Báo chí là chiếc gương phản chiếu hiện trạng đời sống xã hội mà sinh hoạt âm nhạc là một phần trong đó. Hình ảnh phản chiếu này thoạt nhìn khá đa dạng, lúc rộng mở khẩu độ ra toàn cảnh, lúc zoom cận lại một tiêu điểm nào đó, lúc đầy đủ và rõ nét, lúc khiếm khuyết và nhạt nhòa…
Muốn có một cái nhìn bao quát về đời sống âm nhạc, kết quả nhanh nhất là cứ lượn quanh một vòng báo điện tử. Thời gian cứ như miếng da lừa ngày càng co hẹp lại trong cái thời đại @ hóa toàn cầu, khiến nhiều người như tôi buộc phải chọn giải pháp thường xuyên làm những cuộc dạo nhanh trên các xa lộ ảo. Ấn tượng về những cuộc “lướt net” hẳn phải muôn màu muôn vẻ như đời sống âm nhạc nhưng thực lòng tôi không cảm nhận được điều đó. Không lẽ sinh hoạt âm nhạc của ta chưa có được sự phong phú đa chiều cần có?
Bạn thử ngó vào mục âm nhạc hoặc giải trí của các báo online mà xem, đọc tin báo này rồi liếc sang nhiều báo khác lại bắt gặp vẫn câu chuyện ấy, kiểu bình luận ấy. Nghèo nàn bởi sự đơn điệu, một chiều; hời hợt bởi các chiêu câu khách. Ôi cái thời buổi báo chí buộc phải mở các mục lá cải nuôi các tiểu mục nghiêm túc khác, những “câu chuyện làm quà” cứ nở như ngô bung và thủ thuật để câu khách, bán chạy ngày càng lấn sân, chẳng còn mấy chỗ dành cho nghệ thuật âm nhạc đích thực nữa.
Tôi băn khoăn không biết bao nhiêu phần trăm người đọc thích kiểu giật tít thế này: ca sĩ A gặp sự cố trang phục “xuyên thấu”, ca sĩ B vác bụng bầu lên sân khấu, ca sĩ C cặp kè trai lạ… Đây nữa: rò rỉ ảnh nhạy cảm của ca sĩ X, hoảng hốt với thời trang của diva Y, hớ hênh lộ quần chíp của ngọc nữ Z… Không tin bạn cứ vào nhà giáo sư Biết - Tuốt Google chọn vài cụm từ trên mà gõ là ra tên tuổi nhân vật A hay Z với cả lô xích xông những bài vừa mới đây thôi còn nằm chình ình trên mặt báo.
Thử trắc nghiệm chọn một trong hai câu sau: Báo chí phản ánh một cách đầy đủ thực trạng đời sống âm nhạc; báo chí chủ yếu chỉ khai thác thông tin bề nổi của đời sống âm nhạc. Bạn sẽ đánh dấu vào câu nào? Còn tôi không đủ lòng tin vào báo chí để chọn câu số 1 mặc dù hết sức kính trọng các nhà báo - những người tôi luôn coi là thầy mình trong lĩnh vực báo chí, những người tôi có vinh dự được xem là đồng nghiệp của mình. Và một khi tự khai đang hành nghề báo thì khi đưa ra những lời “ca thán” về sự phiến diện và hời hợt của báo chí cũng có nghĩa là tôi đang tự phê tôi đó.
Nếu cần viết bản tự kiểm điểm trên danh nghĩa người làm báo, có lẽ tôi buộc phải tự thú rằng dân làm báo chúng tôi chú trọng vai trò đưa tin hơn là giáo dục thẩm mỹ, nhắm tới tiêu chí ăn khách hơn là những vấn đề học thuật. Vì thế, chớ có ngạc nhiên khi thấy đời sống âm nhạc qua lăng kính báo chí dường như chỉ còn là một nền ca nhạc đại chúng, còn những thứ khó phổ cập như khí nhạc chuyên nghiệp thì viết đã nhọc mà rồi cũng chẳng mấy ai đọc. Ôi dào, đó là phận sự của các bác phê bình âm nhạc chuyên nghiệp quẩn quanh trong giới hạn những tờ “báo biếu” chỉ dành cho dân chuyên ngành mà thôi!
NGUYỄN THỊ MINH CHÂU