Bài ca trên sóng

Đó là bài ca bi tráng nhưng hào hùng của hôm qua; sống động, vui tươi, trong trẻo của hôm nay. Côn Đảo, đền thiêng dân tộc, đất trời trong xanh lắm rồi.
Bài ca trên sóng

Đó là bài ca bi tráng nhưng hào hùng của hôm qua; sống động, vui tươi, trong trẻo của hôm nay. Côn Đảo, đền thiêng dân tộc, đất trời trong xanh lắm rồi.

Đền thiêng dân tộc

Một đêm cuối tháng 7, trong nghĩa trang Hàng Dương lúc 10 giờ khuya, dòng người vẫn nối nhau không dứt. Bên ngôi mộ cẩn đá đen của Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu hoa trắng phủ tràn tận chân mộ. Và hàng người đến sau vẫn im lặng, xếp hàng đợi đến lượt thắp nhang, dâng hương. “Ông bà, cô bác đã vì nước vong thân để con cháu có ngày hôm nay. Ơn này chúng con xin tạc vô lòng và nguyện cố gắng sống cho tốt hơn, tử tế hơn”, một chị khoảng ngoài 30 tuổi đứng sát bên khấn thành lời. Tiếng sóng vỗ bờ rồi lan xa. Tụ lại là lòng thành kính, trân trọng của lớp người hôm nay với  lớp tiền nhân. “Chú ý những ngôi mộ nằm ở xa, sát biển nha. Thêm hoa thêm nhang phía ngoài kia mấy anh chị ơi”, một du khách lên tiếng. Những đốm nhang chụm lại, bùng sáng rồi tỏa đi khắp các hàng mộ, trên từng ngôi mộ.

Hỏi một thanh niên vừa cắm nhang dọc theo một hàng mộ, mới biết đó là tiến sĩ Đào Quang Báu, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nhóm của TS Báu có 15 người gồm cả số người từ Hà Nội bay vào, toàn thế hệ 7x. Các bạn đến sớm, chia nhóm đặt hoa, thắp nhang tất cả các ngôi mộ. Có bạn đã ra đảo cả 10 lần để làm việc này. “Các ông các bác phải chịu cảnh biệt lập, biệt giam, cả mấy chục năm ròng rã; lúc nằm xuống cũng lặng thầm. Đến đây càng tự hào, thấy yêu Tổ quốc gấp bội. Những đóng góp của mình còn nhỏ bé quá, phải sống có trách nhiệm hơn”, TS  Báu bồi hồi nói. Đêm đó, người Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Phước, TPHCM, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang… cũng quây quần “về nguồn”.

“Côn Lôn đi dễ khó về/Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”. 113 năm (1862 - 1975) “địa ngục trần gian” bám víu hòn đảo này. Hàng vạn người Việt yêu nước đã hóa thân vào đất, trộn hồn vào sóng, giữ trọn niềm tin. “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!” (Võ Thị Sáu). Thông điệp đó, khí phách đó truyền mãi đời sau, là lời cảnh báo trước bất cứ thế lực ngoại bang nào. Côn Đảo, “Trái tim không ngủ yên” trong tâm thức người Việt. Côn Đảo, đền thiêng dân tộc.

Khách quốc tế tham quan di tích nhà tù.

Bài ca trên sóng

Chỉ mất hơn 30 phút, chiếc ATR 72 từ TP Cần Thơ đã đáp xuống sân bay Cỏ Ống. Cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, từ Cần Thơ muốn ra Côn Đảo phải thức dậy từ sớm, ngồi xe xuống cửa Trần Đề (Sóc Trăng) rồi mới được lên tàu. Giờ cơm, nhiều người “mật xanh mật vàng”, “anh nuôi” ôm thau cơm men thành tàu như làm xiếc đến tận nơi phục vụ. Ra đảo bây giờ có tàu khách từ Vũng Tàu, tàu hàng từ Cần Thơ. Đường hàng không từ TPHCM, Vũng Tàu, Cần Thơ. “Dịp này tăng vọt, lên 15 chuyến bay/ngày. 16 phòng ở đây “cháy” hết”, cô Hương, chủ khách sạn Ba Đoàn trên đường Tôn Đức Thắng nói vậy. Trong vòng 5 năm, hai vợ chồng trẻ điều hành hai nhà nghỉ, nhận khách qua mạng.

Nắng trùm cầu tàu 914. “Con số 914 chỉ mang tính ước lệ số người đã chết lúc khổ sai xây dựng” (bia kỷ niệm). “Nơi đây có chiếc cầu tàu/ Mỗi viên đá xếp một đầu người rơi”. Nhà “chúa đảo” đối diện giờ là khu trưng bày chứng tích chiến tranh. “Sở cò”, nơi giam giữ anh hùng Võ Thị Sáu đêm cuối cùng (22-1-1952), Nhà lưu niệm “Cô Sáu”... nườm nượp du khách.

Đường Tôn Đức Thắng chạy qua cầu tàu 914 là con đường đôi đẹp nhất, lãng mạn nhất Côn Đảo. Mặt đường nhựa láng o, những quán cà phê nép dưới tán hàng “cây di sản”. Vịnh Côn Sơn nước xanh ngắt, sôi động các dịch vụ biển. Cầu tàu du lịch mới xây vươn dài, bập bềnh tàu ghe… Đường trên Côn Đảo như ô cờ, nhỏ, ngắn nhưng sạch, nên thơ tựa đường sá ở xứ Hà Tiên. “Mấy năm nay được nâng cấp, trải nhựa muốn hết rồi”, Chánh Văn phòng UBND huyện Côn Đảo Nguyễn Anh Nhựt hào hứng khoe. 20 năm trước, khi mới 22-23 tuổi, anh Nhựt cùng 15 bạn trẻ khác từ TPHCM ra đảo theo chương trình do Trung ương Đoàn phát động.

