Bạn đọc góp ý với Báo Sài Gòn Giải Phóng

Hưởng ứng đợt vận động bạn đọc góp ý cho báo và nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Báo SGGP (5-5-1975 – 5-5-2010), nhiều bạn đọc đã gởi thư đến báo. Khen cũng như chê, các ý kiến đều thể hiện sự yêu mến, kỳ vọng của bạn đọc đối với tờ báo, mong muốn Báo SGGP ngày càng hay hơn, đẹp hơn. Báo SGGP chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp và xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc gần xa.

Hưởng ứng đợt vận động bạn đọc góp ý cho báo và nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Báo SGGP (5-5-1975 – 5-5-2010), nhiều bạn đọc đã gởi thư đến báo. Khen cũng như chê, các ý kiến đều thể hiện sự yêu mến, kỳ vọng của bạn đọc đối với tờ báo, mong muốn Báo SGGP ngày càng hay hơn, đẹp hơn. Báo SGGP chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp và xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc gần xa.

Báo không chỉ của cơ quan, công sở

Là một cộng tác viên (CTV) thường xuyên của Báo SGGP, tôi tạm rút ra một số điểm:

Thứ nhất, SGGP là tờ báo đăng tải nhiều ý kiến bạn đọc, thường dành đến nửa trang cho các mục “Bạn đọc viết”, “Ý kiến bạn đọc”, “Từ thư bạn đọc”… cùng một số mục khác như “Ý kiến”, “Sổ tay”, các diễn đàn… Điều đó cho thấy tính “diễn đàn của nhân dân” được thể hiện khá rõ trên SGGP. Ngoài ra, các trang mục khác đều có dùng bài của CTV, nếu chất lượng đảm bảo.

Thứ hai, quan hệ giữa Ban biên tập và CTV khá tốt. Với một số bài theo chủ đề đặc biệt, Ban biên tập (thông qua biên tập viên phụ trách) thường có trao đổi với tác giả. Bài gởi qua email, tác giả thường nhận được hồi âm. Dịp cuối năm, những CTV thường xuyên được tặng lịch và báo xuân.

Để sự cộng tác của CTV đạt chất lượng tốt hơn, Ban biên tập cần tăng cường trao đổi với CTV, có thể định kỳ họp mặt (theo từng mảng: chính trị, văn hóa - xã hội…) để giới thiệu yêu cầu của tờ báo đồng thời định hướng CTV viết có trọng tâm hơn. Với những tác phẩm đạt chất lượng cao, đề nghị mạnh dạn chấm nhuận bút “thưởng” cũng như gửi tham gia một số giải báo chí, thay vì chỉ ưu tiên cho phóng viên.

Là CTV đồng thời cũng là bạn đọc, tôi mong Báo SGGP không ngừng bám sát hơi thở của cuộc sống. SGGP phải là tờ báo của mọi gia đình, mọi người chứ không phải chỉ của các cơ quan, công sở. Tờ báo phải tăng cường nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc để “viết cái người đọc cần” chứ không phải “viết gì thì người ta đọc nấy”. Cần đặt bài các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà lãnh đạo - quản lý trên các lĩnh vực nhiều hơn để có phân tích, đánh giá sâu, đúng bản chất của vấn đề. Về hình thức, yêu cầu “đứng đắn”, “chính thống” của một tờ báo Đảng được đặt lên hàng đầu nhưng có lúc cũng cần “mềm hóa”, “dịu hóa” để thu hút người đọc hơn.

TRÚC GIANG (quận 3 TPHCM)

Cần thêm bài viết mang tính dự báo

Tôi thường đọc báo Đảng SGGP, thấy báo đổi mới nhiều, có nhiều tin, bài chất lượng cao, nhiều thông tin hay, độc đáo, có tính phát hiện, tính chiến đấu khá hấp dẫn bạn đọc. Tôi đọc nhiều mục, đặc biệt là mục Hộp thư Văn học Nghệ thuật.

Là một nhà giáo, có lần một học sinh lớp 12 hỏi tôi, ở nước ta có bao nhiêu người được công nhận danh nhân văn hóa thế giới? Ngay ngày hôm sau, tôi sưu tầm được tại trang 3, Báo SGGP số 10016 (chủ nhật 15-5-2005 – 8 tháng 4 Ất Dậu) mục Hộp thư Văn học Nghệ thuật. Và tư liệu này đã làm cho cả lớp học tin tưởng và tự hào về ba nhà văn hóa của Việt Nam ta.

