

Trạm xăng dầu Hoàng Nguyên bị người tiêu dùng khiếu nại. Ảnh: C.Q.
Gần đây, rất nhiều trường hợp người đi đường sau khi đổ xăng vào xe máy lại phải hì hục… dắt bộ vì xe không chạy được. Nhiều người lầm tưởng do lỗi máy móc của xe mà không biết rằng, một số trường hợp nguyên nhân xe không chạy được là do chất lượng xăng không đảm bảo.
Đổ xăng vào rồi... dắt bộ
Trong một lần đi công tác ở Kon Tum, anh Hồ Tiến Thức, ngụ tại Q. Gò Vấp, TPHCM ghé vào cây xăng số 53 Phan Đình Phùng – Thị xã Kon Tum đổ xăng rồi về khách sạn cách đó vài căn nhà để nghỉ. Sáng hôm sau, khi dắt xe ra để đi làm, anh Thức ngạc nhiên khi chiếc xe mới cáu của mình đề, đạp gì cũng không chịu nổ.
Anh Thức dắt “chú ngựa sắt” vào tiệm xe nhờ sửa chữa. Sau khi xem xét, ông chủ tiệm sửa xe và nhân viên cho biết trong bình xăng xe của anh Thức có chứa hỗn hợp xăng pha dầu lửa nên xe không chạy được. Theo kết luận của ông chủ tiệm sửa xe thì chiếc xe Suzuki mới 100% này đã bị hư hỏng toàn bộ phần đầu của máy và tất cả ron cao su trong máy xe.
Trường hợp liên quan đến xăng cũng khá hy hữu khác mà người “nhấp chén đắng” lần này là anh M.P.Khánh, hiện công tác tại Q1, TPHCM. Theo anh Khánh, ngày 24-10, anh ghé vào cây xăng Hoàng Nguyên 3, số 276 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh để đổ xăng. Sau khi chạy được một đoạn đường ngắn thì bỗng chiếc xe “trở chứng” cà giật, máy nổ bợp bợp, cố lê thêm vài vòng lăn bánh nữa thì… xe đứng luôn. Sau khi kiểm tra xe, anh Khánh phát hiện bugi bị đóng chấu, ra muội đen rất nhiều…
Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Chiếc xe hư do sử dụng xăng dỏm của Hoàng Nguyên. Ảnh: A.T.
Không nói ra, hẳn ai cũng biết thiệt hại chắc chắn thuộc về những người tiêu dùng đã đổ trúng loại xăng kém chất lượng trên. Theo khảo sát của CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP, tại nhiều tiệm sửa xe thuộc khu vực các quận Thủ Đức, Bình Thạnh… các chủ tiệm xe cho biết không lạ gì với những loại “bệnh” này bởi hàng ngày có cả chục xe chết máy nằm chờ xếp hàng.
Chưa hết nạn “đinh tặc”, tỷ lệ người đi đường phải xuống xe… dắt bộ vì chất lượng xăng dỏm làm xe không chạy ngày càng gia tăng.
Từ những phản ánh của người tiêu dùng về việc nhiều xe gắn máy bị hỏng pôngtu van điều tiết lượng xăng xuống bình xăng con, nghi ngờ xăng có pha tạp chất dầu hỏa. Cách đây một năm, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn thành phố. Tuy nhiên đến nay, như đến hẹn lại lên, nhiều cây xăng vì hám lợi mà quên đi chất lượng. Người tiêu dùng lại nhiều phen khốn đốn.
Đã đến hồi “báo động”
Trở lại với “câu chuyện xăng dầu” của anh Hồ Tiến Thức, sau khi phát hiện xe mình bị hư hỏng, anh đề nghị chủ cây xăng bồi thường chi phí sửa chữa. Bà Nguyễn Thị Thanh - chủ cây xăng 53 Phan Đình Phùng (Kon Tum) đã tự tay viết giấy xác nhận vụ việc và đồng ý hoàn trả chi phí sửa chữa xe cho người bị hại.
Tuy nhiên, đến nay, anh Thức vẫn chưa nhận được số tiền trên và phải đem đơn thư gõ cửa nhiều cơ quan chức năng. Theo anh M.P.Khánh thì sau khi nghi ngờ đổ nhầm xăng dỏm, anh quay lại cây xăng Hoàng Nguyên 3 và cùng đại diện CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mang xăng tại đây đi giám định.
Theo kết quả thử nghiệm, mẫu xăng trên không phù hợp với TCVN 6776:2005, mẫu xăng kiểm nghiệm có nhiệt độ sôi cuối vượt quá chỉ tiêu, biểu hiện khả năng xăng này có pha dầu hỏa. Đây là 2 trong số ít trường hợp người tiêu dùng đã chịu khó truy tìm nguyên nhân.
Con số những người “ngậm bồ hòn” khi gặp phải loại xăng chất lượng kém và kể cả những trường hợp người dân không biết về tai hại của xăng chất lượng kém cũng còn rất nhiều. Phải chăng đã đến lúc chúng ta gióng lên hồi chuông “báo động” lại về thực trạng xăng dỏm và đạo đức của những người kinh doanh ngành xăng dầu. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần nhìn lại công tác giám sát thị trường trong lĩnh vực vốn còn nhiều “nhạy cảm” này.
Công Quang
Phải tăng xử phạt! Theo một cán bộ chuyên trách của Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ), mức phạt dành cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm hiện nay tối đa 20 triệu đồng là quá thấp, mức phạt này không đủ sức răn đe các đơn vị kinh doanh hám lợi vì nếu vi phạm trót lọt, lợi nhuận là rất lớn. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tăng hình thức xử phạt thật nặng những trường hợp sai phạm để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chấm dứt hành vi gian lận thương mại này. Anh Trần Quốc Long - Chuyên viên phòng Kỹ thuật Hàng hóa Công ty Xăng dầu Khu vực II cũng bức xúc cho biết: “nếu người dân phát hiện ra những cây xăng, đại lý nào trong hệ thống phân phối của Petrolimex vi phạm tiêu chuẩn trong kinh doanh báo với chúng tôi thì Petrolimex sẽ có biện pháp xử lý ngay!”. |