Lặng lẽ binh vận
Cơ sở nội tuyến hoạt động bí mật, ngăn cách, hết sức tránh bộc lộ. Để giữ liên lạc thường xuyên giữa nội tuyến với cán bộ phụ trách, mật giao đi lại như con thoi. Mật giao thường là nữ cán bộ xinh xắn, thông minh hoạt bát, tiếp xúc với nội tuyến bằng vỏ bọc là vợ, bồ bịch, chị em họ. Có trường hợp nữ mật giao giả làm vợ của nhiều cơ sở nội tuyến và tình huống trớ trêu đã xảy ra.
“Cặp vợ chồng không bao giờ cưới” Ba Thiện - Mười Vân.
Cặp vợ chồng… không bao giờ cưới
Suốt thời gian làm mật giao của Ban Binh vận Khu Tây Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam, quãng thời gian gay go, căng thẳng nhất với bà Trần Hồng Vân (bí danh Mười Vân), là giả làm vợ cơ sở nội tuyến, trung úy Huỳnh Chí Thiện để phối hợp khởi nghĩa Tầm Phương (Trà Vinh). Bấy giờ, Mười Vân 23 tuổi, nước da trắng hồng, gương mặt phúc hậu; trung úy Thiện (33 tuổi), cao lớn, hoạt động trong căn cứ pháo binh Tầm Phương.
Cuối tháng 8-2014, tiếp chúng tôi trong nhà riêng ở TP Vĩnh Long (Vĩnh Long), bà Mười Vân bước đi chậm rãi, khó khăn vì đôi mắt gần như mờ tịt do ảnh hưởng chất độc da cam từ những năm tháng hoạt động binh vận. Bà kể, quá trình liên lạc, Mười Vân thường ghé căn cứ thăm “chồng”. Ba Thiện thuê cho “vợ” một phòng ở khách sạn gần chợ Trà Vinh, bề ngoài là nơi vợ chồng gặp nhau, còn thực chất là điểm hẹn bàn công chuyện. Cuối ngày, Ba Thiện hành quân về, ghé khách sạn đưa “vợ” đi ăn tối từ 17 - 19 giờ, rồi anh vô căn cứ trực.
Chuẩn bị cho khởi nghĩa, từ cuối tháng 7-1969, chị Mười Vân được lệnh ở luôn trong căn cứ Tầm Phương với chồng. Hai “vợ chồng”, mỗi người ôm 1 chiếc ghế bố trong phòng anh Ba Thiện mà ngủ. Ban ngày, trung úy Ba Thiện hành quân, “bà trung úy” Mười Vân ở hậu cứ tám chuyện với vợ binh lính.
Sáng sớm của ngày nổ súng, ngày 12-8-1969, Mười Vân giả đò tản bộ, thủng thẳng đi từ hậu cứ địch tới bụi cây gần nhất, điểm hẹn bộ đội ta sẽ ém quân ban đêm để rước vô căn cứ đánh địch. Hơn 100 bước chân cả thảy. Mười Vân trở vô, nhẩm đếm số bước chân chiều ngược lại. Số bước chân trùng nhau. Đo xong khoảng cách như nhiệm vụ tổ chức giao, Mười Vân xách giỏ, nói với chị em vợ lính rằng mình đi dạo chợ.
Đến chợ, chị lách mình, bước về phía đồng vắng. Một người con gái cầm cái thúng, lôi cây dằm ở đó tự bao giờ. Chẳng nói chẳng rằng, theo ám hiệu đã quy định, Mười Vân lẳng lặng đi theo người phụ nữ đó. Nữ giao liên chèo xuồng ba lá đưa Mười Vân về địa điểm quân ta đóng quân. Báo cáo tình hình xong, Mười Vân trở ra, theo đường cũ về chợ và trở lại căn cứ.
15 giờ cùng ngày, Mười Vân lại đội nón, lên xe lôi… đi chợ. Theo mật ước, bây giờ chị đi theo người phụ nữ khác, mặc áo màu xanh, xách giỏ. Gặp lại các đồng chí, Mười Vân khẳng định lại: “Không có gì thay đổi”. “Trong một ngày, 3 - 4 lần đi như thế, như con thoi. Lo lắng quá, tôi không ăn nổi cơm”, Mười Vân nhớ lại.
Giữa đêm 12, rạng sáng ngày 13-8-1969, trung úy Huỳnh Chí Thiện đã chỉ huy trận địa pháo Tầm Phương, kết hợp lực lượng vũ trang ta đánh tan tác căn cứ pháo binh, bắn pháo 105 ly vào dinh tỉnh trưởng, san bằng đồn bót lân cận… Khởi nghĩa thắng lợi, “vợ chồng” Ba Thiện - Mười Vân hoàn thành nhiệm vụ.
Giờ đây, mỗi người đều đã lên chức ông, bà. Gặp lại Mười Vân vào tháng 8-2014, Ba Thiện trầm trồ với chúng tôi: “Mười Vân hồi đó đẹp lắm!”. Ông quàng vai, siết người đồng chí đồng đội giờ đã chân yếu, mắt mờ rồi cười vui rộn rã: “Tôi với bà ấy là cặp vợ chồng không bao giờ cưới!”.
“Chào bà trung úy”
“Chào bà trung úy. Ông trung úy bây giờ ở đâu?”, lời chào của trung sĩ Khiêm, từng là thuộc cấp của trung úy Huỳnh Chí Thiện ở căn cứ pháo binh Tầm Phương vào buổi trưa một ngày cuối năm 1969, 3 tháng sau khởi nghĩa Tầm Phương, làm Mười Vân giật mình.
