Biển bãi ngang các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị mùa biển động cảnh bến đìu hiu. Thuyền bơ nan nhỏ nằm úp mình trên dải cát dài cô quạnh. Gió mùa Đông Bắc thổi về, từng cột sóng cao hơn 3m vỗ vào bờ biển làng. Thuyền nhỏ không thể ra khơi, cảnh làng ít nhộn nhịp, lặng lẽ bên tiếng ầm ào. Người phía làng bãi ngang làm lụng trăm nghề mưu sinh, chờ vượt qua mùa đông để đợi vụ cá của năm sau mới í ới đoàn viên ra vùng lộng đánh bắt con tôm, con cá cho cuộc mưu sinh đầy sóng gió.
Cất thuyền lên bờ
Tại bến cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim (thuộc huyện bãi ngang ven biển Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thời điểm này sóng biển và gió thổi khá mạnh, trong bến, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ các loại của ngư dân các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định… đang neo đậu chờ biển lặng để ra khơi đánh bắt hải sản. Khung cảnh buôn bán nơi bến cảng cũng trở nên đìu hiu hơn so với ngày bình thường.
Ông Bùi Văn Vừa (65 tuổi, ở Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đang ngồi trên mũi tàu cá mang số hiệu TH 1834 TS, công suất 33CV, chốc lát rít từng hơi thuốc lào rồi nhìn ra khơi cho biết, tàu của ông chuyên đánh bắt hải sản dọc ven biển Thanh Hóa - Quảng Bình. Vì biển động, sóng to, gió lớn, có thời điểm cột sóng cao 3 - 4m, khó đánh bắt và nguy cơ mất an toàn cao, nên tàu ghé vào cảng Cửa Sót trú ẩn đã 2 ngày nay rồi. Chờ khi biển lặng sẽ tiếp tục ra khơi. Trong thời gian nằm chờ, cả 4 thuyền viên trên tàu ngoài ăn rồi ngủ thì chỉ còn biết xôm tụ nhau lại nhậu nhẹt hoặc chơi bài để giết thời gian.
Nhiều làng biển mùa biển động, đàn ông ở nhà vá lưới.
Ven biển Quảng Bình, từng làng biển bãi ngang dài tít tắp phía rặng phi lao đầy ắp những bãi thuyền nan nhỏ bé như đang cuộn tròn trên triền cát lạnh giá. Ở xã bãi ngang Hải Ninh (Quảng Ninh), chị Trương Thị Lần kể: “Năm mô cũng rứa thôi, làng toàn thuyền bơ nan, nhỏ bé, sóng biển thì lớn, rứa là cả mấy trăm chiếc thuyền phải thu giấu sau rặng dương, neo chặt, cất kỹ để tránh triều cường, tránh mưa gió trôi cát đẩy thuyền trôi ra biển, mất gia tài lớn”.
Ông Mai Văn Buôi, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết: “Biển ở đây sóng cồn, không có tàu lớn nhiều, mùa đông ngư dân phải nghỉ biển để bảo toàn tài sản, cũng là để bảo vệ tính mạng”. Theo dấu biển làng, vô tận Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy), làng biển cũng hiu hắt phía bờ. Rặng phi lao gió lùa xao xác, tiếng sóng đập vô bờ nghe ầm ầm thất kinh, nhìn từng con nước bạc đầu vô biên nối nhau thổi vào cát làng mới thấy hết sự vắng bóng của ngư dân ở bờ biển bãi ngang mùa gió chướng. Không một bóng người. Đi sâu vào vùng biển Quảng Trị, làng bãi ngang quanh Cửa Tùng, hay ven biển huyện Gio Linh, cảnh làng đưa thuyền lên bờ cất giữ kéo dài như vô tận bởi gió mùa Đông Bắc xô đến.
Nhiều cảnh kiếm việc
Phần lớn ngư dân, chủ yếu là phụ nữ ở các xã bãi ngang ven biển của tỉnh Hà Tĩnh trong những ngày biển động, tàu thuyền không thể ra khơi được. Để có thêm nguồn thu nhập họ tìm đến các cơ sở, đại lý chuyên sản xuất - kinh doanh hải sản trên địa bàn rồi xin vào lao động thời vụ như xay ruốc, phơi ruốc, chế biến ruốc, cá, nước mắm… Một số khác thì mang theo quang gánh, xe đạp thồ ra dọc mép biển nơi có các tàu công suất lớn đánh cá ghé vào để nhặt con tép, con cá nhỏ sạch sẽ và vận chuyển về tận nơi cho thương lái.
Bà Trần Thị Ngân (67 tuổi, Long Hải, Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cho biết, năm nào cũng vậy cứ đến mùa này biển động, từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều là ngư dân ở đây lại tụ tập ra trước bãi biển Long Hải xin chủ cơ sở sản xuất hải sản cho vào nhặt cá, tép sạch sẽ rồi vận chuyển từ tàu cá về tận nơi cho họ, với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/tạ, bình quân mỗi ngày cũng kiếm được từ 100.000 - 150.000 đồng/người. Một số thì xin vào làm công nhân thời vụ trong các cơ sở sản xuất, chế biến với tiền công 120.000 - 180.000 đồng/người/ngày tùy theo hiệu quả công việc.
Ngư dân nào có điều kiện thì tự bỏ vốn ra trực tiếp thu mua tép, cá nhỏ từ tàu lớn rồi chở lên tận các chợ đầu mối bán kiếm tiền lời. Trong thời gian nhàn rỗi này, nhiều ngư dân ở tỉnh Hà Tĩnh cũng sắm ngư cụ ra dọc mép biển, luồng lạch để cào, nhủi bắt con nghêu, vẹm, ốc, sò, tép, cá nhỏ… đem về bán cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Ở làng biển Hải Ninh, ngoài đi kiếm tép biển khi mùa đến, người dân còn làm nghề phụ mưu sinh như trồng khoai bán cho thương lái. Khoai trên cát Hải Ninh nổi tiếng ngon đến người Nhật Bản cũng thích. Họ trồng khoai trong mấy tháng biển động rồi thương lái ở Đồng Hới lên mua làm khoai gieo xuất khẩu. Nhưng ngày nay, nhiều phụ nữ phía làng đã mở đại lý tại nhà. Khoai chỉ trồng hai tháng rồi thu hoạch. Củ to, thơm trong, lát khoai cắt ra đưa vào lò sấy rồi đóng gói đi bán.
Chị Ngô Thị Hà nói: “Nghề trồng khoai giải quyết việc nhàn đáng kể cho phần lớn ngư dân ở xã Hải Ninh mùa nghỉ biển. Phụ nữ luộc khoai, cắt khoai từng lát, đàn ông thì thu hoạch khoai trên cát, chở về nhà, rửa để nấu. Tính ra mỗi ngày cũng thu được cả trăm ngàn tiền công. Biển động mà có được việc là cũng tốt rồi”.
Ở ba xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam khi mùa biển động, thuyền bè cất kỹ, tay lưới ủ lại thì người dân đào ao nuôi cá nước ngọt. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam cho biết: “Cất thuyền mùa đông thì người làng làm đủ việc. Việc phổ biến nhất là nuôi cá quả trên cát. Nuôi đến tháng 2 tháng 3 năm sau cá to lại bắt đi bán. Thế là có việc làm, có thu nhập. Việc cứ rứa mà xoay vần”. Ở vùng biển Cửa Tùng (Quảng Trị) nhiều gia đình đan lưới thuê cho các vùng biển khác.
Bà Nguyễn Thị Ngoạn kể: “Mùa đông sóng lớn, đàn ông nghỉ biển thì ở nhà có người thuê đan lưới, vá lưới. Làm hết. Có thu nhập không cao nhưng việc làm cả ngày, khỏi nhàn nhã cũng là ổn rồi”.
Nghỉ biển chờ cá lớn
Tính ra các làng biển bãi ngang nghỉ biển khoảng 5 tháng. Trong 5 tháng đó vùng biển lộng gần bờ tạo ra một vòng sinh trưởng cực kỳ ngoạn mục. Chính sự nghỉ biển mùa đông bắc mà con cá, con tôm, các loài hải sản có phần hồi sinh theo góc nhìn của các ngư dân ở đây. Từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào đến Vĩnh Linh (Quảng Trị) có rạn san hô rộng hàng kilômét và dài hơn 130km có nhiều vụng, vịnh khuất gió như vùng Đèo Ngang, Vũng Chùa hay quanh đảo Cồn Cỏ.
Ông Đinh Ngọc Hùng, xã biển Thạch Kim (Hà Tĩnh) cho biết: “Biển động, nghỉ dài ngày cũng là cơ may để cá mú gần bờ kéo về sinh đẻ trong các vụng vịnh, lúc trời yên biển lặng thì có nguồn đánh bắt mà tích trữ cái ăn cho mùa nghỉ biển năm sau”.
Cụ Trương Văn Hiếu ở Ngư Thủy Nam khẳng định: “Mùa đông nghỉ biển nhìn thì khó khăn, phải kiếm việc khác làm. Nhưng rạn san hô từ đầu tỉnh Quảng Bình đến cuối tỉnh nằm sâu dưới mấy chục sải nước là nơi yên ắng, các loài hải sản kéo về rất nhiều trú dưới đó. Chúng kéo về cũng là vì luồng ruốc biển kéo về rất đông. Ruốc biển có đàn đỏ tươi, rộng cả ngàn mét, kéo dài có khi hơn mười kilômét. Những đàn ruốc biển đó là thức ăn của các loài cá biển. Chúng thu hút nhiều loài cá về ăn, rồi đẻ trứng, sinh con. Đủ lớn nhanh, đến khi hết giông gió thì bà con đánh bắt gần bờ có thu hoạch tốt. Nên cứ đến vụ cá Nam mỗi năm sau tết là được mùa”.
Lời kể của các ngư dân từ vùng Quảng Đông, Quảng Xuân (Quảng Trạch), Nhân Trạch (Bố Trạch), Hải Ninh (Quảng Ninh), Vĩnh Linh (Quảng Trị) đều trùng khớp về rạn san hô cách bờ chừng 5 hải lý. Nơi đó như mái nhà thu hút vô số loài hải sản biển cả về trú đông và theo thức ăn của phù du, của loài ruốc nhỏ bé kéo dài hàng kilômét. Từ quy luật tự nhiên đó mà ngư dân có được mùa bội thu.
Ông Nguyễn Đồng ở làng biển Thanh Bình (Quảng Xuân, Quảng Trạch) nói: “Nhìn trời rồi đất thì cứ sau tết sẽ có mùa bội thu nghề biển. Mùa đông làng buồn, biển cũng buồn, chỉ có sóng xô ầm ầm, nhưng trong cái động lớn đó là một mùa cá vụ Nam chắc chắn lắm”.
Minh Phong