Giáo viên (GV) giỏi bỏ trường công sang trường tư, trường quốc tế đã làm tình trạng thiếu GV của TPHCM ngày càng trầm trọng hơn. Trong khi đó, học sinh (HS) giỏi không mặn mà với nghề giáo. Chất lượng đào tạo mũi nhọn của TP sẽ đi về đâu?
Chới với khi nhận đơn nghỉ việc
“Biết chắc là khi cho GV đi học nâng chuẩn sẽ dễ mất người. Nhưng trường vẫn phải tạo điều kiện cho GV học” - ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, ngẩn ngơ nói vậy.
Thống kê gần đây, Trường Trần Đại Nghĩa có gần 10 GV nghỉ việc, trong đó, riêng tổ Anh ngữ phải thay đổi liên tục 4 đời tổ trưởng. Những người ra đi đều là GV giỏi khiến trường chới với mỗi khi nhận đơn xin nghỉ việc.
“Tôi so sánh khó khăn, thuận lợi của môi trường cũ - mới cho người muốn đi. Nếu cạn lời vẫn không lay chuyển được ý định của GV thì giải quyết cho đi thôi. Giữ người phải giữ được cả hồn lẫn xác. Coi đó như là cơ may cho lớp dưới bứt phá chứng tỏ năng lực của mình” - ông Dụng cho biết thêm.
Chung tình cảnh là Trường Phổ thông Năng khiếu khi có 6 GV đang học thạc sĩ (được trường hỗ trợ 50% học phí) và 1 GV học tiến sĩ ở Mỹ. Lãnh đạo trường này cũng không chắc liệu học xong họ có trở lại trường hay xin đi nơi khác?
Trong bối cảnh TP nguồn GV cung không đủ cầu, trường tư, trường quốc tế mở ra đang thu hút một lượng GV TP vào làm việc, khiến tình trạng đã thiếu càng thiếu hơn.
Năm học 2008-2009, Trường Trưng Vương xin Sở GD-ĐT 3 giáo viên Anh văn nhưng không được GV nào. Đã vậy, đùng một cái, 2 GV bộ môn này của trường làm đơn xin nghỉ việc để qua trường quốc tế và trường ĐH tư thục.
Thiếu GV trở nên trầm trọng, trường phải cấp tốc hợp đồng 4 GV từ nơi khác. GV Anh văn của trường căng mình với thời khóa biểu hết sáng đến chiều, có người dạy đến 30 tiết/tuần, không dám nhận dạy kèm tư gia và trong nhà lúc nào cũng phải có chanh muối trị bệnh... khan tiếng.
Thu học phí để tăng lương... 2.000 đồng/tiết
Thầy P., giáo viên của một trường THPT lớn đã ra đi sau khi kết thúc khóa học thạc sĩ tại Anh với lý do rất thực tế: “Đi để thử thách và phát triển khả năng của mình. Đi để tránh áp lực thành tích ở bậc phổ thông, vì năm nào không có HS giỏi cấp thành, cấp quốc gia là bị ban giám hiệu mời lên làm việc. Và một lý do nữa là thu nhập ở chỗ mới gấp 10 lần trường cũ”.
Trường Đinh Thiện Lý, quận 7, mới mở năm học này có mức lương trung bình 500 USD/tháng, đã thu hút một lượng GV từ các trường lớn về “đầu quân”.
PGS-TS Võ Thị Bạch Mai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, trăn trở: Trường có 1/3 GV cơ hữu. GV thỉnh giảng chủ yếu của ĐH KHXH-NV, ĐH Khoa học tự nhiên, giảng dạy ở PTNK được ưu tiên xét thi đua. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn, thù lao tiết dạy thấp rất khó mời GV giỏi. Chúng tôi đang kiến nghị ĐH Quốc gia tính toán để tăng tiền dạy cho GV lớp không chuyên (hiện hưởng 32.000 đồng/tiết).
Hơn 10 năm thành lập, Trường Phổ thông Năng khiếu duy trì chính sách miễn học phí và cấp học bổng cho HS. Thế nhưng, trong cơn bão giá vừa qua, trường phải làm một chuyện chẳng đặng đừng, tức là thu học phí của HS 45.000 đồng/tháng từ năm học này. Số HS ít nên mỗi tiết dạy cũng chỉ tăng được… 2.000 đồng.
Năm học 2007-2008, TPHCM có 1.286 GV bỏ và thôi việc. Trong đó, mầm non có 212 GV, tiểu học: 339, THCS: 290, THPT: 75… Các quận có số GV thôi, bỏ việc nhiều nhất là Tân Bình: 109, quận 1: 105, quận 10: 86, Bình Chánh: 82, Tân Phú: 75… |
Trường học không kinh doanh nên phúc lợi của trường cho người thầy không đáng kể, hầu hết GV không thể sống đủ bằng lương nên phải tự bươn chải. Nhiều GV có năng lực đã rời bỏ trường công, đầu quân vào các trường tư giúp họ tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Không chỉ thế, ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, còn lo ngại: Bây giờ HS giỏi không mặn mà vào trường sư phạm. Tại Trường Lê Hồng Phong chỉ có một cựu HS vào ngành giáo rồi trở về trường giảng dạy.
Các trường THPT Trưng Vương, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Hùng Vương… mỗi năm cũng chỉ có vài bộ hồ sơ đăng ký vào ĐH Sư phạm. Theo thống kê, số giáo sinh tốt nghiệp của ĐH Sư phạm và ĐH Sài Gòn hàng năm chỉ hơn 1.000 người, bằng 1/4 nhu cầu tuyển dụng của TP.
HS giỏi TPHCM không mặn mà với ngành sư phạm, giáo viên giỏi nhảy sang trường tư, trường ĐH, khiến những người tâm huyết với đào tạo bậc phổ thông của TP lo lắng. Trường học không thể có cơ chế “phạt tiền” khi bỏ việc như những ngành khác, chỉ có ràng buộc về mặt tình cảm.
Nhưng, trong thời buổi hiện nay, tình cảm suông chưa đủ và không thể giúp những người thầy và gia đình của họ có cuộc sống tốt hơn.
Hồng Liên