Buổi tập huấn về chăn nuôi bò sữa của Công ty Liên doanh thuốc Thú y Bio - Pharmachemie tại hội trường UBND xã Trung An huyện Củ Chi (TPHCM) tuần qua với sự tham gia của hơn 100 hộ nuôi bò sữa (có hộ từ huyện Hóc Môn) về đây tham dự vỡ ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
Giá thành trong chăn nuôi luôn là bài toán mà người nuôi cần tìm cách giải sao cho có được đáp án kinh tế nhất, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Đảnh, bài học đầu tiên là nên nuôi bò sữa cho 40kg sữa/ngày thay vì nuôi 2 con bò chỉ có 20 kg sữa/ngày/con. Bởi để có được 40kg sữa ngày, con bò cho 40kg sữa/ngày tiết kiệm lượng thức ăn rất lớn so với 2 con bò cho 20kg sữa/con/ngày (tiết kiệm 8,4kg bắp và 1,8kg dầu đậu nành/ngày, vật chất khô chỉ bằng 71%...). Nếu tính cho 1 tháng và cả năm, con số này rất lớn. Đó là chưa kể, nguồn thức ăn thô để nuôi 1 con bò sẽ ít hơn nuôi 2 con, giảm thêm chi phí chuồng trại, điện nước, chi phí nhân công, dịch vụ ngày càng tăng và ô nhiễm môi trường khi nuôi quá dày. Điều này càng có ý nghĩa khi diện tích đất nông nghiệp ở TPHCM ngày càng bị thu hẹp.
Đàn bò sữa TP ngày càng tăng dòng máu Holstein, phải biết phát huy hết tiềm năng di truyền bằng cách bò sữa phải được nuôi dưỡng và chăm sóc đúng mức để gia tăng sản lượng và chất lượng sữa, giảm giá thành sản xuất. Đây là vấn đề rất ít người chăn nuôi nắm vững kỹ thuật. Bởi khi ổn định được khẩu phần ăn với các nguồn phụ liệu nông sản có sẵn như cỏ tươi, rơm khô, cám hỗn hợp, bánh dầu, nhà chăn nuôi sẽ không phụ thuộc vào nguồn thức ăn không ổn định như hèm bia (giá cao, chất lượng kém)…
Nhưng điều quan trọng hơn là giúp môi trường ở dạ cỏ ổn định, gia tăng nguồn sinh khối vi sinh vật để cải thiện sản lượng và chất lượng sữa, không bị acidosis (huyết toan), giảm nguy cơ viêm móng. Tìm giống cỏ có hàm lượng vật chất khô và đạm cao hơn để giảm bớt cám hỗn hợp hay bánh dầu như cỏ stylo (16%-18% đạm), giúp bò ăn nhiều dưỡng chất nên cho nhiều sữa. Khi tăng tỷ lệ thức ăn thô không chỉ giúp tăng tỷ lệ acid acetic, cơ chất tổng hợp chất béo mà còn giảm tỷ lệ thức ăn tinh. Đó là cách hạ giá thành 1 kg sữa. Nhà chăn nuôi có thể nhận biết khẩu phần ăn đầy đủ dưỡng chất hay không cần đánh giá điểm thể trạng (BCS), không để bò quá gầy hay quá mập…
Nhiều câu hỏi của bà con cho thấy còn một lỗ hổng không nhỏ trong kiến thức chăn nuôi. Bác L. V. T. ở xã Phú Hòa Đông cho biết đã nuôi bò sữa gần 40 năm, nhưng lại không biết tại sao bò ăn uống thất thường, dù béo mập mà lại khó thụ thai. Khi Tiến sĩ Lê Đăng Đảnh giải thích, bò mập quá, do dư năng lượng nên ăn thất thường, hoặc do nóng mà không làm mát đúng cách (tắm thay vì dùng máy phun sương), mở đóng ở buồng trứng gây khó thụ thai. Ngược lại bò ốm, thiếu năng lượng, buồng trứng khó hoạt động, trứng rụng đa số là trứng non… Chăn nuôi bò sữa mà lại không tiêm phòng dịch bệnh, khi dịch lở mồm long móng xảy ra, không ít chuồng bị nhiễm, lại không biết báo ai… là những lỗ hổng khác của bà con ở Tân Thạnh Tây (Củ Chi), xã có đàn bò sữa nhiều nhất TP và cả nước, trên 37.000 con. Cần có thêm nhiều buổi tập huấn thiết thực cho người nuôi bò sữa, bổ sung những khiếm khuyết lẽ ra không đáng có ở người nuôi bò sữa.
CÔNG PHIÊN