Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển
Vào những năm của thập niên 1990, trong điều kiện pháp luật chưa minh bạch và chính sách chưa rõ ràng, TPHCM đã chủ trương thực hiện nhiều mô hình phát triển hạ tầng đô thị, tạo kênh huy động nguồn lực xã hội vào phát triển TP văn minh, hiện đại…
Đổi đất lấy hạ tầng
Đứng bên này cầu Xóm Củi thuộc phường 11 (quận 8) chỉ tay qua bên kia sông - xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh), ông Năm Ngà nói với chúng tôi: “Đất nhà tôi trước kia có gần 1 mẫu chuyên trồng rau muống. Năm 1995, TP mở đường Bắc Bình Chánh - Nam Nhà Bè đã thu hồi toàn bộ. Giá bồi thường lúc đó chừng mấy chục triệu đồng à. Biết là thiệt, nhưng người dân quanh đây ai cũng thấy cái lợi là có đường đi nên đều ủng hộ…”. Đứng cạnh bên, ông Tư Thìn, nguyên cán bộ ấp 3, xã Tân Quý Tây nói chen vào: “Cả ấp có hơn 30 hộ dân bị thu hồi đất để mở đường, hầu như nhà nào cũng đồng tình, không thấy ai khiếu kiện chi hết”…
Câu chuyện của ông Năm Ngà và Tư Thìn đưa chúng tôi trở lại vùng đất đầm lầy, chua mặn, hoang hóa ngoại thành TPHCM những năm 1995, 1996 trở về trước. Ngày đó, như ông Tư Thìn nói, đất ở vùng này toàn đồng trống, nước ngập mênh mông. Người dân các ấp của xã Tân Quý Tây muốn qua quận 8, Xóm Củi, Chợ Lớn… phải đi ngược về chợ Bình Chánh, hoặc vòng qua ngã ba Tân Túc rồi qua cầu Bình Điền. Khó ai có thể hình dung được, để xẻ một con đường dài 18,7km, rộng hơn 100m cho 10 làn xe đi từ quốc lộ 1A huyện Bình Chánh đến điểm cuối tại đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) ngày nay, mở ra vùng đô thị hiện đại Nam Sài Gòn, Phú Mỹ Hưng, đã có bao công sức, tiền của của người dân TP đóng góp. Cùng với đó là cách làm sáng tạo, đột phá theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng” để giải quyết bài toán phát triển đô thị và sau này được nhiều địa phương trong cả nước thực hiện với nhiều hình thức khác nhau.
TPHCM đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn. Ảnh: VIỆT DŨNG
TS Trần Anh Tuấn (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) nhớ lại: Từ năm 1987 khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến vùng đất đầy tiềm năng phát triển phía Nam TP này, trong đó có Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D - Đài Loan, Trung Quốc). TP đã chọn tập đoàn này để liên doanh với Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - Việt Nam). Theo hợp đồng ký kết, TP cho Tập đoàn CT&D thuê đất trong vòng 50 năm. Đổi lại, TP được hưởng lợi từ việc chuyển giao tuyến đường sau khi đầu tư, cũng như giá trị đất gia tăng từ 1.600ha trong tổng số 2.200ha dọc theo tuyến đường (khu Nam Sài Gòn). Phía CT&D được thuê 600ha đất để kinh doanh bù đắp kinh phí đã bỏ ra làm tuyến đường Bắc Bình Chánh - Nam Nhà Bè (sau này đổi thành đại lộ Nguyễn Văn Linh). Thời gian thu phí được quy định trong vòng 30 năm, sau đó chuyển giao (không bồi hoàn) cho TP.
Ông Tuấn chỉ ra bài học: “Với cách làm sáng tạo trên, chỉ một thời gian ngắn, TP phát triển những khu đô thị mới hiện đại, văn minh như ngày nay, và còn có được tuyến đường giao thông huyết mạch có ý nghĩa quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa từ TPHCM đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mở ra thời cơ mới trong việc phát triển TP theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt”. Để có vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, ông Tuấn nói: “TP đã đề xuất trung ương cho thành lập một định chế tài chính của nhà nước có chức năng huy động nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế. Năm 1997, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị được thành lập và sau đó đã không ngừng lớn mạnh, trở thành “người mở đường” cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của TPHCM”. Cuối năm 1997, TP thành lập Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII), trên cơ sở 3 cổ đông sáng lập: Quỹ Đầu tư phát triển đô thị, Công ty Sản xuất kinh doanh thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ TPHCM.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “CII ra đời với tư cách một tổ chức đầu tư tài chính hoạt động với mô hình công ty cổ phần đại chúng, hướng đến mục tiêu xã hội hóa lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị của TPHCM, đồng thời hình thành một kênh huy động vốn mới, thu hút vốn nhàn rỗi trong dân để đầu tư phát triển hạ tầng TP”.
