Đã khoảng 1 tuần kể từ khi những thông tin đầu tiên về việc doanh nghiệp xăng dầu đang bán lỗ khoảng 1.800 đồng/lít, đến nay, cách xử lý với mặt hàng này vẫn chủ yếu ở mặt kỹ thuật, ngắn hạn là trích quỹ, trong khi, phương án giá bán chưa được cơ quan quản lý chốt.
Theo cơ chế về điều hành xăng dầu là Nghị định 84 và các văn bản hướng dẫn, doanh nghiệp sẽ được chủ động điều chỉnh giá khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở biến động với mốc tính toán là trên dưới 7% và 12%. Và, sau nhiều lần tự quyết định, ngày 30-6-2012, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản cho phép doanh nghiệp xăng dầu được quyết định giá trong biên độ và tần suất điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định số 84, nhưng trước khi điều chỉnh giá phải báo cáo lên Liên bộ Tài chính - Công thương.
Tuy nhiên, trước những áp lực về kiềm chế lạm phát năm nay phải thấp hơn 6,81% của năm 2012, nguồn thu ngân sách gặp khó khăn do chính sách ưu đãi thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã 3 lần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá và tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá.
Lần gần đây nhất, ngày 8-2, Bộ Tài chính đã có công văn 2152 yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá xăng dầu và mức sử dụng quỹ bình ổn giá được nâng lên 1.000 đồng đối với 1 lít xăng, các mặt hàng khác được áp dụng mức sử dụng quỹ từ 400 đến 700 đồng/lít, kg. Với giá xăng, nếu trừ đi mức trích quỹ bình ổn 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp vẫn còn lỗ khoảng 800 đồng/lít.
Cái khó trong xử lý với mặt hàng xăng dầu thể hiện trên nhiều mặt, từ trích quỹ, thuế đến tăng giá. Với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), quỹ bình ổn ở một số doanh nghiệp đang ở trạng thái âm. Như vậy, rõ ràng, phương án sử dụng quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá được đánh giá là không khả thi trong thời điểm này.
Còn về thuế, hiện thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng là 12%, dầu ma dút và dầu hỏa là 10%, dầu diesel là 8% (trên thực tế, mức thuế tối đa với xăng và dầu hỏa phải là 20%, thuế nhập khẩu diesel ở mức 15%, thuế nhập khẩu ma dút ở mức 15%). Nếu tính giảm thuế hiện nay thì nguồn thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng khi mà năm nay, chính sách miễn, giảm thuế vẫn đang được áp dụng với doanh nghiệp nhưng số thu ngân sách theo yêu cầu của Quốc hội phải đạt 816.000 tỷ đồng, tăng 10% so với con số thực hiện năm 2012, trong khi tổng chi ngân sách là 978.000 tỷ đồng và mức bội chi là 162.000 tỷ đồng (tương đương 4,8% GDP).
Xét về tăng giá, theo tính toán của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam, nếu xăng dầu tăng giá ở mức 1.000 đồng/lít thì mức tác động lên CPI vòng 1 là khoảng 2% và mức tác động vòng 2 là 0,3%. Như vậy, mức tăng giá này sẽ gây bất lợi cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Theo công thức tính toán của Bộ Tài chính hiện nay, mỗi lít xăng đang có trên 6.000 tiền thuế, phí. Tuy nhiên, để hài hòa quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, theo các chuyên gia cần sử dụng hài hòa 3 công cụ gồm thuế, giá và quỹ bình ổn để cân bằng các mục tiêu về ngân sách, kiềm chế lạm phát. Rõ ràng đây là giải pháp tối ưu nhưng vấn đề là mức tính toán hợp lý, cụ thể ra sao lại cũng không hề dễ dàng khi mà những áp lực lớn nêu trên vẫn còn đó.
HÀ MY