Tìm học trò từ 3 giờ sáng
Đầu năm học, điểm danh thấy vắng 6 học sinh, thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đắk Roong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã lập đoàn đi tìm các em đến lớp. Ba giờ sáng, khi dân làng chìm trong giấc ngủ yên, thầy Tuấn cùng đồng nghiệp lên xe máy chạy xuống các nhà đầm, nơi đồng bào ở lại để canh rẫy. Vừa bước xuống xe, thầy Tuấn cầm đèn pin rọi vào căn nhà tạm, phía trong có em Sút (học sinh lớp 4) đang ngủ.
Thầy Tuấn gọi Sút dậy, hỏi sao không đến lớp, rồi động viên: “Về với bạn đi. Đi học để sau này biết chữ nghe em”. Sau một hồi được thầy thuyết phục, Sút đã đồng ý trở lại lớp. Thầy Tuấn choàng áo khoác cho Sút và chở cậu học trò về trường. Tối hôm đó, ngoài em Sút, đoàn của thầy Tuấn còn tìm được em Gia (học lớp 4). “Bốn em còn lại chưa biết ở đâu, dù các thầy cô đã đến nhà rẫy tìm.
Sắp tới phải hỏi trưởng thôn xem bố mẹ các cháu làm rẫy ở đâu để tiếp tục đi tìm”, thầy Tuấn nói thêm. Theo thầy Tuấn, nhiều năm nay phải đi tìm học sinh từ rạng sáng. Không chỉ thầy mà các giáo viên khác cũng đều phải đi. Giáo viên đi nhiều đến nỗi bây giờ thuộc lòng hết địa chỉ nhà rẫy.
Vừa vượt sông Krông Nô sang huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) vận động hai học sinh Păng Tin Ha Thanh (lớp 4) và Păng Tin Ha Xuân (lớp 2) trở lại lớp, thầy Liêng Jrang Ha Thương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dơng Jri (xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Năm nào cũng thế, sau mỗi dịp hè, chúng tôi lại đến từng nhà vận động con em trở lại lớp. Gia đình của 2 em Ha Thanh và Ha Xuân hiện vẫn ở thôn Liêng K’rắc 2 (xã Đạ M’rông), nhưng do điều kiện kinh tế, bố mẹ của các em đã sang Đắk Lắk làm nương rẫy, các em đi theo. Khi thấy giáo viên tới nhà, hai em chạy vào rừng trốn biệt tăm vì không muốn đi học, phải nhiều lần sang sông thuyết phục, vận động, các em mới chịu đến trường”.
Dù đứng lớp tại Trường THCS Liêng Trang (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) được 5 năm, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thắm rất hiểu tâm tư, hoàn cảnh của gia đình các em học sinh quanh vùng, nhất là học sinh con em người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những ngày bắt đầu vào năm học mới, lớp 6A4 chưa đủ học sinh đến lớp. Em thì chưa muốn đi học, em còn theo cha mẹ vào tận nương rẫy trên núi cao chưa về. Vậy là ngoài giờ dạy chính trên trường, cô Thắm cùng các giáo viên trong trường lại tìm đến nhà từng em để trò truyện với phụ huynh, vận động học sinh đến lớp học chữ. “Những ngày qua, tôi vận động được 5 trong số 6 em của lớp vắng mặt. Nhìn lớp học còn trống ghế, tôi rất lo lắng”, cô Thắm tâm sự.
Lên non gieo chữ
Điểm trường ở làng Pyầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nằm cách trung tâm xã khoảng 18km, được thành lập khoảng 30 năm nay. Điểm trường có 4 lớp học thuộc 2 bậc học mẫu giáo và tiểu học. Giáo viên dạy ở đây được điều động từ 2 trường là Trường Mầm non Lơ Pang và Trường Tiểu học Lơ Pang. Điều đặc biệt là điểm trường này nằm sâu trong rừng hoang vu, muốn đến được đây phải băng qua 16km đường rừng với những con dốc cao hun hút, gập ghềnh sỏi đá và bùn lầy. Cũng vì địa hình đồi cao dốc đứng nên các giáo viên dạy ở điểm trường này phải ở lại từ thứ hai đến thứ sáu, cuối tuần mới được về với gia đình.
