Hãng Thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 2-12 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của nước này cho biết CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) đã thông báo với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, về đường bay của vệ tinh mà Bình Nhưỡng dự định phóng trong khoảng từ ngày 10 đến 22 tháng này.
Nhiều nước hối thúc hủy kế hoạch phóng tên lửa
Cùng ngày, hãng thông tấn Kyodo đưa tin sau khi Triều Tiên thông báo kế hoạch trên, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 2-12 đã quyết định hoãn các cuộc đàm phán giữa hai nước này dự kiến diễn ra vào ngày 5, 6-12 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto đã ra lệnh cho Lực lượng phòng vệ chuẩn bị sẵn sàng phá hủy tên lửa của Triều Tiên nếu cần thiết trong trường hợp Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng qua lãnh thổ. Trước đó, HĐBA LHQ cảnh báo Bình Nhưỡng rằng tiến hành thử tên lửa là “cực kỳ thiếu khôn ngoan”.
Từ Washington, Mỹ cũng hối thúc Triều Tiên hủy bỏ các kế hoạch phóng tên lửa, đồng thời cảnh báo động thái “mang tính khiêu khích cao” đó sẽ gây bất ổn cho khu vực. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington cũng đang “tham vấn chặt chẽ” với các đồng minh của mình về biện pháp ứng phó với kế hoạch phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Anh William Hague cũng kêu gọi Bình Nhưỡng hủy kế hoạch phóng tên lửa, cảnh báo rằng hành động này sẽ “phá hỏng triển vọng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.
Tác động chính trị
Tương tự như hồi tháng 4, trong khi Triều Tiên khẳng định nước này phóng vệ tinh, thì Mỹ và các đồng minh khẳng định vụ phóng lần này vẫn là vụ thử trá hình tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Nhật Bản còn tuyên bố sẽ phóng vệ tinh tình báo thứ tư sau khi dự đoán Triều Tiên có thể phóng tên lửa tầm xa trong hai tháng tới. Cơ quan nghiên cứu, phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản và Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi đã lên kế hoạch phóng vệ tinh rađa tình báo thứ tư bằng tên lửa đẩy H-2A vào ngày 27-1-2013. Nếu phóng thành công, Nhật Bản sẽ có hai vệ tinh loại này hoạt động và có khả năng chụp ảnh các vật thể có đường kính từ 1m trở lên vào ban đêm hoặc xuyên qua các đám mây.
Vụ phóng này được lên kế hoạch trùng với dịp kỷ niệm 1 năm ngày nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền sau khi cố lãnh đạo Kim Jong-il qua đời vào ngày 17-12 năm ngoái. Tuyên bố của KCNA cho biết vụ phóng tên lửa trong tháng này sẽ “hoàn toàn” tuân thủ các quy định của quốc tế về quản lý việc phóng vệ tinh. “Chúng tôi đã phác họa một đường bay an toàn để các mảnh vỡ của tên lửa có thể rơi xuống trong quá trình bay sẽ không ảnh hưởng đến các nước láng giềng”.
Kế hoạch vụ phóng vệ tinh lần này của CHDCND Triều Tiên diễn ra vào thời điểm chuyển giao quyền lực của 4 trong 6 nước tham gia cuộc đàm phán 6 bên đang bị trì hoãn. Nhật Bản sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 16-12 trong khi Hàn Quốc bắt đầu cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 19-12. Trung Quốc, nguồn viện trợ kinh tế chính của Bình Nhưỡng, cũng vừa hoàn thành cuộc chuyển giao các nhà lãnh đạo và Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị bắt đầu nhiệm kỳ 2 của mình tại Nhà Trắng.
Theo giới quan sát, tác động chính trị đặc biệt ảnh hưởng mạnh ở Hàn Quốc. Nếu vụ thử xảy ra đúng như kế hoạch có thể sẽ đẩy tâm lý cử tri Hàn Quốc hướng về nữ ứng viên tổng thống Park Geun-hye, con gái của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, người có khả năng cũng sẽ cứng rắn với Bình Nhưỡng nếu “tiếp tục khiêu khích quân sự” như cam kết khi tranh cử. Nhà phân tích Baek Seung-Joo của Viện Quốc phòng Hàn Quốc nói: “Mặc dù bà Park Geun-hye từng bày tỏ sẵn sàng xây dựng cầu nối với Bình Nhưỡng nhưng đảng Saenuri của bà được coi là hiếu chiến, cứng rắn hơn so với đảng Dân chủ thống nhất của đối thủ Moon Jae-In”.
Hạnh Chi (tổng hợp)