Báo động về ngành giáo dục Mỹ

Trong hàng thập kỷ nay, Mỹ luôn giữ vị trí quán quân với những cái tên đứng đầu bảng trong các thước đo về giáo dục. Nhưng trái với sự ngưỡng mộ của các nước dành cho mô hình giáo dục của nước này, nhiều người Mỹ đang lo sợ nếu không thay đổi, giáo dục Mỹ sẽ trở nên tụt hậu.

Trong hàng thập kỷ nay, Mỹ luôn giữ vị trí quán quân với những cái tên đứng đầu bảng trong các thước đo về giáo dục. Nhưng trái với sự ngưỡng mộ của các nước dành cho mô hình giáo dục của nước này, nhiều người Mỹ đang lo sợ nếu không thay đổi, giáo dục Mỹ sẽ trở nên tụt hậu.

Một công trình nghiên cứu do các chuyên gia xã hội học và giáo dục thuộc Đại học New York và Đại học Virginia (Mỹ) tiến hành từ năm 2005 trên 3.000 sinh viên tại 24 trường đại học cho thấy, hơn 1/3 số sinh viên tại Mỹ không phát triển được các kỹ năng quan trọng như tư duy, lập luận và viết tiểu luận trong suốt 4 năm trên giảng đường đại học. Kết luận này gây sốc cho ngành giáo dục nước Mỹ.

Nghiên cứu cho biết trong hai năm đầu đại học, trình độ học vấn của các sinh viên dường như giậm chân tại chỗ khi có tới 45% số sinh viên không có sự tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, sau khi kết thúc 4 năm đại học, 36% số sinh viên tham gia khảo sát không phát triển được kỹ năng tư duy, lập luận và viết tiểu luận. Trong một học kỳ, 32% số sinh viên tham gia khảo sát cho biết các em không phải học các môn nào đòi hỏi phải đọc tối thiểu 40 trang sách trong một tuần. Tỷ lệ này ở những sinh viên không tham gia các khóa học đơn lẻ đòi hỏi phải viết các tiểu luận dài tối thiểu 20 trang/tuần là 50%.

Hiện nay, sinh viên Mỹ chỉ dành trung bình từ 12 - 14 giờ/tuần cho việc học, giảm một nửa so với sinh viên hệ chính quy những thập kỷ trước. Tác giả của công trình nghiên cứu nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chương trình học tại các trường đại học được giảm tải quá nhiều, khiến sinh viên coi nhẹ việc học dẫn đến thái độ chểnh mảng, lơ là học tập của sinh viên.

Mọi chuyện càng thêm rối bời khi nhiều chuyên gia giáo dục đại học nản lòng cho rằng rất có thể nền giáo dục Mỹ sẽ tụt lại phía sau nhiều quốc gia châu Âu và châu Á. Nguyên nhân vì nước này không thể mạnh tay chi cho hoạt động nghiên cứu và giáo dục đại học như trước sau đợt khủng hoảng kinh tế tồi tệ từ năm 2008. Thậm chí từ rất lâu trước khi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay diễn ra, hệ thống giáo dục đại học công lập ở nước này đã chỉ là mối quan tâm thứ yếu của chính phủ. Được xếp sau cùng trong danh sách nhận ngân sách nhưng giáo dục đại học công lại luôn là cái tên đầu tiên được xướng lên mỗi khi chính phủ cần thắt chặt chi tiêu. Nguồn ngân sách giáo dục của Mỹ đã bị thu hẹp, không ai dám chắc Mỹ có thể bảo toàn vị trí quán quân trong các thước đo giáo dục nếu hiện trạng giáo dục tại nước này không được cải thiện.

Khó khăn càng nhân lên khi trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan được đẩy về các bang. Với một hệ thống 4.400 cơ sở đào tạo đại học cả công lẫn tư rải khắp 50 bang, việc tìm ra một giải pháp toàn diện sẽ không đơn giản. Kent Hughes, Giám đốc Chương trình về Mỹ và nền kinh tế toàn cầu của Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson nói: “Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể là người đi đầu. Nhưng có nhiều lúc, chúng ta sẽ phải học cách trở thành kẻ nhanh chân nếu không muốn trở nên tụt hậu”.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục