Bâng khuâng Hà Tiên

Nơi có tiếng chim hót chưa hết nhịp đã “quá cảnh” hai quốc gia; nơi hòa quyện cả sông, núi, biển, hồ, hang động; nơi có dòng văn học đặc sắc ngay khi mở đất… đó là Hà Tiên, phên dậu Tây Nam Tổ quốc.
Bâng khuâng Hà Tiên

Nơi có tiếng chim hót chưa hết nhịp đã “quá cảnh” hai quốc gia; nơi hòa quyện cả sông, núi, biển, hồ, hang động; nơi có dòng văn học đặc sắc ngay khi mở đất… đó là Hà Tiên, phên dậu Tây Nam Tổ quốc.

Mạch văn lưu chuyển

Bập bềnh với ly cà phê trên vịnh Đông Hồ, đối diện Nhà lưu niệm Đông Hồ, bên kia là ngọn Tô Châu mờ ảo sương sớm, nhà văn Lê Văn Thảo (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM) và nhà thơ Lê Chí (nguyên Trưởng ban liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL) trầm ngâm với hồn cốt Hà Tiên xưa. Nơi đây tụ hội văn hóa Việt - Hoa - Khmer, 10 thắng cảnh dệt thành thập vịnh, có cặp thi sĩ Đông Hồ - Mộng Tuyết rạng rỡ văn học đất Phương Thành xưa. Nét tinh tế, nhuộm đầy chất thơ thuở nào vẫn ẩn chứa trên từng con đường ngắn rất nhiều giao lộ; những căn nhà nhỏ cửa sổ lá xách xinh xinh, khuôn viên đầy ắp hoa giăng và cả trong câu truyền khẩu “Ăn cơm Rạch Giá, ăn cá Hà Tiên, xài tiền Phú Quốc”…

Bản sắc văn hóa Hà Tiên đặc sắc ngay thuở đầu mở cõi 300 năm đất phương Nam. Tao đàn “Chiêu Anh Các” của Tổng trấn Mạc Thiên Tích (1736) xuất hiện chỉ sau Tao đàn của vua Lê Thánh Tôn, thường được xem là trung tâm văn học miền cực Nam nước Việt hơn thế kỷ trước, đóng mốc son mở cửa giao lưu văn hóa rất sớm qua hiện diện của thi nhân trong, ngoài nước; góp phần quan trọng chấn hưng văn hóa, truyền bá nho phong. Để rồi, bốn chục năm sau khi Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời, khi đất nước còn Đàng Trong, Đàng Ngoài, nhà sử học Lê Quý Đôn phải thảng thốt: “Không thể bảo rằng Hải ngoại không có văn chương được…”. Đã 276 năm, may thay, cứ đến đêm Nguyên tiêu, khí thiêng thanh sạch “Núi Mộng gương Hồ” lại lãng đãng khói hương, quyện chặt hồn thơ trong vắt.

Trưởng ban Tuyên giáo thị ủy Hà Tiên Hoàng Thị Thành cho biết Lễ hội văn hóa - du lịch, Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các hàng năm đã trở thành điểm nhấn văn hóa nơi biên ải. Tượng đài Mạc Cửu áo vải quần thô, tay đặt lên đốc kiếm sừng sững cửa ngõ Hà Tiên (dựng năm 2008); Đền thờ cô Năm được xây mới; lăng Mạc Cửu đang được trùng tu; tên Đông Hồ được đặt thành tên phường, đường, trường, khách sạn… Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt đã 77 tuổi, cả đời vật vã truy tìm nét mới Hà Tiên, nằm trên giường bệnh vẫn “bùng nổ” khi bàn đến văn hóa xứ này, vẫn cặm cụi với tham luận giao thoa văn hóa Việt - Hoa tác động gì đến hiện tại cho hội thảo sắp tới.

Đổi thay Hà Tiên

Khoảng 7 năm trước, cửa khẩu Xà Xía còn hoang vu, chỉ có một trạm gác với cái barie vắt ngang. Đứng trên cây cầu gỗ chỉ cách đất bạn mấy bước chân, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Trương Quốc Tuấn (lúc đó) đã nói về sự đổi thay của thị xã ven biên đầy tiềm năng này. Hôm nay, Xà Xía đã thành cửa khẩu quốc tế với cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, nhộn nhịp du khách. Du lịch là văn hóa, Hà Tiên lại có sẵn trong mình. Cái nơi “Có một ít…” (Tây Hồ, Hương Giang, Hạ Long, Hương Tích…) mà thi sĩ Đông Hồ giãi bày đã đổi thay nhiều rồi. Dưới chân núi Tô Châu có khu lấn biển, Khu du lịch Mũi Nai, núi Đèn quanh co thơ mộng, có ngọn hải đăng từ thời Pháp trở thành khu resort...