Có cơ chế, có vốn và có đội ngũ quản lý dự án chuyên nghiệp, CII đứng ra mua lại 2 dự án đường Điện Biên Phủ và đường Hùng Vương nối dài (nay là đường Kinh Dương Vương, đi qua quận 6, Bình Tân). Đây là 2 công trình giao thông trọng điểm được TP đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, nay được CII mua lại với giá 1.000 tỷ đồng, thời hạn trả trong vòng 18 tháng với các bảo đảm điều kiện về cổ tức định mức, lãi suất vốn vay, chi phí quản lý, duy tu… “Mô hình và cách làm sáng tạo này đã trở thành hướng đầu tư, kinh doanh phát triển của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước thực hiện thông qua các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị của TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước”, ông Tuấn bày tỏ.
|
Đa dạng hình thức phát triển hạ tầng đô thị
Theo TS Trần Du Lịch, Phó đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, muốn huy động vốn xã hội, TP phải có công cụ tài chính theo hình thức hoạt động của CII. Đơn vị này không chỉ hình thành và định hướng cho định chế tài chính mới của nền kinh tế, mà còn trở thành nguồn “vốn mồi” để thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như hình thức công ty cổ phần. “Với cách làm này, TP đã có tổng kết từ mô hình của CII và cho thấy ngân sách nhà nước bỏ ra 1 đồng thì khả năng huy động vốn xã hội đầu tư và quản lý được 53 đồng. Đó là cách làm xã hội hóa về hạ tầng mà TPHCM kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua, và sau này khi thể chế nền kinh tế thị trường được định hình, nhiều chính sách của nhà nước được ban hành, đã thúc đẩy cho các hình thức thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển hạ tầng đô thị”, ông Trần Du Lịch đúc kết.
Có thể kể ra đây một số công trình tiêu biểu thuộc dự án BOT như tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, An Sương - An Lạc, cầu Bình Triệu 2, cầu Phú Mỹ…; dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài theo hình thức BT… Các hình thức phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu chính quyền địa phương, đấu giá quyền sử dụng đất… cũng thu hút được nguồn lực đáng kể để thực hiện hàng chục công trình, dự án phát triển hạ tầng đô thị, làm thay đổi đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân TP và hình thành nên những khu đô thị mới văn minh, hiện đại.
Cũng với cách làm đi trước và sáng tạo của TPHCM, các mô hình về sau trở thành chủ trương chung của cả nước và thực hiện thành công ở nhiều địa phương. Ở cương vị người đứng đầu UBND TPHCM, Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhìn nhận: “Bước chuyển tiếp của các mô hình huy động nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng đô thị còn được TPHCM phát triển lên ở nhiều hình thức khác như: khai thác quỹ đất hai bên đường (biên “chỉnh trang”, hay biên “phát triển”); điều chỉnh tăng khung giá đất hàng năm tại địa bàn đã được đầu tư hạ tầng; nhà nước và nhân dân cùng làm…”. Trong đó, hình thức khai thác quỹ đất hai bên đường thực hiện tại dự án đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) được đánh giá khá thành công. Thay vì giải tỏa theo diện tích ranh giới của tuyến đường, dự án giải tỏa, mở rộng thêm ranh đất ở hai bên đường, tạo ra quỹ đất dự trữ, sau đó đấu giá để thu hồi vốn đầu tư và bổ sung ngân sách hỗ trợ các hộ dân bị giải tỏa, di dời.
Bài 9: Từ Công viên phần mềm đến Khu công nghệ cao.
HOÀI NAM - ÁI CHÂN
- Thông tin liên quan:
Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển
>> Bài 7: Vì người nghèo - dấu ấn nhân văn