Trong khi Afghanistan đang lưỡng lự với việc phê chuẩn Hiệp định an ninh Mỹ-Afghanistan (BSA) thì xảy ra sự việc đau lòng. Liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan ngay vào ngày lễ Tạ ơn 28-11 đã oanh kích làm chết đứa bé 2 tuổi. Sự việc như giọt nước làm tràn ly khi quan hệ Mỹ-Afghanistan đang bị thử thách dữ dội. Tờ Washington Post của Mỹ dẫn lời Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai lên án quân đội Mỹ và liên minh về cái chết của đứa bé. Tướng thủy quân lục chiến Joseph F. Dunford, chỉ huy lực lượng Mỹ và liên quân tại Afghanistan đã gọi điện xin lỗi Tổng thống Karzai và ra thông báo nói rằng “vô cùng hối tiếc” về vụ việc.
Cái chết của đứa bé làm phức tạp thêm mối quan hệ hai bên. Sau sự việc này, Aimal Faizi, người phát ngôn của Tổng thống Karzai khẳng định rằng BSA chỉ được ký kết sau khi Mỹ và liên quân “kết thúc hoàn toàn tất cả các chiến dịch quân sự và các cuộc không kích vào các khu vực dân cư”. Ông thêm rằng: “Những lời xin lỗi không thể trả lại cuộc sống cho những nạn nhân xấu số”.
Mỹ trông đợi Afghanistan phê chuẩn BSA, dọn đường cho ít nhất 10.000 binh lính Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014. Thế nhưng, bất chấp sự thúc ép của Mỹ đòi Afghanistan ký BSA vào cuối năm 2013, Tổng thống Afghanistan, mặc dù đã hết quyền ra tranh cử, vẫn cho biết phải đợi qua bầu cử tổng thống vào năm 2014. Phía Mỹ thậm chí đã hăm dọa nếu Afghanistan ký kết BSA trễ, phía Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Ông Karzai từng công khai cho biết để ký BSA, ông muốn Mỹ đảm bảo rằng Mỹ không được can thiệp vào cuộc bầu cử ở Afghanistan năm 2014 và giúp khởi động các cuộc hòa đàm với Taliban. Trước đó, là điều kiện đòi Mỹ thả 17 tù nhân Afghanistan tại nhà tù Guantanamo, giờ đây lại thêm điều kiện không tấn công vào các khu vực dân cư. Xem ra, các điều kiện để ký BSA ngày càng nhiều.
Tướng Dunford dường như đã mất kiên nhẫn. Ông cảnh báo rằng nếu Tổng thống Karzai không ký BSA, điều đó có nghĩa là ông Karzai làm suy yếu nền kinh tế Afghanistan, giúp các nước láng giềng mạnh lên và cuối cùng làm sụp đổ lực lượng an ninh Afghanistan. Ông Dunford lấy ví dụ Iraq, nước cũng không ký kết BSA với Mỹ, khiến Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi nước này năm 2011. Kết quả là các vụ bạo động tại Iraq gia tăng mạnh trở lại từ năm 2011 tới nay. Vì vậy, tướng Dunford tin rằng ông Karzai cuối cùng cũng sẽ ký BSA. Hơn nữa, theo vị tướng này, nếu như Iraq có thể dựa vào nguồn dầu để nuôi sống lực lượng an ninh thì Afghanistan chỉ trông chờ vào khoản viện trợ do NATO cam kết hàng năm 3,6 tỷ USD giúp nước này duy trì 352.000 binh sĩ và cảnh sát. Thêm vào đó, các đại sứ từ những nước phương Tây trong cuộc họp gần đây với Chính phủ Afghanistan cho biết tiền tài trợ của họ sẽ không đến Afghanistan nếu không có BSA. Các đại sứ này khẳng định rằng Taliban với sự giúp đỡ từ Pakistan và Iran sẽ gây khó khăn trực tiếp lên chiến trường nếu không có BSA.
Thật trớ trêu khi Mỹ đổ binh lực và tài chính vào Afghanistan từ năm 2002 tới nay nhưng tình hình an ninh tại Aghanistan vẫn chưa như mong đợi. Lực lượng Taliban không những không bị tiêu diệt mà còn đang trở thành lực lượng được Chính phủ Afghanistan mời hòa đàm. Theo các chuyên gia, hiện tại, khi gần 100.000 quân đội Mỹ và liên quân còn hiện diện ở Afghanistan, Taliban vẫn lớn mạnh. Khi lực lượng này chỉ còn trên dưới 10.000 quân, an ninh Afghanistan sẽ ra sao?
THỤY VŨ