Bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là sự kết tinh những đặc thù riêng có của dân tộc ấy qua hàng ngàn năm lao động, sáng tạo, là những tinh hoa trí tuệ của dân tộc được truyền giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam biết bao lần chịu sự thử thách mang tính tồn vong: Một ngàn năm Bắc thuộc và hàng trăm cuộc xâm chiếm quy mô lớn nhỏ từ phương Bắc suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam hòng xóa sổ dân tộc ta; rồi hơn tám mươi năm đất nước ta trở thành nô lệ của thực dân Pháp và hai mươi năm ròng rã chống đế quốc Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn, giang sơn thu về một mối - cứ mỗi lần kẻ thù xâm lược dìm dân tộc ta xuống bùn đen thì chúng ta lại “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Không phải ngẫu nhiên những năm 60 của thế kỷ trước, khi mà đế quốc Mỹ cùng với việc đổ quân ào ạt vào miền Nam đã áp đặt thứ văn hóa nô dịch nhằm tha hóa nhân cách, đè bẹp ý chí quật cường của nhân dân ta thì Phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc tại đô thị Sài Gòn đã giương cao khẩu hiệu “Văn hóa còn, dân tộc còn. Văn hóa mất, dân tộc mất”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói với McNamara (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) trong một lần nói chuyện rằng “Mỹ thua là do không hiểu được Việt Nam, không hiểu gì về văn hóa người Việt”.
Có thể nói, dân tộc ta qua mấy ngàn năm lịch sử chính là cuộc trường chinh vĩ đại, nhọc nhằn, gian khổ nhưng rất đỗi vinh quang và đầy tự hào của bản sắc văn hóa dân tộc. Sự kết tụ điển hình và sáng chói nhất của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - xã hội, nhất là sự gắn kết của ý thức trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, với nhân dân. Bản sắc ấy còn là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý, là lao động cần cù, sáng tạo, là uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây…
Ngày nay, đất nước ta đang từng bước ổn định và phát triển trong kỷ nguyên hòa bình, phát triển, TPHCM - TP cùng cả nước, vì cả nước, tiếp tục tiên phong trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Truyền thống yêu nước, cách mạng, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân TP tiếp tục được bồi đắp, phát huy; đồng thời, lòng nhân ái, tình yêu thương đồng bào, đồng chí được vun bồi mạnh mẽ, bền bỉ và tiếp tục phát triển. Nghĩa tình là một đặc trưng văn hóa rõ nét đã trở thành một trong những động lực rất quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc, nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách con người ngày càng lành mạnh, tiến bộ. Là một trung tâm lớn về văn hóa, nơi vừa hội tụ, vừa lan tỏa, là đầu mối giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa nên văn hóa, nghệ thuật TP có nhiều cơ hội để phát triển; chủ trương xã hội hóa văn hóa được đẩy mạnh cùng với chính sách mở cửa hội nhập đã góp phần phát huy nguồn lực xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó việc giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa đã giúp nhân dân tiếp cận thường xuyên với tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời làm tốt nhiệm vụ quảng bá, tuyên truyền giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và áp lực toàn cầu hóa đặt ra những thách thức mới đầy nóng bỏng, quyết liệt trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Văn hóa ngoại lai và sản phẩm phi văn hóa, độc hại xâm nhập với cường độ “chóng mặt” thông qua các con đường như phim ảnh, âm nhạc, xuất bản phẩm, báo chí, truyền thông và nhất là trên Internet đang gióng lên hồi chuông báo động; xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tuyên truyền, kích động bạo lực, hành vi tội ác, đồi trụy, phá hoại thuần phong mỹ tục, cổ súy lối sống thấp kém, rẻ tiền… ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa xã hội; lối sống thực dụng, văn hóa ngoại lai thâm nhập làm nhạt phai các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, làm xói mòn dần các giá trị đạo đức tốt đẹp trong một bộ phận tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Những tiêu cực phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường đang tạo ra những mâu thuẫn về giá trị giữa tính thị trường và tính nhân văn của sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Tình trạng thương mại hóa của nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ bất chấp tác hại gây ra cho xã hội đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Với vai trò văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng lưu ý chúng ta rằng “văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” và đó cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đối với văn hóa, nghệ thuật. Thực tế những năm qua, lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của TP và đất nước “đang đứng trước những cơ hội và nhiều thách thức mới, trong đó có cuộc đấu tranh quyết liệt về tư tưởng, văn hóa. Đó là cuộc đấu tranh giữa chân, thiện, mỹ với cái giả dối, cái ác, cái xấu xa; giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đề ra mục tiêu chung: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đồng thời đề ra nhiệm vụ: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc”.