Báo SGGP với tôi là một kho tư liệu, một nguồn kiến thức quý báu. Trong dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, 120 năm ngày sinh Bác Hồ vĩ đại, báo có nhiều bài hay về chiến dịch Hồ Chí Minh, về Bác Hồ kính yêu, về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thời gian tới, tôi mong báo có thêm nhiều chuyên mục, nhiều tác phẩm báo chí hay hơn nữa, nhất là các phóng sự điều tra, các thông tin thời sự, các bài mang tính dự báo… Mong báo tiếp tục đăng tải ý kiến bạn đọc nhiều hơn nữa, cả ý kiến góp ý, xây dựng báo để tờ báo ngày càng phát triển.

Xin chúc Báo SGGP ngày càng đúng, hay, đẹp, hấp dẫn hơn.

NGUYỄN CẢNH (Hà Nội)

Là điểm tựa của doanh nhân

Là độc giả thường xuyên của Báo SGGP trong hơn 30 năm qua, tôi tìm được ở những trang báo những thông tin kịp thời về chính sách, quan điểm, định hướng của Đảng bộ, chính quyền TPHCM về phát triển kinh tế-xã hội. Từ những thông tin này, doanh nghiệp chúng tôi đã tìm cho mình hướng đi, hoạch định chiến lược phát triển cho phù hợp với sự chuyển mình đi lên của TP và đất nước.

Điều tôi tâm đắc nhất là ở bất kỳ thời điểm nào, Báo SGGP luôn là “cánh chim báo bão” cho những vấn đề lớn của đất nước, đồng hành với người dân, doanh nhân. Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, khi đất nước chuyển mình bước vào thời mở cửa, Báo SGGP đã mở diễn đàn, phản ánh kịp thời những mô hình, nhân tố mới trong kinh doanh sản xuất - dám nghĩ dám làm - vượt rào vươn lên, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, làm giàu cho TP. Đó chính là những phát súng hiệu đầu tiên, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước.

Đối với những doanh nhân như chúng tôi, những tín hiệu đổi mới này giống như tiếng kèn xung trận, thúc giục mọi tầng lớp nhân dân cùng vươn lên, phát huy nội lực để làm giàu, tạo cơ hội cho doanh nhân phát triển như hôm nay.

Mặc dù Báo SGGP không phải là tờ báo chuyên về kinh tế nhưng từ những thông tin định hướng, thiết thực cho bạn đọc, tờ báo luôn trở thành điểm tựa của giới doanh nhân TP.

Nguyễn Viết Tạo
(Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần NVT - 217 Nơ Trang Long quận Bình Thạnh)

Tờ báo của nhiều gia đình

Nhìn lại chặng đường dài mà Báo SGGP đã đi qua, tôi thấy tờ báo luôn tìm cách cải tiến. Từ nội dung, hình thức trình bày đến cách bố trí tin, bài đều có nhiều thay đổi đáng kể, ngày càng kết hợp hài hòa hơn giữa chính trị và dân sinh. So với 20-30 năm trước, đối tượng độc giả của Báo SGGP ngày càng mở rộng hơn.

Mặc dù tờ báo vẫn thiên về các đề tài chính trị, văn phong thể hiện hơi cứng nhưng gần đây vẫn có những bài viết gần gũi với lứa tuổi của giới trẻ như “Vay tiêu dùng tại ngân hàng: Xu hướng mới của giới trẻ”, “Giật mình thời trang teen kinh dị”, “Sân chơi hip-hop của giới trẻ: Bao giờ?”, “Hội chứng laptop trong giới trẻ”… Tờ báo đã phản ánh rất kịp thời một số trào lưu đang phổ biến và thịnh hành trong giới trẻ, cũng như những vấn đề mà một bộ phận người trẻ đang quan tâm.

Riêng tôi lại thích các bài viết trên trang Kinh tế - Đô thị, đặc biệt một số bài bình luận và phê bình trên trang Thể thao… Còn vợ và con gái thì “chấm” các bài viết trên trang Văn hóa-Nghệ thuật. Điều đó cho thấy, tờ báo không chỉ là “tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền thành phố” mà còn là của “mọi tầng lớp nhân dân”.

Tôi chúc Báo SGGP luôn giữ vững sự tin yêu của độc giả, ngày càng gần gũi hơn với mọi tầng lớp nhân dân TP, trở thành tờ báo không thể thiếu được trong nhiều gia đình. 

Nguyễn Văn Thanh
(67/236H Bùi Đình Túy P12 Q.Bình Thạnh)

Tin cùng chuyên mục