Câu chuyện của đồng chí Lê Văn Đính, Đội trưởng Đội Điều trị 14 và đồng chí Tạ Lưu, Đội phó Đội Điều trị 14 (Binh Trạm 12 thuộc Quân y Bộ Tư lệnh Trường Sơn) sẽ cho thế hệ sau này cái nhìn rõ hơn vì sao đội quân chân đất lại chiến thắng một cường quốc to lớn. Những sự việc mà họ gặp phải trên đường Trường Sơn cho thấy không chỉ có bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến mới đối mặt với hiểm nguy mà ngay cả những y bác sĩ chuyên cứu người cũng có thể đổ máu, hy sinh như những người lính chiến...
Nơi cuối cùng cuộc sống
Ở giai đoạn 1968-1970, Bộ tư lệnh 559 lúc này có 4 cục trực thuộc là Cục Công binh, Cục Vận tải, Cục Chính trị, Cục Hậu cần và Bộ Tham mưu. Có 25 binh trạm và 23 trung đoàn trực thuộc. Dưới 25 binh trạm và 23 trung đoàn này là các tiểu đoàn và 19 đội điều trị quân y cùng 4 bệnh viện. Trong số các đội điều trị, Đội Điều trị 14 là đơn vị chịu nhiều tổn thất nhất bởi sự ác liệt của chiến trường… |
Mùa khô 1969. Khu vực Bãi Dinh, Cổng Trời, Mụ Giạ trên đất Việt Nam kéo dài sang Ba Na Phào, Na Tông (Lào) bị pháo đài bay B52 đánh phá ác liệt gây cho ta nhiều tổn thất.
Riêng với các đơn vị thuộc Binh Trạm 12, việc chuyển thi hài liệt sĩ về nghĩa trang thì quá xa, lại trắc trở do cầu đường bị tàn phá. Vì thế rất nhiều cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ trong Đội điều trị 14 chúng tôi đã viết đơn tình nguyện nhận nhiệm vụ mai táng liệt sĩ ngay tại Bãi Dinh.
Nhận được tâm thư, thủ trưởng Binh Trạm 12 rất xúc động và sau khi đắn đo, đã cử đồng chí Nguyễn Văn Phô, nguyên là lái xe mất sức (đúng ra phải về miền Bắc an dưỡng nhưng đồng chí Phô tình nguyện phục vụ chiến trường) đến lo việc này.
Thế là ngày ngày, Phô tranh thủ đào huyệt, đóng áo quan, làm các bia mộ, lập sổ sách lưu giữ kỷ vật của những người ngã xuống, vẽ sơ đồ mộ chí… Lúc đầu liệt sĩ ít, Phô làm theo quy trình: nhận dạng, lập biên bản, lau rửa, vệ sinh xác, khâm liệm vào áo quan, hạ huyệt, đắp mộ, chôn cột bia…
Tuy nhiên do cuộc chiến ngày càng ác liệt, bom pháo còn làm nghĩa trang bị “vạ lây” nên mỗi khi giặc ngừng đánh phá, Phô lại nhặt nhạnh số thi thể bị xới lên, chôn cất lại theo quy trình. Có những xác bị bốc mùi, Phô cẩn thận sát trùng bằng cồn các phần lượm lặt được rồi mới chôn lại. Gặp những mộ phần bị bom cày nát, anh vẫn đắp “mộ gió” và thắp hương tưởng niệm đều đặn. Hình ảnh Phô ngồi buồn bã bên những ngôi “mộ gió”, mấy ai trong đội có thể quên?
Tiếc thương đồng đội
Mưa ở Tây Trường Sơn (trên đất Lào) làm hầu hết con đường bị ngập sâu, lầy lội. Cộng với việc đánh phá ngày đêm của giặc nên cát, bùn, đá hộc trôi, cây rừng ngã… làm bộ đội ta di chuyển vô cùng khó khăn. Ấy vậy nên đội đã cử những y tá, bác sĩ giỏi di chuyển đến tận nơi có thương binh, bệnh binh để điều trị, nhất là căn bệnh sốt rét ác tính, bệnh đường ruột, tai nạn lao động.