“Côn Đảo khác xưa nhiều lắm. Khi chúng tôi ra còn thắp đèn dầu, đường thị trấn trải nhựa mỏng dính, có nơi đá lổn nhổn. Lúc đó chỉ có khoảng 1.000 dân, nay đã lên 7.000 người rồi”, chị Nguyễn Thị Anh Thư nhớ lại. Năm 1983, chị Thư nằm trong số 300 thanh niên Cần Thơ tình nguyện ra đảo, là cán bộ Đài Phát thanh - truyền hình huyện đảo rồi nghỉ hưu, chồng là nguyên Trưởng ban Quản lý di tích Côn Đảo. Con cái trưởng thành, người đi du học, người là giảng viên báo chí trên TPHCM… Dân ở đảo đến từ tứ xứ (60/63 tỉnh, thành có dân sống ở đây) nên đong đầy thương nhớ, sống hòa đồng, tình nghĩa, gia đình có người bệnh tật, tử vong hay tai nạn thì cả đảo đến thăm. “Ở đây như thiên đường rồi, còn đi đâu nữa?”, có lần chồng chị Thư trả lời bạn mình như vậy.

Côn Đảo luôn năng động, phát huy thế mạnh sẵn có.  Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 74,66 triệu đồng (khoảng 3.584 USD). Toàn huyện hiện chỉ còn 4 hộ nghèo theo chuẩn mới, 100% gia đình chính sách có nhà ở kiên cố, 100% hộ gia đình có điện, có 4 trường đạt chuẩn quốc gia...

Xanh mướt Côn Đảo

Bãi Đầm Trầu lọt giữa hai rặng núi đá, bờ biển ngập cát vàng, chạy dài hàng trăm mét. Trên bờ chỉ có 3 quán bàn cây ghế gỗ, treo võng đơn sơ. Chủ quán “khai phá” đầu tiên là chị Nguyễn Thị Hồng, người đến tận An Biên (Kiên Giang). Cá mú đỏ, cá mú sao, bào ngư, tôm… quậy tưng trong bể chứa. 5 năm trước người phụ nữ này đã thấy vẻ đẹp nguyên sơ nơi đây, đổ nền dựng cột rồi khoan giếng lấy nước ngọt, cất phòng tắm… “Đây là “trà bà Doan”, quà của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vừa tặng gia đình chính sách đó”, chị Hồng mời rồi kể lúc đầu quán vắng, nay đỡ lắm rồi và cũng chưa “thuế má gì cả”... Hàng loạt khách sạn dáng dấp hiện đại ven biển. “Six Senses Resort”, công trình từng đoạt giải kiến trúc độc đáo của Tổ chức Du lịch thế giới, thu hút nhiều nhân vật nổi tiếng, mới đây là vợ chồng ngôi sao Hollywood Angelina Jolie.

“Du lịch tăng đột biến, cả doanh thu lẫn lượng khách”, Chánh Văn phòng UBND huyện Nguyễn Anh Nhựt thông báo. Dịch vụ - du lịch luôn chiếm hơn 87% trong cơ cấu kinh tế của đảo. Mới 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu dịch vụ du lịch đã đạt 88,39% (hơn 300 tỷ đồng) kế hoạch năm, tăng trên 91% so cùng kỳ năm trước; lượng khách đạt 65,96% (69.498 lượt khách) kế hoạch năm, tăng 48,28% so cùng kỳ năm trước. “Phấn đấu phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia”, đó là mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện Côn Đảo lần thứ IX (2015-2020). Đề án thành lập thành phố Côn Đảo với các phường trực thuộc (hiện là chính quyền 1 cấp) đang được nghiên cứu. Côn Đảo sẽ bước lên vị thế mới.

20/22 điểm di tích ở Côn Đảo là di tích quốc gia đặc biệt. Nghĩa trang Hàng Dương có đền thờ mới, hệ thống đèn năng lượng mặt trời, vòi phun nước tự động, lọc nước tuần hoàn, âm thanh... “Trung ương cùng cả nước luôn quan tâm, hỗ trợ trùng tu di tích. Sắp tới sẽ là tôn tạo trại Phú Tường, trại Lò Vôi, trại 1 Phú Thọ… Gió chướng và tuổi đời di tích cao là thách thức rất lớn cho công tác bảo tồn”, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Đảo Phạm Thị Tám cho biết. 

Cựu tù Côn Đảo Cao Văn Hiền (Long Hồ - Vĩnh Long), 82 tuổi, bị biệt giam ở khu F trại 7, nơi đầu tiên mở khóa phòng giam trong toàn bộ hệ thống nhà tù Côn Đảo vào ngày 30-4-1975, cho biết: “Nghĩa trang Hàng Dương thuở đó cát tràn, mộ dồn mộ. Tôi ra đây thường lắm”. Ông nằm trong số 150 người tù ở lại giữ gìn trật tự an ninh đảo sau ngày giải phóng, đến năm 1981 mới về quê hương. Côn Đảo lạnh lẽo, âm u ngày nào, nay là mảnh “đất lành” ngập tràn tình nghĩa, tụ dân mọi nẻo, sôi động nhịp sống mới.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục