
Thời gian qua, nhiều liên doanh sản xuất xe trong nước đã rất thành công trong việc sản xuất hàng loạt các dòng sedan, đa dụng để bán phục vụ taxi. Ở góc độ kinh doanh, hoạt động này chưa có quy định nào không cho phép. Tuy nhiên, ở góc độ rạch ròi “thương hiệu” sản phẩm, thời gian gần đây người tiêu dùng rất “băn khoăn” về vấn đề này.

Xe Focus trong ngày được bán làm taxi Future. Ảnh: T.L.
Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc cho rằng, họ rất bất ngờ khi giữa tháng 4-2007 Ford Việt Nam đã ký hợp đồng bán tới 800 chiếc Focus để làm taxi mang tên Future. Số xe Focus bao gồm cả bản 1.6L MT và 1.8L với giá niêm yết thấp nhất 28.800 USD. Có thể nói, đây là hợp đồng mua bán lớn nhất trong lịch sử liên doanh này, có thể trong tương lai hãng này còn thực hiện những lô hàng lớn hơn.
Dù được cho biết là số xe trên phục vụ dịch vụ taxi cao cấp, nhưng vẫn không ít người tiêu dùng tỏ ra băn khoăn. Các diễn đàn ô tô lớn của Việt Nam giật ngay những cái title kiểu như: “Chia buồn với “bác” nào đi Focus”; “ Bác lại vừa tậu “con Focus taxi” đấy à”..., kèm theo đó là những lời bình luận không mấy tốt cho sản phẩm từng được coi là mũi nhọn của Ford tại Việt Nam. Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề mang xe ra làm taxi, nhưng tựu chung, người tiêu dùng sử dụng Focus cho rằng họ bị thiệt thòi “sử dụng một thương hiệu xe mình từng yêu chuộng nay lẫn lộn với... xe chạy taxi”.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, thứ nhất phải chăng việc bất đắc dĩ phải bán lô lớn cho taxi chứng tỏ Focus không được lòng người tiêu dùng trong nước? Phải chăng nó thể hiện bước đường cùng của nhà sản xuất khi bắt buộc phải bán nhanh số hàng tồn kho (ở đây có thể là linh kiện). Có thể nhận ra điều này khi phân tích doanh số của Focus. Trong năm 2005, thời điểm trình làng, Ford Việt Nam chỉ bán được 145 chiếc, một con số nhỏ nhoi với sản phẩm mới ra mắt. Sang 2006, dù đã giảm giá tới 3 lần nhưng lượng bán Focus cũng nhích lên không đáng kể, vỏn vẹn có 240 chiếc?
Thứ hai, kể cả dùng cho dịch vụ cao cấp thì khi đã gắn biển taxi thì nó vẫn là “Focus taxi”. Người tiêu dùng cho rằng, đây không phải vấn đề đúng hay sai mà với họ, khi nó là taxi thì “yếu tố thương hiệu” sẽ bị ảnh hưởng, người sở hữu Focus không ít thì nhiều bị thiệt hại bởi “hao mòn thương hiệu vô hình”. Thêm nữa, xe Focus bán làm taxi Future lại không hề khác so với các sản phẩm bán cho người tiêu dùng cá nhân. Điều này dẫn tới sự “pha loãng quá mức” trên thị trường và khiến tỷ lệ “mất giá thương hiệu” với người tiêu dùng càng cao hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, vì sao xe bán làm taxi không có điểm nào phân biệt rõ với chiếc Focus mà người tiêu dùng đang sử dụng để không bị lẫn lộn? Chẳng hạng như Innova thì có dòng G và J riêng biệt.
Cũng có ý kiến cho rằng, sự ảnh hưởng này là không đáng kể vì trên thế giới, có những nước mà Mercedes hay BMW cũng làm taxi. Tuy nhiên, ở Việt Nam và tại thời điểm này, taxi được xem là “chất lượng bị đánh tụt” xuống mức thấp có thể. Chẳng vì thế mà Honda đã xác định ngay một chiến lược là không bán Civic làm taxi để bảo vệ thương hiệu.
Có thể nói, vấn đề xe làm taxi bị gắn với chất lượng thấp thuộc về tất cả các hãng khai thác dịch vụ vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Với mục đích thu hồi vốn nhanh, các đơn vị kinh doanh giảm tối thiểu chi phí bằng cách cắt trang thiết bị, option. Chẳng hạn như ghế nỉ thành ghế nhựa, cửa kính điện thành kính quay tay, điều hoà hai dàn lạnh thành một, bỏ hết túi khí cũng như một số công nghệ an toàn khác.
Rất nhiều độc giả đã phàn nàn về chất lượng xe đã cắt giảm chỉ vì mục đích lợi nhuận để làm taxi. Một bạn đọc ở đường Lê Văn Thọ, phường 12, quận Gò Vấp cho biết, những tưởng thuê taxi Innova Toyota đi xa sẽ thoải mái hơn nhưng không ngờ, ngồi ở hàng ghế phía trước thì mát lạnh nhưng ở hàng ghế phía sau lại nóng toát mồ hôi. Khi hỏi tài xế thì được trả lời, xe chỉ dàn lạnh phía trước, phía sau bị cắt...
Nhìn chung, khi một số hãng đã lên kế hoạch sản phẩm cho taxi thì sự cắt giảm này gần như chỉ có lợi cho nhà sản xuất. Còn người tiêu dùng thì thiệt đơn thiệt kép. Thứ nhất, họ phải trả tiền cho nhiều khoản khác nhau nhưng lại không được hưởng chất lượng tương xứng. Thứ hai, việc cắt các thiết bị an toàn vô hình trung làm tăng nguy cơ chấn thương cho hành khách khi xe gặp tai nạn và đặc biệt, họ không bao giờ được cảnh báo rằng xe thiếu một số trang thiết bị an toàn, trong khi đó, ô tô gây nạn là taxi chiếm tỷ lệ không hề nhỏ.
Ở góc độ quản lý, cho đến nay chưa có quy định nào về chất lượng xe kinh doanh taxi, ngoại trừ các thủ tục đăng kiểm. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ không có gì để đảm bảo mình được hưởng dịch vụ đúng tiêu chuẩn. Sự lơi lỏng này giúp các hãng taxi mọc nên như nấm với đủ các chủng loại xe và hoàng loạt kiểu cắt bớt. Còn người tiêu dùng thì vẫn phải “liều” với lựa chọn của mình. Câu hỏi đặt ra cho các hãng sản xuất bán xe phục vụ taxi là “giá xe” có xoay quanh “giá trị”?
PHÚC ANH