Ở Đội Điều trị 14, ai cũng nhớ đoàn viên - bác sĩ trẻ tên Dũng trong đơn vị. Anh từng xung phong chạy giữa mưa bom để cứu sống một nữ thanh niên xung phong tên Quỳ, Bí thư Đoàn TNCS “Đội Thanh niên xung phong 79”. Sau đó vì mang ơn anh, nể phục lòng can đảm của bác sĩ Dũng, Quỳ đã yêu anh. Chuyện tình của họ đẹp như một bức tranh giữa đại ngàn Trường Sơn, trong vòng vây lửa đạn, giữa lằn ranh-sống chết!
Mùa mưa năm ấy, sau hai mùa mưa bám sát các trọng điểm, kịp thời cứu sống nhiều bộ đội và cả nhân dân địa phương, bác sĩ Dũng và y tá Cư được cử bám sát lực lượng ta vượt đường 12. Vừa lên đến điểm cao, một loạt bom đã giết chết y tá Cư, còn Dũng thì bị thủng tạng.
Không may, cơ sở của nhóm phẫu thuật cũng trúng bom và các y tá còn sống cũng chỉ sơ cứu được vài người bị thương nhẹ. Riêng trường hợp Dũng, họ phải điện gấp về đội xin chi viện. Do đường sá quá khó khăn, khi đội tới nơi thì Dũng vừa trút hơi thở cuối cùng.
Anh hy sinh để lại tiếc thương cho rất nhiều người được anh cứu sống, trong đó có Quỳ!
Hiến cả máu của mình
Một đêm, chúng tôi đang ngủ ngon thì điện thoại reo gấp gáp. Đầu dây bên kia có một giọng xa lạ, hổn hển: “Đề nghị đội mổ gấp ca rách bụng đã bị viêm phúc mạc”. Chúng tôi hỏi lại: “Tại sao các đồng chí không chuyển ra ngoài này?”, đầu kia cho biết: “Rất nặng, chuyển sẽ chết dọc đường. Hơn nữa trời sắp sáng, không thể chuyển thương binh bằng ô tô, địch sẽ phát hiện”.
Bỏ ống điện thoại ra, chúng tôi ray rứt phân tích: “Để cứu một người, bảy tám người trong đội có thể hy sinh?” Thế nhưng vì sự sống của đồng đội, vì lương tâm thầy thuốc, chúng tôi nắm chặt tay nhau, cắn răng lên đường. Nghe Đội báo cáo, Binh trạm trưởng Binh trạm 12 lập tức chỉ thị cho pháo ở các trọng điểm sẵn sàng nổ súng bảo vệ đoàn y bác sĩ.
Đến 16 giờ chiều, kíp mổ đến nơi, ai cũng mệt và đói khát nhưng vừa đọc qua bệnh án, chúng tôi quyết định gây mê ngay do bệnh nhân đã vỡ lá lách, chảy máu trong phía sườn trái. Sau khi hút dịch, truyền 600ml máu tươi và thuốc trợ sức, trợ tim, các y bác sĩ đã đưa huyết áp của bệnh nhân lên mức cho phép và đặt nội khí quản, tiến hành mổ. Bàn tay khéo léo của những chiến sĩ quân y vừa gỡ dính, vừa khâu các lỗ thủng, vừa cắt bỏ các bộ phận hư rồi khâu thành bụng cho thương binh tên Khán…
Vậy mà chưa kịp cởi áo mổ và tháo khẩu trang ra, y tá lại hớt hải chạy vào báo có thương binh vỡ bụng. Các y bác sĩ chỉ kịp dùng xà phòng sát khuẩn ngay dụng cụ vừa sử dụng, gây mê rồi khâu gan và mấy lỗ thủng cho bệnh nhân mới.
Những tưởng đã xong, ngờ đâu lại một thương binh bị mảnh bom găm vào ống chân phải. Vậy là kíp mổ lại phải phẫu thuật đục từng mẩu xương để tháo mảnh bom ra và mảnh bom ấy sau này được trao cho anh thương binh để… làm kỷ niệm.
…Trở lại với Khán sau ca mổ, chúng tôi tưởng như tuyệt vọng bởi anh mất quá nhiều máu. Cuối cùng, tất cả những ai có cùng nhóm máu, kể cả bác sĩ, đều hiến để cứu sống Khán. Nhìn Khán mấp máy môi cười, chúng tôi hạnh phúc vô bờ!
Hồi ức của đồng chí Lê Văn Đính và Tạ Lưu, MINH ANH ghi
Thông tin liên quan |
- Bài 7: 365 ngày ở Binh trạm 33 - Bài 6: Có một người mù tải đạn - Bài 5: Vượt trọng điểm A-T-P |