Có thể thấy, các địa phương được sáp nhập dựa trên yếu tố gần gũi về địa lý, văn hóa tạo ra được sự kết nối, gia tăng thế mạnh nội vùng. Riêng trong lĩnh vực thể thao, do đặc thù của mình, việc sáp nhập có thể dẫn đến những “phép cộng” ở một số tỉnh thành, nhưng vài nơi khác lại không như vậy. Đơn cử như các tỉnh miền núi phía Bắc, thành tích thể thao và cơ sở vật chất sau sáp nhập khó có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể, đột biến nào về vị thế trong nền thể thao quốc gia, nhất là thể thao thành tích cao. Hoặc với bóng đá đồng bằng sông Cửu Long, nơi không có đội V-League và chỉ có 2 đội hạng nhất, dù có sáp nhập cũng không lấy gì bảo đảm sẽ hình thành nên các CLB mạnh để dự V-League trong tương lai gần.
Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam giai đoạn 2030-2045 được phê duyệt trước thời điểm sắp xếp tỉnh thành, cũng nên đặt vấn đề là ngành thể thao có cần thực hiện thêm một bước: nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch theo sự thay đổi về địa giới. Với số lượng tỉnh thành giảm nhiều, cùng sự thay đổi lớn về điều kiện kinh tế - xã hội và quy mô dân số, nên chăng đã đến lúc ngành thể thao dựa trên những điều kiện tại chỗ để “giao nhiệm vụ” trực tiếp cho từng địa phương đảm nhiệm phát triển những môn thế mạnh cụ thể, thay vì nơi nào cũng đầu tư dàn trải cho tất cả các môn. Khi đó, sẽ có những tỉnh chuyên phát triển các môn thể thao có yếu tố cổ truyền như bắn cung, đá cầu, đua thuyền, thể thao địa hình… Có những khu vực chỉ chuyên đầu tư thể thao biển, trong khi những nơi đang có các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng sẽ tập trung cho hoạt động thi đấu chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ và huấn luyện chuyên sâu.
Nói cách khác, nên tập trung nâng tầm cho thể thao địa phương. Lấy trường hợp của tỉnh Khánh Hòa, sau khi sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận, đang sở hữu thế mạnh về đường bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp, thời tiết thuận lợi, rất phù hợp để phát triển thể thao biển kết hợp với trải nghiệm du lịch ở quy mô thế giới. Lợi thế là vậy nhưng nếu địa phương không quy hoạch tốt, vẫn tiếp tục đầu tư dàn trải nhiều môn thể thao, sẽ chẳng có gì khác trước.
Thể thao Việt Nam đang chuyển hướng sang chiến lược đầu tư trọng điểm, trong đó ưu tiên đầu tư cho các môn thi đấu thuộc hệ thống ASIAD và Olympic. Điều này có nghĩa thể thao sẽ hướng vào chiều sâu hơn là bề rộng. Cùng với việc sáp nhập tỉnh thành, sẽ có những thay đổi lớn về cơ cấu đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho ngành thể thao. Sẽ có một số địa phương gần như không đủ năng lực tranh chấp huy chương ở các giải vô địch quốc gia, ngược lại, sẽ có những tỉnh phải nhận nhiệm vụ vươn tầm trở thành trung tâm thể thao của khu vực, châu lục, như TPHCM sau sáp nhập. Thực tế này đòi hỏi ngành thể thao phải chủ động quy hoạch, định hướng và hỗ trợ cho các địa phương xây dựng nội lực để phù hợp với sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước.