Bàn cách bảo tồn di sản kiến trúc gỗ ở Huế

Bàn cách bảo tồn di sản kiến trúc gỗ ở Huế

(SGGP).- Ngày 25-10, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hiệp hội Kiến trúc sư và Kỹ sư toàn Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo tồn di sản kiến trúc gỗ châu Á nhìn từ trường hợp Việt Nam và Nhật Bản - Xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể cho khu di sản Huế”.

Tại hội thảo các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản kiến trúc gỗ của 2 nước Việt Nam và Nhật Bản. Qua đó, định hướng việc bảo tồn bền vững các công trình kiến trúc gỗ thuộc Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 trước tác động biến đổi khí hậu; những thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và việc xây dựng, cải tạo các công trình kiến trúc không theo quy hoạch chuẩn, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường...

Một góc di tích Phu Văn Lâu (Huế) bị sập vào tháng 5-2014.

Theo GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, trùng tu di tích phải là hoạt động bảo tồn, duy trì bất biến về cơ bản, giữ lại bất biến các yếu tố gốc. Không làm chúng mất đi độ tuổi, giữ lại được độ tin cậy về tính xác thực nên cần đảm bảo 3 yếu tố: Trùng tu được thực hiện bởi những chuyên gia và nghệ nhân về bảo tồn, am hiểu tường tận kiến trúc gỗ; Trùng tu phải được thực hiện bắt buộc theo bài bản và trình tự nhất định; Trùng tu phải tuân thủ những phương châm và quan điểm, đi ra từ bản chất và thực chất của hiện trạng di sản kiến trúc gỗ Việt Nam. Trong khi đó, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam nhìn nhận, Quần thể di tích cố đô Huế có hơn 500 công trình di tích, chủ yếu là kiến trúc gỗ thì thời gian cho một trùng tu khoảng 40 năm là vừa, chứ 20 năm trùng tu một lần như các nước trên thế giới thì Thừa Thiên - Huế không đủ nguồn lực làm điều đó.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục