Bài 6: Nền kinh tế thị trường sơ khai

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa VIII ngày 21-12-1990 đã thông qua Luật Công ty với việc dành hẳn một chương (chương V) nói về thành lập và hoạt động của công ty cổ phần. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-1991. Thế nhưng, trước đó từ năm 1981 ở TPHCM đã có một công ty cổ phần được thành lập và trở thành mô hình mẫu cho các doanh nghiệp của cả nước tiến hành cổ phần hóa sau này…
Bài 6: Nền kinh tế thị trường sơ khai

Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa VIII ngày 21-12-1990 đã thông qua Luật Công ty với việc dành hẳn một chương (chương V) nói về thành lập và hoạt động của công ty cổ phần. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-1991. Thế nhưng, trước đó từ năm 1981 ở TPHCM đã có một công ty cổ phần được thành lập và trở thành mô hình mẫu cho các doanh nghiệp của cả nước tiến hành cổ phần hóa sau này…

Sản xuất bút bi tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long. Ảnh: CAO THĂNG

Công ty nhân dân và Nhà nước cùng làm

DS Trần Văn Nhiều, một trí thức Việt kiều Pháp năm nay 87 tuổi, nhưng ông mới nghỉ hưu ở Công ty CP Dược phẩm, dược liệu Pharmedic (Pharmedic) cách nay hơn 3 năm. Ông được cho là người giữ kỷ lục về tuổi nghỉ hưu và số năm làm việc tại doanh nghiệp (DN) này từ ngày thành lập - năm 1981 đến năm 2011…

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi về quá trình hình thành của Pharmedic, ông Nhiều đưa ra một xấp giấy tờ, báo cũ đã ố vàng, nói: “Tôi là người sáng lập công ty đó. Nhưng có công lớn của anh Sáu Dân (đồng chí Võ Văn Kiệt) - anh là người đổi mới sớm lắm. Anh gặp tôi năm 1980, sau khi về Thành ủy và biết có một dược sĩ nguyên là Thứ trưởng Bộ Y tế chế độ cũ. Anh cho anh Ba Huấn (tức Nguyễn Văn Huấn, sau này là Phó Chủ tịch UBND TP), lúc đó là thư ký riêng tiếp xúc với tôi trước. Khi đó tôi đang làm chuyên viên cao cấp của Công ty Dược phẩm cấp II. Một buổi chiều anh mời tôi qua Thanh Đa ăn cơm.

Qua nói chuyện, tôi thấy anh có khá nhiều ý kiến mới. Anh nói với tôi: “Anh có kinh nghiệm, anh xem đề xuất có công ty nào có cơ chế hoàn toàn mới so với các công ty quốc doanh”. Tôi đề xuất nên thành lập một công ty cổ phần, anh nghe ủng hộ ngay và chỉ đạo cho Ban Kinh tế Thành ủy tiếp xúc, họp bàn với tôi để đi đến thành lập một công ty cổ phần. Lúc đó chưa gọi là công ty cổ phần, nhưng hình thức cũng phát hành cổ phiếu, huy động tài chính để có vốn hoạt động. Công ty có tên là Công ty nhân dân và Nhà nước cùng làm. Tôi tiến hành xây dựng điều lệ và đưa ra giá trị của 1 cổ phần là 50 đồng. Số tiền đó lớn lắm, lương chuyên viên cao cấp của tôi lúc bấy giờ chỉ 100 đồng/tháng. Nhiều người tin tôi về nhà kêu gọi anh em trong gia đình, rồi vận động số cán bộ cách mạng tham gia cổ đông. Có người bán vàng, bán xe đạp, vay mượn chỉ đủ mua 1 cổ phần. Trong vòng 1 tháng tôi huy động được 1.500 cổ phiếu, trị giá 1,5 triệu đồng. Tôi quyết định thành lập công ty đầu tiên chuyên xuất nhập khẩu y tế có tên Pharimex”.

 

* Đến năm 2013, trên địa bàn TPHCM có 455 DN Nhà nước, 346 hợp tác xã, 7.995 DN tư nhân, 85.420 công ty TNHH, 13.870 DN cổ phần (trong đó có 436 công ty cổ phần có vốn Nhà nước), hơn 2.700 DN có vốn đầu tư nước ngoài, cùng gần 400.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Khu vực kinh tế tư nhân đã chiếm gần 60% cơ cấu GDP, giải quyết việc làm cho gần 70% số lao động trên địa bàn và là khu vực kinh tế năng động nhất, đóng góp lớn nhất vào sự phát triển chung của cả nước trong những năm qua.

 

“Việc thành lập một công ty tư nhân lúc đó có dễ dàng?” - tôi cắt ngang câu chuyện của ông. “Không đâu. Lúc đó phải nhiều lần họp với Ban Kinh tế Thành ủy để trình bày, thuyết phục. Nhiều người không hiểu loại hình công ty này là công ty gì, vì chưa có luật quy định nên lo tôi không làm được. May sao có GS Tuyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế lúc bấy giờ hiểu được hoạt động của công ty cổ phần đã ủng hộ tôi, thuyết phục lãnh đạo TP về tính hiệu quả của nó.

Cuối cùng, lãnh đạo TP chấp thuận phương án của tôi và góp vào 1,5 triệu đồng cho đủ 50% theo điều lệ. Số tiền 3 triệu đồng có được lúc đó lớn lắm. Ngày 30-6-1981, công ty chính thức đi vào hoạt động. Quyết định thành lập do anh Lê Đình Nhơn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM ký. Công ty Pharimex chính là công ty tư nhân đầu tiên và cũng là công ty cổ phần đầu tiên được thành lập ở Việt Nam và hoạt động theo mô hình này gần 35 năm qua”.

