Bánh kẹo nội giữ vị thế chủ lực thị trường tết

Sở Công thương TPHCM dự báo, dịp tết này TP sẽ tiêu thụ hơn 18.000 tấn bánh kẹo, tăng 5% so với tết trước.
Đa dạng sản phẩm bánh kẹo hàng Việt và ngoại nhập phục vụ thị trường tết Ảnh: CAO THĂNG
Đa dạng sản phẩm bánh kẹo hàng Việt và ngoại nhập phục vụ thị trường tết Ảnh: CAO THĂNG
Năm nay, thị trường bánh kẹo cũng khởi động khá sớm với hàng hóa đa dạng, phong phú về mẫu mã, đặc biệt chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước không ngừng hoàn thiện và giá bán vẫn tương đối ổn định.
Đầu tư mạnh bao bì, mẫu mã
Còn gần một tháng nữa sẽ kết thúc mùa cao điểm kinh doanh hàng phục vụ thị trường tết. Cùng với các mặt hàng như quần áo, giày dép, mứt tết thì bánh kẹo là mặt hàng được các nhà kinh doanh tập trung giới thiệu nhiều nhất. Tại hầu hết siêu thị đã bố trí khu vực mặt tiền đẹp nhất để trưng bày các loại bánh kẹo. Trên thực tế, với người tiêu dùng bình thường mua để dùng thì chưa có nhu cầu, nhưng với nhiều doanh nghiệp (DN) thì đây là lúc có thể chọn mua các loại bánh kẹo đẹp, chất lượng tốt để làm quà tặng CB - CNV đón tết. Nắm bắt tâm lý này, các nhà sản xuất bánh kẹo trong nước đã có kế hoạch tung hàng tết từ khá sớm, với sản lượng dự kiến tăng 5% -10% so với cùng kỳ. 
Thông tin từ Công ty Mondelez Kinh Đô, tết năm nay đơn vị này giới thiệu danh mục sản phẩm đa dạng, từ cao cấp đến phổ thông, kết hợp các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng sự đa dạng của khách hàng. Cụ thể, công ty ra mắt 7 nhóm sản phẩm với hơn 40 loại bánh dưới các nhãn hiệu Cosy, Lu, Oreo, Ritz, Solite, Afc, Slide và Kinh Đô. Giá bánh tết của đơn vị này dao động từ 40.000 - 194.000 đồng/sản phẩm. Mondelez Kinh Đô cũng tạo nên sự khác biệt đáng chú ý về thiết kế bao bì. Sự chăm chút, nâng niu đến từng chi tiết nhỏ, từ họa tiết, hoa văn đến chất liệu, kiểu dáng đẹp, trang nhã và gửi gắm lời chúc may mắn, thịnh vượng dịp tết. Đặc biệt, các dòng bánh hộp thiếc đều được tặng kèm túi giấy sang trọng, thích hợp cho việc biếu tặng. Mondelez Kinh Đô cũng giới thiệu nhiều lựa chọn cho giỏ quà, phong phú cả về chủng loại và kích cỡ nhằm đáp ứng trọn vẹn nhu cầu biếu tặng đa dạng của DN, người tiêu dùng.
Bên cạnh việc hoàn thiện về chất lượng, bao bì, mẫu mã, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được Mondelez Kinh Đô cam kết đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế của thương hiệu. Công ty cũng đẩy mạnh quảng bá, trưng bày sản phẩm nhằm tăng cường sự hiện diện trên tất cả các kênh mua sắm. Hiện tại, sản phẩm của Mondelez Kinh Đô đã có mặt ở hơn 300.000 cửa hàng. Tại các hệ thống siêu thị, công ty cũng đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu sản phẩm tại chỗ cho khách hàng. Đặc biệt, gian hàng tết của Mondelez Kinh Đô tại 17 tỉnh, thành sẽ hoạt động liên tục từ nay đến ngày 14-2 với nhiều hoạt động hấp dẫn. Công ty cũng phát triển đội ngũ kinh doanh chuyên biệt cho khối DN nhằm phục vụ đầy đủ và tốt nhất nhu cầu biếu tặng của khách hàng. 
Tương tự, Công ty Bibica dự kiến đưa ra thị trường 2.500 tấn bánh kẹo, tăng 15% so với năm trước. Có 56 loại bánh kẹo được Bibica giới thiệu trong mùa tết này và điểm nhấn là dòng bánh Goody cao cấp để cạnh tranh trực tiếp với hàng ngoại. Ngoài bánh Goody và Goody Gold đã ra mắt năm trước, năm nay, Bibica có thêm bánh Goody Classic. Công ty cũng thay đổi bao bì với thiết kế dập nổi độc đáo, hoa văn bắt mắt, thích hợp làm quà biếu. Bibica còn sản xuất các dòng bánh kẹo tết truyền thống như hộp quà tết đoàn viên, bánh lạc Việt, thuận buồm xuôi gió, mã đáo thành công, kẹo phát tài hình thỏi vàng.
Ở phân khúc thấp hơn, có sản phẩm của các DN Hải Hà, Hải Châu, Bảo Hiên Rồng Vàng, Minh Ngọc… Miền Trung có bánh kẹo Quảng Ngãi cũng tung ra thị trường sản lượng tăng 5% - 10% để đa dạng hóa sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tại chợ bán sỉ như Bình Tây, An Đông, các loại bánh kẹo bán xá, cân ký chủ yếu do các DN, cơ sở sản xuất trong nước cung cấp. 
Về sức mua đang tiến triển khá tốt, hiện các DN sản xuất đã và đang cung ứng đạt từ 60% - 80% kế hoạch tết. Nhiều khả năng, sản lượng sẽ đạt kế hoạch.
Hàng nội chiếm ưu thế
Theo khảo sát của phóng viên Báo SGGP, cũng như mùa tết năm ngoái, tại thời điểm này, các siêu thị có vốn nước ngoài như Lotte Mart, Aeon Mall, Mega Market đều có quầy kệ riêng cho bánh kẹo nhập khẩu, phần lớn là những thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng như Orion, Danisa, LU, Ritz… Cụ thể, tại Lotte Mart, tỷ lệ bánh kẹo Việt chiếm xấp xỉ so với hàng ngoại, trong đó chủ yếu là các thương hiệu đến từ Hàn Quốc; Aeon có các sản phẩm bánh kẹo mang thương hiệu riêng Top Value của Aeon; tại Mega Market, nơi được xem có khá nhiều loại thực phẩm nhập khẩu nhưng tỷ lệ bánh nội cũng xuất hiện không ít trên các quầy kệ. Các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu cũng đa dạng đến từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Pháp, Đức, Mỹ...
Đại diện hệ thống siêu thị BigC cho biết, bánh kẹo Việt chiếm khoảng 90% tổng lượng bánh kẹo đang bày bán tại đây. Người tiêu dùng ngày càng chuộng bánh kẹo Việt nhờ chất lượng ngày càng nâng cao; mẫu mã, bao bì bắt mắt hơn. Nhiều thương hiệu Việt cũng làm tốt công tác quảng bá thương hiệu nên giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.
Theo thống kê của hệ thống siêu thị Co.opmart, hàng Việt về cơ cấu hiện vẫn chiếm hơn 90% tổng lượng hàng bán trong siêu thị. Riêng nhóm hàng bánh kẹo thì hàng nội, đặc biệt trong dịp tết năm nay chiếm trên 80% với mẫu mã rất đa dạng, phong phú, giá bán phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng. Để ủng hộ hàng trong nước, năm nay, Co.opmart tiếp tục ưu ái đưa vào các giỏ quà tết nhằm làm tăng giá trị, góp phần quảng bá cho các thương hiệu bánh kẹo trong nước. 
Tại các cửa hàng bán lẻ bánh kẹo, nhiều chủ cửa hàng cho biết, các thương hiệu bánh sản xuất trong nước như Kinh Đô, Bibica vẫn chiếm vị thế chủ lực. Với bánh kẹo ngoại, có nhãn hiệu Lu và Danisa được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất. 
Ở mặt hàng trái cây sấy khô, sản phẩm đặc trưng của Vinamit, Nhà Bè như mít sấy, hạt sen, chuối sấy… được đóng trong các loại hộp khá đẹp mắt; phù hợp chọn làm quà tặng, biếu trong dịp tết. 
Theo số liệu nghiên cứu thị trường bánh kẹo tại Việt Nam của một số công ty cho thấy, dự báo năm 2018, doanh thu toàn ngành bánh kẹo Việt Nam đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Thị trường bánh kẹo Việt Nam còn rất tiềm năng bởi mức tiêu thụ trên đầu người chỉ khoảng 2kg, thấp hơn mức trung bình của thế giới (2,8kg/người/năm). Trong lĩnh vực kỹ nghệ thực phẩm, bánh kẹo là ngành có mức tăng trưởng cao và ổn định. Đây chính là lý do các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, với nguồn sản xuất trong nước dồi dào, giá cả ổn định, chủng loại phong phú và xu hướng người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam nên bánh kẹo nội vẫn giữ được vị thế chủ lực ở thị trường Tết Mậu Tuất 2018.

Tin cùng chuyên mục