Băn khoăn nhiều hơn phấn khởi

Mãi đến nửa đầu tháng 10 xuất khẩu cá tra mới có dấu hiệu phục hồi, với mức tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng mạnh ở hầu hết các thị trường chính so với 9 tháng trước đó của năm 2012 khi giá trị xuất khẩu cá tra giảm 1,8% so cùng kỳ năm trước; đạt 1,29 tỷ USD.

Mãi đến nửa đầu tháng 10 xuất khẩu cá tra mới có dấu hiệu phục hồi, với mức tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng mạnh ở hầu hết các thị trường chính so với 9 tháng trước đó của năm 2012 khi giá trị xuất khẩu cá tra giảm 1,8% so cùng kỳ năm trước; đạt 1,29 tỷ USD.

Giá cá tra nguyên liệu quý 3 dao động quanh mức 22.000 - 24.500 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg so với quý 2, xấp xỉ với mức cùng kỳ năm 2011.

Do chi phí tăng cao nên người nuôi vẫn lỗ, nhưng theo nhận định của Vasep, ít ra, đây cũng là dấu hiệu tích cực, giải tỏa phần nào tâm lý và là động lực nhằm duy trì người nuôi cá sau thời gian dài ở mức quá thấp. Tuy nhiên, vốn vẫn là vấn đề tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp nên nhu cầu thu mua cá tra cũng chỉ ở mức vừa đủ cho chế biến xuất khẩu. Vì vậy, giá cá tra khó có thể vượt mức 25.000 đồng/kg từ nay đến cuối năm.

Mức tăng trưởng vừa qua cùng với nhu cầu tăng vào cuối năm ở các thị trường truyền thống như Mỹ, EU… cho dù có thể không tăng nhiều do khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng dự báo về khả năng tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm cá tra 3 tháng cuối năm 2012 là có cơ sở. Tuy vậy, việc tăng trưởng đó không phải là dấu hiệu đáng mừng cho ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Lãnh đạo Vasep cho rằng, đã có dấu hiệu cho thấy, do khả năng tài chính có hạn, một số doanh nghiệp đã phải chấp nhận bán tháo sản phẩm với giá bán thấp hơn để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng, trong đó không loại trừ có cả sản phẩm kém chất lượng.

Như vậy, cho dù doanh số có tăng trong 6 tháng cuối năm, khi giá trị xuất khẩu quý 3 tăng 2,4% so với quý 2, đạt hơn 438 triệu USD, nhưng nếu so sánh với cùng kỳ năm 2011 lại giảm trên 10%, nên mục tiêu xuất khẩu trên 1,8 tỷ USD sản phẩm cá tra năm nay không thể dễ dàng đạt được nếu không có sự cố gắng vượt bậc toàn ngành. Không loại trừ khả năng doanh số bán tăng nhưng cả doanh nghiệp và người nuôi đều bị lỗ.

Và nếu tình trạng “chạy đuổi” của cả người nuôi và doanh nghiệp vẫn tiếp tục trong bối cảnh giá thành sản xuất tăng quá nhanh (khoảng 40%), với nguồn vốn hạn hẹp như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không hay, nếu không nói là sẽ khó khăn hơn cho ngành này vào năm tới. Bởi chất lượng sản phẩm thấp không chỉ làm mất đi thiện cảm người tiêu dùng mà còn làm sụt giảm uy tín cả ngành trong suy nghĩ của nhà nhập khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm cho năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bị cạnh tranh khốc liệt cho dù đến nay sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn chiếm trên 90% thị trường thế giới.

Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Vasep cho rằng, nếu cơ quan nhà nước không có động thái ngăn chặn bằng cách sớm đưa ra điều kiện xuất khẩu cá tra, thì trong tương lai gần ngành cá tra sẽ bị suy thoái trở lại do tệ nạn bán tháo này với sản phẩm chất lượng kém.

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục