Những ngày gần đây giá lúa hàng hóa tăng lên từ 5.700 – 6.100 đồng/kg (tùy loại), trong khi đó Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cam kết mua lúa theo giá thị trường nhưng không để sụt dưới mức giá sàn 5.000 đồng/kg nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân. Nói là vậy, nhưng thực tế nhiều nơi ở ĐBSCL người dân vẫn bán lúa giá thấp.
Mất mùa, mất giá
Lúa chỉ bán được 4.500 - 4.700 đồng/kg dưới mức giá sàn, đó là thực tế đang diễn ra ở huyện Long Phú (Sóc Trăng). Theo Phòng NN-PTNT huyện Long Phú, đầu tháng 4-2010, hơn 14.000 ha lúa trong huyện bước vào thu hoạch rộ nhưng bà con không mấy vui vì lúa bị mất mùa và giá bán thấp.
Đứng bên đám ruộng khô quéo, anh Diệp Quốc Nam, ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, thở dài: “Lúa đang trổ bông thì nước mặn ập đến làm cháy lá, thối rễ, lép hạt, lừng phèn… hư hết. Mặc dù cố cứu lúa bằng nhiều cách nhưng chẳng được gì. 10 công lúa chỉ thu được 120 giạ, chưa bằng 3 công so vụ trước”. Còn lúa đem về như anh Nam đã mừng, chứ như trường hợp ông Hai Quân (ấp Nước Mặn 1) sạ 8 công bị nước mặn “tiêu diệt gọn” chẳng thu được hột nào, lỗ trắng 15 triệu đồng.
Đi sâu vào cánh đồng xã Long Phú giữa nắng trưa như lửa, thế nhưng vợ chồng anh Cao Văn Hùng dẫn theo đứa con nhỏ đang kiên nhẫn “mót” từng bông lúa còn sót lại. Chị Thạch Thị Bảy (vợ anh) buồn rầu: “Tụi em nghèo phải đi làm mướn kiếm tiền mua lúa giống, vật tư… dồn hết vào 3 công ruộng. Vậy mà nước mặn về quá nhanh, trở tay không kịp khiến lúa hư hoàn toàn”.
Ngoài Long Phú thì xã Tân Hưng, Long Đức, thị trấn Long Phú… rất nhiều hộ cũng trắng tay vì bị nước mặn tấn công. Toàn huyện có 56 ha lúa bị thiệt hại, hiện 310 ha khác đang trổ bông nhưng khả năng mất mùa rất lớn vì bị mặn bao vây.
Mất mùa, dân Long Phú còn bị mất giá. Ông Võ Quốc Hùng, ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, tâm sự: “Nghe hổm rày giá lúa miệt An Giang, Đồng Tháp tăng lên 5.700 - 6.100 đồng/kg. Tuy nhiên, dân xứ này chưa bao giờ bán được giá cao như vậy”.
Theo ông Hùng, lúa đẹp hiện giờ (không bị nhiễm mặn) bán có 4.700 đồng/kg. Tuy nhiên, người dân phải chịu tiền vận chuyển từ ruộng ra đến quốc lộ Nam Sông Hậu mất 6.000 đồng/bao, tính ra chỉ còn khoảng 4.500 - 4.600 đồng/kg. Riêng lúa bị mặn làm lép hạt, thương lái mua không quá 3.000 - 3.500 đồng/kg.
Giá thấp do đâu?
* Theo Viện Lúa ĐBSCL, đến nay các nhà khoa học đã nghiên cứu được nhiều giống lúa có khả năng kháng mặn như OM 6976, OM 6677, OM 5464, OM 5629, OM 5166, OM 3995, OM 5954…, hiện đang được khảo nghiệm tại các tỉnh ven biển ĐBSCL. Trong đó, có giống cho năng suất cao từ 5 - 7 tấn/ha, chất lượng gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Dù vậy, để nông dân khá lên từ cây lúa thì chính quyền địa phương và ngành chức năng cần nhanh chóng phát triển hệ thống kinh doanh lúa gạo. Cắt bớt các khâu trung gian, giúp bà con bán lúa trực tiếp với thương lái hoặc doanh nghiệp với giá cao. Điều này ở Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang… làm rất tốt. |
Ông Lâm Văn Vũ, Phó phòng NN-PTNT huyện Long Phú, cho biết dân xứ này sống nhờ cây lúa, mọi chuyện từ ăn uống, mua sắm, con cái học hành, trị bệnh… đều trông vào lúa. Nếu so với vùng Đồng Tháp Mười hay tứ giác Long Xuyên thì canh tác lúa ở đây gặp nhiều rủi ro. Đã vậy, tới vụ thu hoạch bà con tiếp tục chịu thiệt thòi vì giá bán luôn thấp.
Nguyên nhân khiến giá lúa ở Long Phú thấp là do hệ thống xay xát lúa gạo kém phát triển, thương lái ở địa phương rất ít, chủ yếu trông vào hàng xáo từ Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long… mang ghe xuống mua.
Một bất lợi khác là đường giao thông nông thôn quá nhỏ, xe tải không đi được; trong khi đường thủy thì kênh mương vừa cạn vừa hẹp, cộng với hàng loạt cống ngăn mặn đóng kín vào mùa khô nên ghe lúa không cách nào vào ruộng. Với những bất cập trên khiến giá lúa ở Long Phú bao giờ cũng thấp từ 500 - 1.000 đồng/kg so những vùng khác.
Không chỉ Long Phú mà ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và một số nơi ở Trà Vinh, Bạc Liêu… nhiều hộ bán lúa dưới mức giá sàn. Nông dân Huỳnh Văn Chứ, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách cho biết, do điều kiện vận chuyển xa và thiếu hàng xáo nên phải chờ thương lái từ vùng trên xuống mua. Giá lúa dài chỉ 4.700 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với ở Đồng Tháp, An Giang. Ai cũng bức xúc việc này nhưng không bán chẳng được bởi nhà nào cũng cần tiền.
Anh Tống Văn Liệt, thương lái xã Tân Thành (Lai Vung, Đồng Tháp), cho rằng: “Nói ép giá nông dân là hơi oan cho thương lái. Cụ thể giá lúa thấp là do việc đi lại ở Long Phú, Kế Sách… không thuận lợi, làm cho một chuyến đi mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí cao hơn các nơi khác. Đặc biệt, 100% ghe khi xuống Sóc Trăng mua lúa lúc quay về đều “giao thông phạt”. Chính điều này buộc lòng thương lái phải đè giá lúa xuống, nếu không chẳng có lời”.
Những bất cập trên, ngành nông nghiệp huyện Long Phú hiểu rõ nhưng đến nay đành bó tay và thiệt thòi rơi vào nông dân trồng lúa. Ngay cả khi chủ trương mua lúa tạm trữ mà VFA đang triển khai ở ĐBSCL, tại Long Phú cũng không thấy doanh nghiệp nào tới mua.
Tháo gỡ việc này, theo ông Lâm Văn Vũ cần sự phối hợp giữa các ngành liên quan. Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo giống lúa chịu mặn cho dân sản xuất; ngành giao thông cần phát triển kênh mương, đường sá thông thoáng; chính quyền địa phương và ngành công thương quan tâm đến hệ thống xay xát, phát triển thương lái… phải làm đồng bộ thì việc tiêu thụ lúa mới mong dễ dàng hơn.
Huỳnh Phước Lợi