Giải trình xuất phát từ việc một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc xuất bản, phát hành SGK chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện như hiện nay tạo nghi ngại về sự độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình, từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng SGK.
Mặt khác, để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK do bộ chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK. Khi biên soạn SGK mới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản tham gia làm SGK và các sở GD-ĐT hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, bảo quản đảm bảo SGK được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.
Về lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền khi có nhiều SGK, Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở, dựa theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh; quy định cụ thể trách nhiệm của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.