh HTX TP hỗ trợ 5 huyện ngoại thành TPHCM xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Theo ông Nguyễn Trọng Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM, 9 HTX của 5 huyện đã được khảo sát để rút lại còn 7 HTX nông nghiệp điển hình, đáp ứng đủ các tiêu chí như: hoạt động phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp TP và đặc điểm từng địa phương; tổ chức dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên, cộng đồng và có khả năng mở rộng thành viên; hoàn thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo đủ năng lực tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu thị trường. Kết quả, huyện Củ Chi có 3 HTX là HTX Thương mại - dịch vụ - sản xuất - chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong và HTX Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Phú Lộc. Hóc Môn có HTX Thương mại - dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mai Hoa; Bình Chánh có HTX Nông nghiệp - sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An; Nhà Bè có HTX Hiệp Thành và Cần Giờ có HTX Nông nghiệp - thương mại- dịch vụ - nuôi trồng thủy sản Cần Giờ. 7 HTX trên đây sẽ được hỗ trợ trong việc phát triển sản xuất tạo nguồn hàng, mở rộng kênh tiêu thụ; phát triển nhà xưởng, văn phòng, trong đó xây dựng hoặc sửa chữa trụ sở làm việc, xây dựng nhà máy chế biến, sơ chế giúp từng bước nâng cao giá trị nông sản.  
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), đến cuối năm 2016, cả nước có gần 11.000 HTX nông nghiệp, trong đó trên 30% hoạt động có hiệu quả. Ở TPHCM trong số 48 HTX nông nghiệp đang hoạt động có 54,2% hoạt động hiệu quả (26 HTX). Ngành nghề hoạt động các HTX nông nghiệp TP khá đa dạng như sản xuất, kinh doanh rau an toàn, nấm, hoa, cây kiểng, cá cảnh, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp… Số lượng thành viên trong HTX nông nghiệp cả nước có xu hướng giảm, từ trung bình 600 xuống 400 thành viên/HTX, xu hướng này tiếp tục giảm về dưới 100 thành viên/HTX. Việc giảm số lượng thành viên trong HTX là xu hướng nhằm nâng cao hiệu quả của HTX và tăng thu nhập cho thành viên. Doanh thu bình quân mỗi HTX khoảng 1,1 tỷ đồng/năm; lợi nhuận vào khoảng 200 triệu đồng, thu nhập bình quân là 1,5 triệu đồng/thành viên (ở TPHCM khoảng 3 triệu đồng/thành viên). Do đặc thù của TPHCM có 8 HTX không còn hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là các HTX được thành lập tại các quận ven, dù đăng ký hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, nhưng do tác động của đô thị hóa nên các HTX này chuyển sang hoạt động thương mại, dịch vụ. TPHCM có 229 tổ hợp tác  trong nông nghiệp với hơn 4.200 tổ viên, nhưng các tổ hợp tác  chủ yếu ở mức độ câu lạc bộ khuyến nông. 
Khắc phục mặt hạn chế 
Vốn, cơ sở vật chất còn yếu kém là một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến hoạt động HTX trong quá trình chuyển đổi hay xây dựng mới. Số vốn góp không đủ cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh. Do các HTX không có tài sản chủ sở hữu để thế chấp vay ngân hàng hay tổ chức tín dụng khi có nhu cầu, kể cả không xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi nên việc tiếp cận các nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, chỉ khoảng 3% số HTX nông nghiệp cả nước tiếp cận, trong khi nhu cầu thực tế vào khoảng 60%. Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, mới có 2 HTX là Tiên Phong và Phú Lộc được xét duyệt vay vốn ưu đãi lãi suất theo Quyết định 04 của TP. Do đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp giảm dần nên HTX gặp nhiều khó khăn về đất đai cũng như trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trụ sở và mặt bằng sản xuất kinh doanh đều phải thuê mướn (nhất là HTX thành lập mới). Vấn đề tiêu thụ sản phẩm, một số HTX nông nghiệp do quy mô sản xuất nhỏ, không đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường; chưa có sự liên kết giữa các HTX trong tiêu thụ sản phẩm, thiếu gắn kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ quản lý HTX đa phần đều lớn tuổi, hầu hết trưởng thành từ kinh nghiệm thực tế, thiếu sự nhạy cảm, linh hoạt để đáp ứng những yêu cầu đa dạng, phức tạp của thị trường. Mặc dù TPHCM có chính sách hỗ trợ HTX thuê mướn người có trình độ đại học về làm việc (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng) nhưng vẫn chưa thu hút nhân sự trẻ có trình độ và nhiệt huyết về làm việc cho HTX. 
Ngoài những HTX nông nghiệp điển hình, lợi ích kinh tế từ nguồn thu kinh doanh, dịch vụ của HTX mang lại cho xã viên chưa phải là nhiều, chưa thể hiện rõ nét hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới. Việc thực hiện các chủ trương chính sách ưu tiên cho HTX chưa được thực hiện đồng bộ, chưa mang tính đột phá nên đa phần các chủ trương, chính sách ban hành nhưng các HTX nông nghiệp hưởng lợi từ những chính sách đó còn rất ít. Có thể nói, những khó khăn này làm hạn chế tốc độ phát triển HTX so với nhịp độ phát triển chung của các thành phần kinh tế khác.

Tin cùng chuyên mục