Báo động tai nạn lao động trong xây dựng

Tính mạng treo lơ lửng
Báo động tai nạn lao động trong xây dựng

Mặc dù tai nạn lao động (TNLĐ) trong ngành xây dựng liên tục được cảnh báo nhưng mỗi năm vẫn có trên 600 người chết, chưa kể con số hàng ngàn người bị thương, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong khi đó, ý thức về an toàn lao động của chủ thầu và người lao động vẫn còn quá kém.

Một công nhân “làm xiếc” ở công trình xây dựng số 187 Nguyễn Thị Thập, quận 7.

Một công nhân “làm xiếc” ở công trình xây dựng số 187 Nguyễn Thị Thập, quận 7.

Tính mạng treo lơ lửng

Có mặt tại công trình xây dựng trụ sở Bảo hiểm xã hội quận 6 (152 Phạm Văn Chí, quận 6), chúng tôi chứng kiến nhiều công nhân thi công trên cao, đi lại chông chênh trên giàn giáo nhưng không một thiết bị an toàn hay dụng cụ bảo hộ lao động (BHLĐ). Các công nhân thi công dưới mặt đất cũng không mang đầy đủ dụng cụ BHLĐ khi làm việc, công trình không có lưới che chắn an toàn.

Tại một công trình xây dựng dân dụng khác cách đó không xa do Công ty TNHH Thiết kế xây dựng và đầu tư Phú An Điền thi công cũng không khá hơn. Mặc dù có lưới che chắn nhưng lưới đã te tua. Chúng tôi ghi nhận có trên 20 công nhân đang làm việc đều không được trang bị BHLĐ đầy đủ. Một công nhân lớn tuổi, lưng trần, đầu đội nón bảo hộ, không dây đeo an toàn đang chông chênh tô vữa ở cửa sổ tầng 2, bên cạnh tấm bảng ghi khẩu hiệu “An toàn là trên hết”!

Tương tự, tại công trình xây dựng trụ sở Chi cục Thuế quận 8 (số 1073, Phạm Thế Hiển), giàn giáo xiêu vẹo, lưới che chắn công trình chỗ có, chỗ không. Công nhân người quần cộc, người chân đất, đầu trần… làm việc. Đáng chú ý là một công nhân mặc quần cộc, tay không đeo găng, đang cặm cụi sửa dây điện trong khi phía trên đầu anh treo đến 2 tấm biển: “Sản xuất phải an toàn” và “An toàn là trên hết”.

Tại công trình nhà ở dân dụng (số 187 Nguyễn Thị Thập, quận 7) một công nhân đang đánh cược tính mạng của mình ở tầng 3 khi “làm xiếc” trên tấm ván mỏng làm cầu để đi lại. Anh công nhân không mặc áo, chân đất, đầu trần trong khi một tay xịt sơn, còn một tay bám vào cửa sổ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết công nhân làm việc tại các công trường xây dựng đều hưởng lương theo công nhật, không được chủ sử dụng lao động trang bị dụng cụ BHLĐ khi làm việc, không được tập huấn về an toàn lao động. “Chúng tôi được cai thầu trả tiền công từ 120.000 - 170.000  đồng/ngày, bộ quần áo làm việc còn không có chứ nói gì đến chế độ bảo hiểm tai nạn hay bảo hiểm xã hội”, một công nhân nói.

Chết vì... điện

Trong tháng 10 vừa qua, hàng loạt vụ TNLĐ chết người do điện giật xảy ra trên địa bàn TPHCM. Theo thống kê của chúng tôi, có ít nhất 6 vụ TNLĐ do điện giật.

Cụ thể, ngày 3-10, trong lúc khoan bê tông phá bỏ cầu thang cũ tại công trình sửa chữa nhà dân trên đường Điện Biên Phủ (phường 7, quận 3), một công nhân tên Sơn (sinh năm 1993) bị điện giật chết. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người lao động không kiểm tra an toàn máy trước khi sử dụng (máy bị rò điện mà không biết). Sơn cũng không được trang bị BHLĐ đầy đủ khi làm việc trong điều kiện nguy hiểm.

Ngày 4-10, trong lúc cắt gạch ốp tường tại tầng 9 công trình xây dựng ký túc xá (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7), anh Nguyễn Thành Nhân (sinh năm 1979) bị điện giật. Mặc dù được các công nhân phát hiện sơ cứu và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Pháp nhưng anh Nhân đã chết trước khi nhập viện. Theo những công nhân chứng kiến, trong lúc cắt gạch, ống nước cấp cho máy bị lủng làm nước phun ra ngoài trúng vào phần dưới của công tắc điện gây nhiễm điện.

Tiếp đó, ngày 11-10, tại công trình xây dựng chung cư Phú Đạt (đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh), trong lúc sử dụng máy hàn, anh Nguyễn Văn Sến (sinh năm 1991) bị điện giật chết.

Tiếp đó, vào ngày 13-10, tại công trình xây dựng khu tái định cư Trương Đình Hội 2 (quận 8), anh Trương Ngọc Dương (sinh năm 1988) cũng đã bị điện giật chết. Qua kiểm tra, máy hàn được đặt nơi ẩm ướt, không nối đất, nạn nhân không có BHLĐ.

Ngày 22-10, tại công trình xây dựng nhà dân trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), trong lúc đổ bê tông, anh Nguyễn Xuân Lĩnh (sinh năm 1988) bị điện giật bất tỉnh… 

Khoán trắng cho cai thầu

Theo phân tích, nguyên nhân chính xảy ra TNLĐ là do thiết bị không đảm bảo an toàn; người lao động và người sử dụng lao động vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không có phương tiện BHLĐ. Tuy nhiên, lỗi phần nhiều là do bên sử dụng lao động chưa nghiêm túc thực hiện những quy định về an toàn lao động.

Cụ thể, tại các công trình xây dựng nhỏ, chủ công trình không có kiến thức về BHLĐ hoặc cố tình không thực hiện các biện pháp an toàn lao động. Còn tại các công trình lớn, TNLĐ xảy ra chủ yếu do việc khoán trắng các gói thầu cho cai thầu, mà cai thầu thường cắt giảm tối đa chi phí BHLĐ.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, nguyên nhân sâu xa của các vụ TNLĐ là sự tắc trách trong khâu tự kiểm tra điều kiện lao động của DN. Cụ thể, qua thanh tra, có tới 80% doanh nghiệp xảy ra TNLĐ không kiểm tra điều kiện lao động của đơn vị. Nhiều vụ tai nạn chết người đều xuất phát từ những nguyên nhân đơn giản như sửa điện không cắt nguồn, làm việc trên cao không đội mũ, thắt dây bảo hiểm...

Trong khi đó, lực lượng cán bộ thanh tra mỏng. Bản thân những người lao động làm việc tại các công trình xây dựng chưa biết đòi hỏi quyền được bảo vệ an toàn khi làm việc, thậm chí chính họ cũng đang xem nhẹ việc giữ an toàn lao động cho chính mình. Ngoài ra, mức xử phạt hành chính hiện nay còn quá nhẹ, cao nhất mới chỉ 30 triệu đồng/vụ.

Hồ Thu – Khiết Nhung

Tin cùng chuyên mục