Bản sắc nông sản Việt

Một doanh nhân Việt khi khảo sát thị trường nước ngoài đã khám phá điều lý thú: sản phẩm kẹo dừa được gói bằng tay, có bọc lớp bánh tráng sản xuất tại Việt Nam (tỉnh Bến Tre), lại được người tiêu dùng nước sở tại chọn mua nhiều hơn loại kẹo dừa được đóng gói tự động, dù cũng được sản xuất tại Việt Nam và do một chủ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

Người tiêu dùng vẫn thích ăn loại bánh đậu xanh được làm bằng tay thay vì được dập khuôn bằng máy móc… Điều khác nhau ở đây, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit chính là bản sắc Việt nằm trong từng sản phẩm đó. Giờ đây, người tiêu dùng các nước sẵn sàng bỏ ra số tiền nhiều hơn để mua sản phẩm mang bản sắc riêng mà những sản phẩm cùng loại không có.

Hiện nay chưa nhiều người nhận ra điều đó, nhưng đây lại là câu chuyện sẽ còn có tác dụng lâu dài khi sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản ngày càng hội nhập sâu vào thị trường thế giới, nếu Việt Nam trở thành thành viên TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) sẽ càng thấy rõ hơn điều này. Trong đó, mỗi nước thành viên sẽ phải thành lập tòa án về thương hiệu, để giải quyết những tranh chấp liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ mà những sáng tạo, sáng chế đã được đăng ký là bằng chứng để đối chất khi xảy ra kiện tụng, tranh chấp. Những đặc sản của nông sản Việt như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, các loại cây thuốc Nam… đều phải được nhanh chóng đăng ký, với việc mô tả chi tiết cụ thể, rõ ràng sẽ là “vũ khí” rất cần thiết có lúc sẽ phải dùng đến. Những người trong nghề nhận thấy, việc doanh nhân Trung Quốc đăng ký thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột - một bản sắc nông sản Việt tại Trung Quốc mà tỉnh Đắk Lắk đang tìm cách chứng minh để lấy lại là cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm mới hy vọng có kết quả. Nhưng với thương hiệu và chuỗi hệ thống cà phê cứt chồn, một loại sáng tạo mang bản sắc Việt Nam rất đậm nét về loại cà phê đặc sắc, cao cấp bậc nhất này đang bị một doanh nhân Trung Quốc đăng ký sở hữu tại Trung Quốc thì sẽ không đơn giản, ở Việt Nam nếu chưa có ai đăng ký trước đó sẽ là câu chuyện buồn về bản sắc Việt bị mất cắp!

Ngoài thanh long, trái xuất xứ từ vùng Nam Mỹ mà thế giới biết đến như bản sắc Việt; vừa qua, báo chí Ấn Độ cho biết, nguồn gốc mít là từ Ấn Độ nhưng thế giới chỉ biết đến Vinamit, sản phẩm mít của Việt Nam. Công ty Vinamit đã nhanh tay đăng ký sở hữu giống mít nghệ. Rất tiếc, chưa có nhiều nông sản đặc sắc của Việt Nam được doanh nghiệp hay đại diện địa phương đăng ký trong khi nông sản Việt rất phong phú và đa dạng như trái cây, rau, cây thuốc Nam… không chỉ là thực phẩm bình thường mà còn có tác dụng như một loại thực phẩm chức năng, có tác dụng phòng chống bệnh, bảo vệ sức khỏe con người, một xu hướng người tiêu dùng thế giới hiện nay quan tâm.

Hiện nay, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vấn đề bản quyền đã được chú ý nhưng mới dừng lại ở các sản phẩm phần mềm; khi là thành viên TPP sẽ lần lượt đến các sản phẩm ở những lĩnh vực khác, trong đó đặc biệt là nông sản. Nếu chúng ta chưa biết, còn mơ hồ về TPP, nhiều khả năng doanh nghiệp, người nông dân sẽ bị thiệt khi nước ngoài đòi bản quyền những sản phẩm đã được đăng ký tại nước họ mà Việt Nam đang trồng, trong đó không loại trừ cả mít Thái, hoa lan… Lúc đó, hoặc chúng ta phải chấp nhận trả bản quyền hoặc phải chặt bỏ. Nói khác đi, nước ngoài sẽ thu được tiền nhờ bản quyền sáng chế ngay tại nước ta, trong khi các nước sử dụng “chùa” những sáng tạo các giống cây của Việt Nam do nhiều người còn mù mờ về những quy định và cách làm này.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục