
Bất đồng quanh dự thảo nghị quyết chống Iran

Bắn thử các loại tên lửa trong cuộc tập trận.
Ngày 2-11, Iran bắt đầu cuộc tập trận mang tên “Nhà tiên tri vĩ đại II” kéo dài trong 10 ngày tại 14 tỉnh thành của Iran, trong đó có vùng Vịnh và biển Oman.
Người đứng đầu Lực lượng cảnh vệ cách mạng, Tướng Yahya Rahim Safavi, cho biết cuộc diễn tập nhằm biểu dương khả năng răn đe của lực lượng cảnh vệ trong tình thế bị đe dọa, đồng thời nhấn mạnh các cuộc diễn tập này không là mối đe dọa với các nước láng giềng.
Theo Đài truyền hình Iran, ngay trong ngày tập trận đầu tiên, Iran đã cho bắn thử khoảng 10 quả tên lửa, trong đó có tên lửa đạn đạo Shahab-3 từ khu sa mạc ở ngoại ô thành phố Qom, cách thủ đô Tehran 120km về phía Nam.
Tên lửa Shahab-3 có tầm xa tới 3.000km, có khả năng tới được lãnh thổ Israel và nơi Mỹ đóng quân ở Trung Đông. Đây cũng là lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng trong các cuộc tập trận thực tế. Từ trước tới nay, các tên lửa Shahab chỉ được dùng để bắn thử. Ngoài ra, trong đợt tập trận này, Iran cũng sẽ sử dụng nhiều loại máy bay, hàng chục loại tên lửa, nhất là tên lửa Fateh và Zolfagahr có tầm xa 150km, bắn thử các tên lửa đất đối biển…
Các lực lượng bộ binh cũng sẽ kết hợp với trực thăng diễn tập tại một số đảo. Cuộc tập trận được tiến hành chỉ hai ngày sau khi các tàu chiến của Mỹ và 5 nước (Australia, Pháp, Italia, Anh, Bahrein) kết thúc hai ngày diễn tập ở vùng Vịnh, gần bờ biển Iran.
Trong lúc đó, báo chí Nga đưa tin Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mátxcơva sẽ không ủng hộ bản dự thảo nghị quyết trừng phạt Iran do các nước châu Âu đề xuất. Theo ông Lavrov, Nga không thể ủng hộ những biện pháp thực sự nhằm cô lập Iran khỏi thế giới bên ngoài, trong đó bao gồm cả việc cô lập những người chịu trách nhiệm chỉ đạo các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ cũng thừa nhận trong HĐBA đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau quanh việc giải quyết chương trình hạt nhân của Iran. Đáng ngại nhất là việc một số thành viên muốn áp dụng các biện pháp mạnh chống Iran như đã từng áp dụng với CHDCND Triều Tiên, trong khi hai tình huống hoàn toàn khác nhau. Một đằng, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân, còn Iran trước sau vẫn khẳng định làm giàu uranium vì mục đích dân sự.
L.V. (Theo AFP, Reuters)