Theo ông Nhiều, những ngày đầu mới thành lập dù chưa có khung pháp lý rõ ràng, rồi kinh tế khó khăn do cấm vận nhưng Công ty Pharimex hoạt động khá thuận lợi. Ông nói: “Tôi thấy bà con bên Pháp muốn gửi tiền về cho bà con bên này, trong khi gửi qua ngân hàng phải 6 tháng mới nhận được. Bằng máy telex, lần đầu tiên Nhà nước cấp cho tư nhân, tôi liên lạc được với bà con kiều bào và nói họ gửi tiền vào tài khoản của Công ty Nhà Việt Nam là chỗ quen biết của tôi bên Pháp, chỉ 2 ngày sau công ty bên này nhận được sẽ quy ra tiền Việt trả cho bà con theo tỷ giá thị trường tự do. Nhờ đó, chỉ thời gian ngắn tôi có trong tay 1 triệu USD - số ngoại tệ rất lớn lúc bấy giờ để nhập máy móc, nguyên liệu, thuốc men qua đường quà biếu về lo chữa bệnh cho dân. Lợi nhuận của công ty sau khi nộp thuế tôi dành 50% chia cổ tức cho cổ đông theo cách tính giá trị bằng vàng, vì lạm phát lúc đó lớn lắm. Nhờ vậy, nhiều người bỏ tiền ra mua cổ phần và 2, 3 năm sau đã lấy lại vốn. So với số vốn ban đầu 3 triệu đồng, tính đến nay, quy mô và giá trị của Pharmedic và cổ đông tăng đến hàng trăm lần…”.

Nói về hoạt động trong điều kiện không có luật, không có cơ chế, dễ gặp rủi ro về vốn và cả sự nghiệp, DS Trần Văn Nhiều kết thúc câu chuyện bằng thái độ quả quyết: “Mình có làm bậy đâu mà sợ. Nhiều người nói tôi đi theo tư bản, chệch hướng. Tôi không phải đảng viên, nhưng nhiều người gọi tôi là “đảng viên ngoài Đảng”. Tôi điều hành công ty và duy trì các hoạt động vì lợi ích của người lao động, của Nhà nước nên mọi người ủng hộ tôi, cả lãnh đạo TP cũng ủng hộ và tôi đã thành công trong việc định hình và định hướng cho mô hình quản lý và hoạt động của loại hình công ty cổ phần phát triển mạnh sau này…”.

Từ thí điểm đến cổ phần hóa DN

Năm 1994, ông Trần Thành Long khi đó đang làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách kinh tế, kiêm Trưởng ban cổ phần hóa DN Nhà nước.

Ông Trần Thành Long cho biết: Từ thành công của mô hình Công ty nhân dân và Nhà nước cùng làm ở Pharmedic, năm 1992 TPHCM chủ động đề xuất với Chính phủ cho thí điểm cổ phần hóa một số DN Nhà nước. Công ty Cơ điện lạnh REE được chọn tiến hành cổ phần và sau này khi thị trường chứng khoán ra đời đã trở thành công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán với giá trị DN có thời điểm cao gấp hơn 100 lần. Thế nhưng, phải đợi đến cuối năm 1995 khi mô hình thí điểm cổ phần hóa được khẳng định và Luật Doanh nghiệp ra đời bảo đảm khung pháp lý, ở TPHCM mới bắt đầu bùng nổ các DN cổ phần. Số DN cổ phần được thành lập, rồi DN Nhà nước cổ phần hóa không ngừng tăng đã tạo nên làn sóng đầu tư mới trong nhân dân và thu hút nguồn vốn lớn từ nước ngoài đổ vào ngày một nhiều, từng bước hình thành và phát triển thị trường chứng khoán sau này. Nếu năm 1995, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực ngoài Nhà nước trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn là 23,4%, thì đến năm 2005 tăng lên gần 40%. Đây được cho là một kỳ tích phát triển các mô hình kinh tế ở TPHCM 30 năm qua, khẳng định tính năng động, sáng tạo trong vận dụng đường lối đổi mới của nước ta theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

- Bài 7: Vì người nghèo - dấu ấn nhân văn

Theo chuyên gia kinh tế Hồ Thủy Tiên, phát triển kinh tế nhiều thành phần là điểm nổi bật của công nghiệp TPHCM trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước - khi thể chế kinh tế chưa định hình, khung pháp lý của hệ thống pháp luật chưa rõ ràng và đối mặt với vô vàn khó khăn, song lãnh đạo TP với quyết tâm chính trị cao đã mạnh dạn đưa nhiều DN Nhà nước thực hiện thí điểm cổ phần hóa, thu hút nguồn lực to lớn trong nhân dân tham gia phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều xí nghiệp trên địa bàn thành phố gần như “lột xác”, thay đổi hoàn toàn công nghệ mới, mở rộng sản xuất, thu hút hàng ngàn lao động, góp phần giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội cấp bách của TPHCM và các địa phương trong khu vực.

HOÀI NAM - ÁI CHÂN

- Bài 5: Xóa nhà tạm trên kênh rạch và khu đô thị kiểu mẫu

Tin cùng chuyên mục