Bài học dược Viễn Đông

Việc cơ quan an ninh điều tra bắt tạm giam một “dàn” lãnh đạo của Công ty dược Viễn Đông tuần qua khiến dư luận không khỏi xôn xao. Quả thực, sự kiện Công ty dược Viễn Đông thao túng thị trường chứng khoán để đẩy giá cổ phiếu lên đang được cơ quan công an điều tra đã đánh động đến không ít đối tượng vốn dĩ kinh doanh, sản xuất dược phẩm theo kiểu… chụp giựt.

Theo cơ quan an ninh, để trở thành một công ty nổi đình nổi đám trên thị trường chứng khoán, Công ty dược Viễn Đông đã lập ra một loạt công ty và kinh doanh theo kiểu vòng vo. Điều đáng nói, không ít công ty dược tưởng bở đã hợp tác với Công ty dược Viễn Đông và hiện đang phải đau đầu gồng gánh hệ lụy.

Ngoài Công ty dược Hà Tây ra, phải kể đến Công ty cổ phần dược phẩm S. ở quận 7, TPHCM đã nhận gia công một số lượng lớn thuốc viên sủi. Trong khi đó, thông tin ghi nhận cho thấy, Công ty dược Viễn Đông không phải là một công ty có tiềm lực về sản xuất, kinh doanh dược phẩm cả về cơ sở vật chất lẫn “tuổi đời” trên thương trường.

Từ sự thật của dược Viễn Đông để nhìn nhận lại, hiện thị trường dược phẩm trong nước cũng không ít doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”. Nói như một lãnh đạo của ngành dược, nếu như Việt Nam có khoảng 100 nhà máy sản xuất thuốc thì chỉ khoảng 30% trong số đó thực sự hoạt động nghiêm túc và có hiệu quả.

Không những vậy, cả nước hiện có đến gần 3.000 công ty TNHH dược phẩm kinh doanh đủ kiểu: từ nhập khẩu, gia công, phân phối sỉ, lẻ… Trong số đó, rất nhiều công ty lập nên chỉ để làm bình phong, sân sau.

Theo thống kê danh mục thuốc nhập khẩu của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện Việt Nam phải nhập thuốc từ nước ngoài hơn 10.000 loại, từ những viên thuốc trị cảm cúm thông thường đến những biệt dược đặc trị. Để trực tiếp nhập thuốc về, chỉ một số công ty trong nước và nước ngoài được cấp phép.

Theo cán bộ xuất nhập khẩu của một hãng dược ở TPHCM, hầu hết các công ty nhập thuốc về chưa phân phối bán ngay mà ít nhất cũng mua bán lòng vòng qua 5 lần 7 lượt. Vị cán bộ này ví dụ một lô thuốc trị viêm gan được công ty A nhập về với giá nguyên lô là 1 triệu USD, sau đó bán lại cho công ty B để ăn chênh lệch, rồi công ty B bán lại cho công ty C… Cứ tiếp tục như vậy, và theo “thời giá”, qua mỗi khâu, lô thuốc đã tăng giá lên 10%.

Tuy nhiên, điều đáng nói là những “phi vụ” mua bán ấy chỉ diễn ra trên giấy, còn thực chất lô thuốc vẫn trong kho công ty A. Và không loại trừ việc mua bán lòng vòng chẳng qua chỉ do một công ty A đạo diễn, bởi các công ty kia chỉ là “sân sau”, nhằm lách thuế và hợp pháp hóa khi kê khai giá bán thuốc. Không chỉ thuốc nhập khẩu, thuốc sản xuất trong nước cũng được “phù phép” tương tự. Giá thuốc tăng cao chóng mặt liên tục trong nhiều năm qua cũng có nguyên nhân chính từ việc buôn bán lòng vòng đó.

Phải khẳng định rằng, một chủ thể kinh doanh dược phẩm thường ít nhất phải có từ 2 - 3 công ty trở lên để dễ bề “tung - hứng”. Và Công ty dược Viễn Đông là một bằng chứng. Hơn nữa, hiện đang rộ lên tình trạng nhiều công ty dược lập nên không có tiềm lực về sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đi thuyết phục các công ty dược khác để đặt hàng sản xuất. Sau đó, lấy hợp đồng đặt hàng ấy cầm cố ngân hàng vay tiền hoặc đi bán lại cho các công ty khác. Do đó, thuốc sản xuất chưa có sản phẩm mà giá đã nâng lên cả chục lần!

Nhiều năm qua, người dân luôn bức xúc vì giá thuốc chữa bệnh tăng cao. Tuy nhiên, để chấn chỉnh tình trạng này không đơn thuần chỉ là những biện pháp hành chính giải quyết phần ngọn mà quan trọng hơn là giải quyết tận gốc. Đó là cần chấn chỉnh tình trạng các công ty “ma” dược phẩm đang khuấy đảo thị trường dược, liên minh cùng nhau làm tăng giá thuốc.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục