Hôm qua 5-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc đánh giá công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2011. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Luôn có mặt ở những “điểm nóng”
Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh, năm 2010 và những tháng đầu năm 2011 là khoảng thời gian tình hình thế giới cũng như trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Năm 2010 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Bối cảnh chung đó có sự đóng góp tích cực của hoạt động báo chí. Luôn có mặt ở những “điểm nóng”, báo chí Việt Nam đã thông tin kịp thời, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và quốc tế. Những thành tựu của đất nước đã khẳng định vai trò, sứ mệnh của hoạt động báo chí trong thông tin tuyên truyền, tạo nên hào khí cách mạng của dân tộc và sự đồng thuận trong xã hội. Nhiều cơ quan báo chí đã năng động, tích cực phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; tuyên truyền cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng ghi nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới, phản ánh sinh động hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế...
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí hiện phải hoạt động trong một bối cảnh không ít khó khăn. Bùng nổ thông tin mạng, cạnh tranh thông tin diễn ra gay gắt, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn đã tác động không nhỏ đến hoạt động báo chí. Giá điện, giá giấy tăng nhanh gây khó khăn cho việc in ấn, phát sóng, phát hành. Đời sống của đội ngũ những người làm báo bị ảnh hưởng... Dẫu vậy, vượt qua khó khăn, các cơ quan báo chí đã nỗ lực duy trì hoạt động, số lượng vẫn tiếp tục phát triển. Nhiều cơ quan báo chí đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như ủng hộ đồng bào bị thiên tai ở trong nước và quốc tế, hỗ trợ đồng bào vùng khó khăn và các đối tượng chính sách...
Tuy nhiên, hoạt động báo chí trong năm qua cũng bộc lộ một số thiếu sót, khuyết điểm như thông tin sai sự thật, nội dung dung tục, phản cảm, đăng phát hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, thông tin chạy theo thị hiếu kém lành mạnh hay đưa đậm đặc thông tin về các vụ án, mặt trái của xã hội...
Bài toán kinh tế và chất lượng đội ngũ
Nhiều ý kiến cho rằng, vượt lên những rào cản khó khăn hiện tại để tạo sự bứt phá trong bối cảnh bùng nổ thông tin toàn cầu thực sự là những thách thức đối với không ít cơ quan báo chí. “Vừa đúng, vừa hay, vừa đảm bảo nuôi sống đội ngũ” là bài toán khó của nhiều tờ báo hiện nay. Vì thế, hầu hết các ý kiến cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật Báo chí theo hướng cho các tờ báo như một chủ thể kinh tế, làm những gì mà pháp luật không cấm. Qua đó, các tờ báo sẽ chủ động hơn trong việc kinh doanh, nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên, có nguồn thu để tự đầu tư và nộp ngân sách Nhà nước... Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu sớm có chính sách giảm thuế doanh nghiệp cho hoạt động báo chí, phải xem cơ quan báo chí là doanh nghiệp đặc thù, hoạt động phục vụ các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước, chứ không thể “đánh đồng” đây là doanh nghiệp kinh doanh hay đơn vị sự nghiệp có thu để áp mức thuế cao. Một số ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay, để các tờ báo không nâng giá bán báo cũng cần có chính sách miễn giảm thuế xuất nhập đối với những mặt hàng như giấy, nguyên vật liệu của ngành báo. Bởi với như hiện nay, hầu hết các tờ báo ra hàng ngày đều lỗ nặng nếu tính trên giá bán báo so với giá in ấn và chi phí sản xuất...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang biểu dương những kết quả tích cực của công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và các hoạt động báo chí đạt được trong năm 2010 vừa qua. Bên cạnh những ưu điểm, cần phải nghiêm túc thấy rằng công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và hoạt động báo chí năm qua vẫn còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm, trên một số mặt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước, mong muốn của nhân dân. Những thiếu sót, khuyết điểm này cần thảo luận kỹ, đánh giá đầy đủ để quyết tâm khắc phục trong thời gian tới.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011, đồng chí Trương Tấn Sang chỉ đạo, hoạt động báo chí cả nước cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vào cuộc sống; tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; tuyên truyền có hiệu quả các biện pháp quan trọng trong Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; tuyên truyền các sự kiện quan trọng trong năm 2011, trước mắt là kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, gắn việc tuyên truyền sự kiện này với kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Bác và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời, cần nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của những người làm báo, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí trước Đảng, trước đất nước.
Đồng chí Trương Tấn Sang cũng yêu cầu báo chí cần tiếp tục tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; chống lại tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong cuộc đấu tranh này, cần xác định và thực hiện đúng phương châm “chống để xây,” phê phán, lên án các hiện tượng tiêu cực để giữ vững ổn định xã hội, tăng thêm sự thống nhất, đồng thuận, niềm tin, không để các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Báo chí cần tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, vu cáo, xuyên tạc.
Trần Lưu