Sau khởi nghĩa, Ba Thiện được tổ chức đưa về vùng giải phóng, còn Mười Vân chuyển sang làm… vợ anh Tám Hữu, một cơ sở nội tuyến của ta. Anh Tám Hữu vừa đi hành quân bị bể gót chân, đang điều trị ở trại 12, Bệnh viện Phan Thanh Giản (Cần Thơ). Xách mấy trái cam đi giữa hai hàng giường bệnh trải dài cả trăm chiếc tìm nơi “chồng mới” nằm, Mười Vân không ngờ trung sĩ Khiêm cũng đang điều trị ở đây. Khiêm bị thương nặng trong trận khởi nghĩa Tầm Phương.
Bị Khiêm nhận mặt, không còn đường trốn tránh. Xác định một sống, hai chết, Mười Vân bước đến bên giường bệnh của Khiêm đối chất. Mặt không biến sắc, cô gái có gương mặt tròn phúc hậu, nước da trắng hồng, tóc dài tới thắt lưng, nhỏ nhẹ:
- “Xin lỗi anh, tôi đâu biết bà trung úy, ông trung úy nào?”.
- Bà đừng chối. Bà thường xuyên xuống nhà ẵm 2 thằng con trai tôi. Bà thường mua nho khô cho chúng. Tôi thường chở bà đi tới đi lui, đưa bà đi ăn cơm theo lệnh của ông trung úy mỗi khi bà lên căn cứ thăm mà ông đi vắng…”, Khiêm dồn dập kể lể.
Mười Vân tỉnh bơ: “Nếu tôi là vợ trung úy gì đó thì tôi trốn chứ làm sao tôi dám vô đây gặp chồng tôi. Anh lầm rồi!”.
Tới đây, Khiêm không bình tĩnh nữa, y chửi rùm beng lên, truy hỏi cho cùng: “thằng Thiện đang trốn ở đâu” và kêu sẽ gọi vợ thằng Đực lên nhận mặt. Đực cùng với Khiêm từng là thuộc cấp của Ba Thiện. Đực chết, vợ Đực bị thương trong khởi nghĩa Tầm Phương...
Cuối tháng 8-2014, nghe “người vợ không bao giờ cưới” kể đến đây, Ba Thiện rối rít xin lỗi, rằng xảy ra cơ sự như vậy, tất cả là do mình. Ba Thiện nhớ lại, bữa đó, mặt trận ác liệt. Một cán bộ vũ trang ta từ bên ngoài đưa vào căn cứ Tầm Phương được giao nhiệm vụ bắn pháo binh vào các mục tiêu. Tuy nhiên, lúc nhập trận thì mới vỡ lẽ, cán bộ này chuyên pháo cối, không rành pháo binh. Chỉ còn một mình Ba Thiện ôm khẩu pháo 105 ly, nòng súng to như cây chuối, xoay qua xoay lại nòng súng đã có du kích hỗ trợ, còn khi nạp đạn vô súng thì không có người có kinh nghiệm giật dây. Đúng lúc ấy, Khiêm gào lên: “Trung úy ơi, vợ con em chết rồi!”. Khiêm và Đực thường ngày bắn pháo binh theo lệnh của Ba Thiện. Quân địch giờ đã tan nát, kẻ chết, người bị thương, bỏ trốn. Trước tình cảnh này, Ba Thiện mở đường cho Khiêm: “Thôi, mày lại đây giúp tao. Xong tao tha cho mày”. Khiêm được cán bộ địa phương ta băng vết thương ở chân xong, bắt đầu nạp đạn giúp Ba Thiện diệt các mục tiêu còn lại. Giải quyết xong các mục tiêu, đảng viên Huỳnh Chí Thiện giữ đúng lời, tha cho Khiêm.
Mười Vân kể tiếp: Lúc bấy giờ, cố giữ vẻ bình tĩnh bên ngoài, song trong lòng tôi hết sức lo ngại. Khiêm dù sao còn chịu bỏ thời gian lắng nghe, đối chất chứ vợ Đực xuất hiện, tính đàn bà xoe xóe là Mười Vân khó có thể che đậy. Đúng lúc đó, anh Tám Hữu đi qua, Mười Vân chào chồng. Tên Khiêm hỏi anh Tám một cách gay gắt: “Con này là sao với mày”.
- “Vợ tôi”, anh Tám khẳng định.
- “Vợ mày mà mày không quản lý, nó đi ở với thằng trung úy Thiện ở Trà Vinh”, Khiêm xổ toẹt!
- “Không phải, anh nhầm người rồi. Vợ tôi, tôi đi hành quân về, nó đều ở nhà”, anh Tám bào chữa.
Thấy hai bên đều nói cứng, đám vợ binh sĩ đang nuôi chồng bị thương ở xung quanh nói vô: “Ông Khiêm ơi, vợ ông chết, con ông chết nên giờ ông sảng, ông nhìn người nọ sang người kia!”. Câu nói vô như cái phao bất chợt xuất hiện đúng lúc. Tám Hữu bám vô, quay sang nạt yêu Mười Vân: “Em về đi. Mai mốt anh về nhà mà không có ở nhà thì anh quơ súng bắn chết hết!” Chỉ đợi có thế, Mười Vân “dạ” một tiếng lảnh lót rồi quày quả bỏ đi, kết thúc 1 giờ đấu khẩu. Đêm hôm đó, Mười Vân không ngủ, không tin nổi mình đã vượt qua cái chết tưởng như ở trước mặt.
ĐƯỜNG LOAN
>> Bài 8: Nở hoa trong lòng địch
>> Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng
>> Bài 5: Quân ta đối diện quân mình
>> Bài 2: Đơn thân trong lòng địch
>> Bài 1: Sống giữa hai làn đạn