THÂN THỊ THƯ
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM
Giữ gìn bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa, nghệ thuật: Giải pháp chung và riêng
Như tin đã đưa, ngày 17-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT TPHCM đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa, nghệ thuật TPHCM quá trình hội nhập quốc tế hiện nay”.
Trong nhóm giải pháp chung, nhà lý luận phê bình văn học Lê Quang Trang nêu một đề nghị chung đối với những người sáng tác về yếu tố để khẳng định phẩm chất dân tộc trong văn hóa, nghệ thuật là “phải gắn bó và phản ánh đời sống của dân tộc trong những thời đoạn tiêu biểu nhất. Trong quá khứ cũng như trong hiện đại… hãy thực sự là ta và khi ta đi đến tận cùng của dân tộc cũng chính là ta gặp gỡ nhân loại. Khi ấy, tác phẩm đặc sắc của anh, của dân tộc anh, chính là giá trị đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại”.
Đồng chí Lê Tú Cẩm đặt vấn đề với các cơ quan hữu quan là cần xây dựng “những giá trị chuẩn mực cho từng loại hình nhằm định hướng cho sự biến đổi giá trị trong xu thế toàn cầu hóa, vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Cần có những tiêu chí cụ thể để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong từng loại hình nghệ thuật”.
Liên quan đến thể chế và chính sách nói chung, Tiến sĩ Hồ Bá Thâm nêu nhiều giải pháp về khuyến khích động lực sáng tạo, về môi trường sáng tạo, về khuyến khích tài năng… và đồng chí Phạm Phương Thảo đề xuất với riêng TPHCM: “Cùng với việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng thành chính sách cụ thể ở phạm vi cả nước, TP cần có đề án riêng, đề cập đúng mức những vấn đề cần giải quyết. Trong đó có xem xét nâng tỷ lệ đầu tư cho văn hóa, văn học, nghệ thuật một cách tương xứng, có trọng tâm, trọng điểm; quan tâm đúng mức việc quy hoạch, sắp xếp và đầu tư mới những công trình văn hóa, thiết chế văn hóa như nhà hát, rạp chiếu phim, thư viện, nhà văn hóa ở cơ sở… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân; có kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường văn hóa, giao lưu văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới mà TPHCM là nơi có thế mạnh”.
Để phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu mới trong quá trình hội nhập, có một điều thú vị là có 3 tham luận (đồng chí Phạm Phương Thảo; nhà lý luận phê bình văn học Dương Trọng Dật; PGS-TS Trần Luân Kim) đều đề nghị TP nên thành lập Quỹ Đầu tư cho sáng tác hoặc gọi là Quỹ Hỗ trợ phát triển văn học, nghệ thuật. Có tham luận còn nêu rõ cách thức tổ chức và tỷ lệ nguồn vốn cho hoạt động của quỹ này.
Giải pháp riêng là những giải pháp, đề xuất, kiến nghị đối với từng lĩnh vực hoạt động, từng loại hình nghệ thuật hoặc từng vấn đề cụ thể. Các đề xuất trong nội dung giải pháp riêng này vô cùng phong phú (những tác giả đề xuất nhiều giải pháp là PGS-TS Trần Luân Kim với 12 vấn đề; NSƯT Trần Minh Ngọc với 8 nhóm vấn đề; GS-TS Huỳnh Như Phương 7 nhóm vấn đề). Nội dung đề xuất các giải pháp liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn nghệ, từ văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, múa, hoạt động giáo dục, đào tạo, hoạt động lý luận phê bình đến bảo tàng, thiết kế mỹ thuật, các game show truyền hình thực tế, chất lượng đội ngũ “người của công chúng”…