Năm học này, điểm trường ở làng Pyầu sẽ chính thức khai giảng vào ngày 4-9, nhưng những ngày này, cô Thái Thị Hòa (phường Thắng Lợi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), giáo viên Trường Mầm non Lơ Pang đã cùng 3 đồng nghiệp ở Trường Tiểu học Lơ Pang lặn lội lên điểm trường để vệ sinh phòng học và gặp gỡ học sinh. “Hôm lên dọn vệ sinh trường, trời vừa mưa xong nên đường khá trơn. Bọn mình bị té liên tục, xe và người đều ngã. Đoạn đường dài có 16km mà cả nhóm phải mất 3-4 tiếng đồng hồ”, cô Hòa nói. Theo cô Hòa, năm nay là năm thứ hai cô được trường phân công lên điểm trường ở làng Pyầu. Cô Hòa cắm bản ở làng Pyầu lần đầu cách đây 4 năm. Hồi ấy điểm trường còn khó khăn về nước. Giáo viên ở tại nhà dựng tạm. Nhiều lúc đi ngủ phải đeo khẩu trang vì bụi. Khổ nhất vẫn là đoạn đường rừng trơn trượt, dốc cao nguy hiểm. Cũng vì đường này mà mỗi năm các cô mất cả triệu đồng tiền sửa xe máy. “Đường sá cách trở đành chấp nhận ở lại bản. Mà mình cũng có con nhỏ. Nhiều lúc nhớ con da diết không ngủ được. Tuy nhiên, cứ nghĩ thương các cháu ở làng còn thiếu chữ nên anh chị em giáo viên ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, cô Hòa nói.
Trong số những giáo viên trực tiếp dạy ở làng Pyầu, thầy Nguyễn Văn Thắng, giáo viên Trường Tiểu học Lơ Pang, là một trong những người có thâm nhiên cắm bản nhất, với 8 năm. Thầy Thắng kể, lần đầu vào làng dạy chữ, ngoài thời gian dạy chính trên lớp và phụ đạo bắt buộc, giáo viên còn dạy kèm cho học sinh yếu. Thời gian rảnh, thầy cô xuống nhà dân để tâm sự, chia sẻ. “Dạy chữ ở làng Pyầu rất khổ, nhất là đường sá cách trở, nhưng bù lại được dân tin yêu nên cũng tạo được động lực cho thầy cô tiếp tục công việc”, thầy Thắng tâm sự. Cô Trần Thị Hoa, Hiệu phó Trường Tiểu học Lơ Pang cho biết: “Ban giám hiệu trường rất chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của giáo viên cắm bản ở làng Pyầu. Vì thế, sau mỗi năm học, trường lại điều chuyển các thầy cô khác lên thay. Trường chỉ mong muốn con đường lên làng Pyầu sớm được cải tạo để giáo viên khỏi té ngã, để họ có thể tiện lợi lên xuống thăm gia đình, lên gieo chữ”.
Theo ông Huỳnh Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng: “Hiện nay, nhiều học sinh bỏ học, nghỉ học không phải chỉ vì nghèo mà ngay cả những gia đình không thuộc diện thiếu thốn, các em cũng ở nhà để phụ giúp bố mẹ làm vườn hoặc đi làm thuê có tiền. Trước mỗi năm học, ngành giáo dục địa phương luôn ưu tiên việc vận động học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến lớp. Trong đó, địa bàn hai huyện Đam Rông và Lạc Dương được ngành đặc biệt quan tâm”.
Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) nói: “Trước thềm năm học mới, huyện đã chỉ đạo các xã thành lập “Ban vận động học sinh ra lớp”, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Từng xã sẽ phối hợp với các trường thường xuyên thực hiện công tác vận động kịp thời học sinh bỏ học, rà soát tìm hiểu nguyên nhân từng học sinh, chủ động xây dựng kế hoạch huy động học sinh ra lớp.