“Bàn tay vàng” trên biển Tây Nam

Với bản thân, anh luôn nỗ lực vươn lên, không đầu hàng trước khó khăn, điều kiện sống khắc nghiệt. Với đồng nghiệp, anh luôn cởi mở, nhiệt tình, sẵn lòng giúp đỡ, sẻ chia kinh nghiệm tích lũy trong chuyên môn. Với bộ đội và dân, anh là “bàn tay vàng” giúp nhiều người giành lại sự sống khi cái chết cận kề... Đó là những điểm sáng trong tư cách, đạo đức và chuyên môn ở Đại úy - bác sĩ Trần Đình Dũng, Đội phó Đội điều trị T78 (Vùng 5 Hải quân) mà chúng tôi được nghe, thấy và kể về anh trong chuyến thực tế trên vùng biển đảo Tây Nam mới đây.
“Bàn tay vàng” trên biển Tây Nam

Với bản thân, anh luôn nỗ lực vươn lên, không đầu hàng trước khó khăn, điều kiện sống khắc nghiệt. Với đồng nghiệp, anh luôn cởi mở, nhiệt tình, sẵn lòng giúp đỡ, sẻ chia kinh nghiệm tích lũy trong chuyên môn. Với bộ đội và dân, anh là “bàn tay vàng” giúp nhiều người giành lại sự sống khi cái chết cận kề... Đó là những điểm sáng trong tư cách, đạo đức và chuyên môn ở Đại úy - bác sĩ Trần Đình Dũng, Đội phó Đội điều trị T78 (Vùng 5 Hải quân) mà chúng tôi được nghe, thấy và kể về anh trong chuyến thực tế trên vùng biển đảo Tây Nam mới đây.

Bất kể ở đâu, lúc nào Đại úy - bác sĩ Trần Đình Dũng cũng hết lòng với bệnh nhân. (Trong ảnh, bác sĩ Dũng đang khám bệnh cho bộ đội tại Đội điều trị T78).

Bất kể ở đâu, lúc nào Đại úy - bác sĩ Trần Đình Dũng cũng hết lòng với bệnh nhân. (Trong ảnh, bác sĩ Dũng đang khám bệnh cho bộ đội tại Đội điều trị T78).

Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y và tham gia khóa học chuyên khoa ngoại bụng, Trần Đình Dũng được phân công công tác tại Đội điều trị T78. Được nhận nhiệm vụ Bệnh xá trưởng Bệnh xá quân dân y kết hợp đảo Thổ Chu - hòn đảo cách đất liền gần 200km, anh rất trăn trở, không phải vì ngại nơi đảo xa, thiếu thốn đủ thứ mà lo mình không đủ kinh nghiệm chuyên môn, sẽ khó đáp ứng nhiệm vụ được giao. Sau nhiều đêm thức trắng, nghĩ đến cảnh quân và dân trên đảo đang phải chịu ốm đau, bệnh tật, anh quyết định: Xuống tàu ra đảo Thổ Chu!

Vài ngày sau khi đến đảo, anh phải đối diện với ca mổ đẻ khó lần đầu tiên trên đảo Thổ Chu (tên hành chính là xã Thổ Châu). Bệnh nhân là sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hiệp, 20 tuổi, trú ở ấp Bãi Ngự chuyển dạ sanh, được người nhà đưa vào Trạm y tế xã Thổ Châu. Sau hơn 20 giờ, chị Hiệp không sanh thường được, trạm y tế chuyển sản phụ vào bệnh xá trong tình trạng vỡ ối, sức khỏe suy kiệt, mất cơn co tử cung… Thời gian không còn kịp để chuyển bệnh nhân vào đất liền. Đã vậy, biển động, sóng to gió lớn, tình trạng bệnh nhân lại ngày càng nguy kịch. Đây hẳn là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Dũng. Sau phút trầm ngâm, cố nhớ lại tất cả những kiến thức đã học và thực hành, gọi điện thoại tham khảo ý kiến của các thầy ở TPHCM, anh quyết định mổ đẻ để bắt con. Sau hơn 1 giờ, bé trai 3,4kg cất tiếng khóc chào đời. “Lúc đó, cả phòng mổ gồm bác sĩ, y sĩ và gia đình nạn nhân vỡ òa trong hạnh phúc. Với tôi đây là ca mổ nhớ đời. Hạnh phúc vì đã cứu sống được người, nhưng vẫn không hết lo. Lo vì trang thiết bị ở bệnh xá còn thiếu thốn, nhân sự ít, điện không mở được liên tục (ở Thổ Chu, mỗi ngày từ 7 giờ đến 15 giờ 30 và 17 giờ 30 đến 22 giờ 30 mới mở điện), sẽ khó xử lý được với những ca bệnh khó hơn…”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Trong mỗi chiến sĩ, bộ đội, người dân đảo Thổ Chu, bác sĩ Dũng không chỉ là một bác sĩ quân y giỏi nghề, là “bàn tay vàng” của những trường hợp bệnh nguy cấp, mà còn là người thầy thuốc tận tình, chu đáo, luôn biết quan tâm đến người khác. Đến đảo Thổ Chu vào cuối tháng 7-2013 - thời điểm này anh đã được Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân điều chuyển về làm Đội phó Đội điều trị T78 (đảo Phú Quốc, Kiên Giang) - nhưng đi đến đâu, chúng tôi cũng được nghe người dân kể chuyện về người thầy thuốc “lương y như từ mẫu” này. “Từ cấp cứu, tiểu phẫu đến khám bệnh, thậm chí đau bụng lúc nửa đêm, dân đến kêu cứu là bác sĩ Dũng giúp đỡ ngay. Có khi phải chạy đi chạy lại nhà dân, doanh trại bộ đội khám bệnh cả chục lần trong ngày nhưng lần nào chú ấy cũng vui vẻ. Có bác sĩ Dũng công tác trên đảo, bà con, ngư dân ở đây yên tâm hơn trong cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Điệp, ở ấp Bãi Dong, đảo Thổ Chu cho biết. Với dân và quân trên đảo Thổ Chu là vậy, ở Đội điều trị T78, anh luôn được các đồng nghiệp thương yêu, quý mến. Nói về thuộc cấp của mình, Trung tá Lê Thanh Thuận, Đội trưởng Đội điều trị T78, khen ngợi: “Không chỉ giỏi nghề, bác sĩ Dũng còn là người lành tính, luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ những gì tích lũy được trong chuyên môn cho anh em trong đội. Mọi công việc phân công, Dũng đều hoàn thành tốt”.

Với những thành tích đã đạt được, anh được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Mới đây, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tặng anh bằng khen vì những đóng góp tích cực trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tây Nam Tổ quốc.

Hiểu được những khó khăn thường trực này, trong thời gian công tác ở Bệnh xá đảo Thổ Chu, anh luôn chủ động tìm tòi, tìm ra các phương án điều trị, chữa bệnh hiệu quả tại chỗ. Ngoài việc khám chữa bệnh cho quân và dân, hàng ngày anh còn sưu tầm, chăm sóc vườn cây thuốc nam tại bệnh xá, để việc khám chữa bệnh ở đây được hiệu quả hơn. Nhờ những nỗ lực trong công việc, luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, trong hai năm 2011 và 2012, anh cùng các đồng nghiệp ở Bệnh xá đảo Thổ Chu khám, điều trị cho 2.418 lượt người, cấp cứu trung phẫu cho 125 ca, đặc biệt trong đó có nhiều ca mổ đẻ, mổ ruột thừa nguy cấp.

PHẠM MINH

Tin cùng chuyên mục