Khó nơi nào dạy học cực nhọc như xã đảo Tiên Hải (thuộc quần đảo Hải tặc - Hà Tiên), một trường mà thầy cô phải chia nhau dạy 3 cấp (mầm non, tiểu học, THCS) tại 3 điểm khác nhau (cả hai điểm lẻ ở hòn Đước, hòn Giang). “Việc học tính theo mùa biển động, 5 năm trở lại đây tỷ lệ tốt nghiệp THCS luôn đạt 100%, có cả học sinh sau này đạt giỏi cấp quốc gia”- thầy Hiệu phó Quang Thanh Thắng, quê Rạch Giá ra Tiên Hải từ năm 2003, có vợ dạy học trên đảo, nói.

Cuộc sống vùng biên lên thấy rõ. Đi ra từ cuộc chiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên Lâm Tái Thành kể lại: “Năm 1969, khi đang làm tổ trưởng bảo vệ phía Đông hang Mo So đã dự trận đánh 41 ngày đêm khốc liệt tại đây. Trận đó có một đại đội trưởng nằm đè lên trái đạn, giành sự sống cho anh em”. Tôi thích câu nói của con người năng động này: “Thời nào cũng phải tính toán, trước để đồng đội bớt máu xương, nay để làm ăn hiệu quả”.

Phù Dung đã khác xưa rồi

Hội Văn học Nghệ thuật thị xã Hà Tiên có 3 phân hội, 52 hội viên, tuy nỗ lực nhiều nhưng vẫn “lực bất tòng tâm”. Ban chấp hành hoàn toàn kiêm nhiệm, không có trụ sở. Kinh phí hoạt động chỉ 15 triệu đồng/năm nên khi cần phải “mượn hồn” để xuất bản. Câu lạc bộ nhiếp ảnh liên kết 4 đơn vị (Hà Tiên, Châu Đốc, Cần Thơ, quận 1 TPHCM) tồn tại hàng chục năm qua có nguy cơ “gãy gánh giữa đường”…

Cột đá trong chùa Phù Dung

Cột đá trong chùa Phù Dung

Thạch Động, Mo So, chùa Phật Đài… phiêu diêu cảnh sắc đã nặng hơi trần thế, đua chen thị trường. Những mái chùa rêu phong cổ kính không kháng cự nổi cái màu bàng bạc phủ trùm; gây âu lo, phản ứng của chính người dân địa phương. Ngay chùa Phù Dung, di tích lịch sử u hoài tâm linh, cũng khác xưa quá nhiều. Không chỉ cảnh quan, cây cối, nội thất (trổ thêm cửa, thay kết cấu nguyên liệu…) mà ngay cả những chân cột đá nhà Chiêu Anh Các xưa cũng bị đập bỏ toàn bộ lớp vôi tô bên ngoài! Lạ kỳ hơn, việc sửa chữa “tiến hành ngay khi chưa được chính quyền cấp phép” như một cán bộ thừa nhận. Những câu đối, câu liễn Hán tự trong lăng Mạc Cửu được nhóm thợ viết lại theo kiểu “nhìn nét đoán chữ” khiến không ít người giật mình thấp thỏm. “Tôi, một cụ già 76 tuổi, sống nay chết mai, tôi làm tất cả những gì của tuổi muộn này, cũng vì thế hệ mai sau sống trong xứ sở Hà Tiên có lịch sử và văn hóa lẫy lừng, thừa hưởng những điều tốt đẹp nhất của lịch sử, để họ hiểu và phát huy truyền thống rực rỡ của quê hương… Lương tâm tôi không cho phép bất cứ ai, nhân danh bất cứ một điều gì để phá hoại cái điều đúng đắn bất di bất dịch trên, hơn nữa trân trọng, giữ gìn, bảo vệ di tích lịch sử là bổn phận của mọi người dân”. Lá đơn khẩn cầu này được viết bởi chính nhà “Hà Tiên học” Trương Minh Đạt gởi cho cơ quan chức năng. Vợ ông, nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên, buồn rầu: “Ông ấy đổ bệnh vì chuyện đó”.

“Nền xưa dựng lại nếp thư hương/Trí đức văn phong nghĩa học đường…” (Mộng Tuyết). Bâng khuâng chợt nhớ người xưa đâu còn cảnh cũ. Năm 2006, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đông Hồ Lâm Tấn Phác, thi sĩ Mộng Tuyết vẫn lụi cụi ký tặng trên từng cuốn sách, mủm mỉm cười khi nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà đọc thơ tặng bà. Đêm đó, dù phải có người dìu, bà vẫn vấn khăn hoa đến đền thờ họ Mạc thắp nhang và nghe bình thơ. Một năm sau bà ra đi, chuyến đi cuối cùng của “Hà Tiên tứ tuyệt”. Văn hóa còn thì dân tộc còn. “Thập vịnh” xưa phải thăng hoa, ai cũng nghĩ vậy.

Mỗi năm Hà Tiên đón cả triệu lượt du khách. Thế mạnh cận biên giúp hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch hàng năm của Hà Tiên đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 70% GDP của địa phương. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân trên 19%/năm, đưa mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Hà Tiên đạt 2.500 USD/năm, mức khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới chỉ ở mức 3,5%.


VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục