Hẻm phố Sài Gòn

Bản sắc & hạn chế

Bản sắc & hạn chế

Nếu xem mô hình đô thị Sài Gòn là một chiếc lá cây thì phần gân lá chằng chịt của nó biểu thị cho mạng lưới hẻm phố. Mạng lưới này đan xen, len lỏi tới mọi ngóc ngách của thành phố. Theo thời gian, hẻm phố là nơi tích lũy, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng, kinh tế và xã hội đặc trưng của mỗi cộng đồng.

  • Đặc điểm
Bản sắc & hạn chế ảnh 1

Một hình ảnh quen thuộc của hẻm phố Sài Gòn hôm nay. Ảnh: L.T.D.

Đặc điểm đầu tiên của hẻm phố là sự đan xen giữa không gian ở, sinh hoạt và làm việc: ranh giới không gian giữa chúng hoàn toàn không rõ nét. Sự đan xen này tạo nên nét đặc trưng văn hóa cho mỗi con hẻm nhưng cũng là một cản trở khi cần phát triển, nâng cao chất lượng ở.

Ta nhận thấy, điều quyết định “không khí” sinh hoạt của mỗi hẻm phố là cơ cấu lao động của dân cư. Những hẻm có cư dân đa phần là viên chức nhà nước thì tương đối yên tĩnh, hoạt động buôn bán ở đây chủ yếu là hàng bán rong hoặc dịch vụ nhỏ. Không khí chuyển sang náo nhiệt hơn trong những hẻm lao động nghèo.

Ở đây, thu nhập chính của người dân là từ buôn bán nhỏ, lẻ hoặc sản xuất tiểu thủ công nghiệp, người ta làm việc, sản xuất ngay tại nơi ở. Những khu này phảng phất hình ảnh phường thợ thủ công xưa với những đặc trưng văn hóa, tôn giáo riêng biệt. Điều đặc sắc chính là những hoạt động buôn bán nhỏ đã tạo nên sức sống và nét đặc trưng của mỗi hẻm phố.

Một đặc trưng khác của hẻm phố Sài Gòn là phần lớn hình thành tự phát, thiếu quy hoạch, hạ tầng không đồng bộ, rất ít cây xanh và không gian chung. Kiến trúc mặt tiền lộn xộn, thể hiện “cái tôi” của từng căn hộ mà chưa đưa ra được tiếng nói chung. Cư dân gắn bó với hẻm phố không chỉ ở cái tên mà với các quán hủ tiếu, tiệm cà phê, tiếng rao hàng; với từ mỗi gốc cây, mảng tường cũ đến những mùi vị đặc trưng v.v. Những cư dân ở đây có mối quan hệ hàng xóm láng giềng, quan hệ giữa người với người (đôi khi là sự hiếu kỳ) chặt chẽ, hữu cơ.

Tuy nhiên, cần thấy rằng, không gian kiến trúc và văn hóa của hẻm phố không phù hợp với cuộc sống đô thị hiện đại. Chính sự mập mờ, chật chội và thiếu riêng tư của hẻm phố khiến rất dễ xảy ra những xung đột, va chạm. Những chuyện riêng của mỗi gia đình mau chóng bị hẻm phố phát tán: hẻm phố không bảo vệ được tự do riêng tư trong không gian ở. Đây là vấn đề quan trọng phải giải quyết nếu muốn duy trì và nâng cao chất lượng ở của không gian hẻm phố.

  • Hệ quả

Là đô thị có trên 300 tuổi, Sài Gòn từng trải qua nhiều biến động lịch sử, lẽ đương nhiên bên trong thành phố sẽ có sự đan xen giữa cái cũ và cái mới mà khó có bàn tay nào tách chúng ra một cách rõ ràng. Nhu cầu mua chung cư cao cấp tăng nhanh chính là bước đầu cuộc phân hóa trong không gian ở của thành phố. Bên cạnh một Sài Gòn phồn hoa lâu đời còn có một Sài Gòn khác - thành phố trẻ của người nhập cư. Điều thú vị là chính văn hóa của người nhập cư lại ảnh hưởng mạnh và biến đổi nếp sống người Sài Gòn.

Người nhập cư đến Sài Gòn từ mọi nơi trên đất nước, lao động đóng góp gần như trong tất cả các lĩnh vực của thành phố. Tuy nhiên, một lượng lớn lao động nhập cư đang sống trong những khu hẻm chật hẹp tự phát ven các khu công nghiệp, đây chính là môi trường nảy sinh bất công và tệ nạn xã hội. Cư dân ở đây là những thanh niên sớm bị tách khỏi gia đình, chưa chín chắn về nếp sống, về quan hệ xã hội và ý thức công dân. Muốn nâng cao chất lượng ở của hẻm phố, không thể bỏ qua những đối tượng nghèo này.

  • Đề xuất

Theo những phân tích đã nêu trên, ta thấy chỉ có thể giữ gìn được không gian hẻm phố khi bảo vệ được không gian văn hóa của hẻm phố, nâng cấp điều kiện sinh hoạt và giữ được không gian lao động truyền thống của hẻm phố. Để giải quyết, thông thường có hai biện pháp: hạn chế xây dựng tự phát, đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt cho không gian hẻm phố. Hai biện pháp này phải được tiến hành song song.

Hạn chế xây dựng tự phát để đảm bảo chất lượng môi trường ở không bị sụt giảm, có thể kể ra các biện pháp gồm: hạn chế phát triển tầng cao, hạn chế cơi nới, hạn chế xây thêm phòng vệ sinh trong nhà v.v. Đó là cách gián tiếp buộc các hộ phải giãn dân ra các khu ngoại ô và chung cư cao tầng. Biện pháp này nếu thực hiện không nghiêm túc sẽ là nguồn gốc phát sinh tham nhũng, tệ nạn.

Biện pháp thứ hai là nâng cao chất lượng sinh hoạt, tức duy trì và xây dựng không gian văn hóa hẻm phố văn minh, có tính truyền thống, có sức hấp dẫn. Biện pháp này phải tiến hành đồng thời với việc xây dựng được không gian sản xuất lao động và duy trì hoạt động sản xuất tiểu thủ công, dịch vụ nhỏ. Một vấn đề quan trọng không kém là xây dựng các tổ chức tự quản tại phường, xã địa phương và các hội thợ, phường thợ thủ công, dịch vụ nhỏ. Các tổ chức này sẽ góp phần hữu hiệu trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị vật chất và tinh thần của hẻm phố.

Sài Gòn những năm 1990 bùng nổ cơn sốt xây dựng nhà phố. Phải đến năm 2000, các căn hộ chung cư mới dần lên ngôi. Và sau 10 năm nữa, khi những ngôi nhà xây trong hẻm phố của 10 năm trước đã trở nên rệu rã, xuống cấp và lạc hậu, áp lực dân số lên đô thị ngày càng tăng, cư dân ở đó sẽ chọn loại hình ở nào? Chắc chắn rằng khi ấy, nhu cầu ở sẽ đa dạng, phức tạp và đòi hỏi cao hơn rất nhiều.

Hoặc kiến trúc hẻm phố phải biến đổi cho phù hợp, hoặc chúng sẽ tự biến dạng, trở nên bất tiện và cản trở sự phát triển môi trường ở đô thị. Vậy xin hãy có những nỗ lực cần thiết để chúng ta có quyền mơ ước hẻm phố Sài Gòn có nét đặc thù riêng, là nơi ở thân thiết của cư dân, hấp dẫn với du khách và sẽ mãi đi vào những bài hát, vần thơ của người thành phố.

ThS.KTS. LÝ THẾ DÂN

Tin cùng chuyên mục