Nhiều tuyến đường bị ùn ứ nghiêm trọng, kéo dài hàng giờ, vào bất kể giờ nào trong ngày, đó là thực trạng giao thông của thủ đô Hà Nội trong dịp cận tết âm lịch. Trong đó, những điểm nóng là tuyến phố Cầu Giấy, Thái Hà - Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Nguyễn Trãi, đường Vành đai 3, Phạm Hùng…
Ở nhiều tuyến phố Hà Nội những ngày này, hình ảnh thường thấy là những dòng phương tiện lẫn lộn, bất chấp luồng tuyến và nhích từng centimet. Có những thời điểm, nhiều phương tiện kể cả ô tô trèo lên vỉa hè, đi ngược chiều, quay đầu không đúng nơi quy định trong sự bất lực của lực lượng cảnh sát giao thông. Tình trạng giao thông ùn tắc còn lan đến cả những tuyến phố trung tâm như phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Điện Biên Phủ… Hầu hết những người tham gia giao thông rất bức xúc khi việc di chuyển trong nội đô đang trở nên cực kỳ khó khăn, các phương tiện phải mất nhiều giờ chỉ để di chuyển những đoạn đường ngắn. Mặc dù trước đó, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã quyết định bổ sung thêm 200 chiến sĩ cảnh sát cơ động, bố trí đứng tại hơn 80 chốt giao thông quan trọng để phối hợp cùng với cảnh sát giao thông phân luồng, điều tiết giao thông, giải tỏa ùn tắc. Bên cạnh đó, công an các quận, phường, cũng kết hợp cùng các lực lượng tổ chức tuần tra liên tục trên gần 30 tuyến đường trọng điểm, thế nhưng ùn tắc vẫn diễn ra.
Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, nguyên nhân ùn tắc là do cuối năm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, các tuyến phố đều trở nên quá tải, kể cả trong thời tiết thuận lợi và không trong khung giờ cao điểm. Đặc biệt, các công trường đang thi công cũng vẫn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ùn ứ, nhiều tuyến đường bị rào chắn, chỉ còn 1/2 diện tích dành cho lưu thông như đường Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Láng… Đặc biệt, nhiều công trình giao thông lớn vừa khánh thành được kỳ vọng là giúp Hà Nội giảm đáng kể ùn ứ trong nội đô như hầm chui nút giao Thanh Xuân, nút giao Trung Hòa, đường Vành đai 2 trên cao đoạn Cầu Giấy- Nhật Tân, nút giao trung tâm quận Long Biên… cũng không phát huy tác dụng khi những công trình này chỉ giúp thông thoáng được một đoạn rất ngắn rồi lại ùn ứ trầm trọng hơn ở những khu vực lân cận.
Ùn tắc giao thông trên phố Giảng Võ - Hà Nội
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, với mức gia tăng bình quân mỗi tháng gần 20.000 xe máy và gần 10.000 ô tô tại thủ đô, việc tăng cường thêm lực lượng để chống ùn tắc giao thông vẫn chưa phải là giải pháp tối ưu. Bên cạnh đó, việc thông xe một số công trình giao thông nhưng chưa đồng bộ dẫn đến chưa thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, tình trạng ùn tắc tại Hà Nội chỉ có thể được kiểm soát thực sự khi các công trình đang thi công dở dang được hoàn thành và đưa vào khai thác. Trước mắt, các dự án quan trọng như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng… sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2016.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong những năm tới, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị, cơ bản hoàn thành các tuyến đường vành đai; cải tạo, nâng cấp các trục đường hướng tâm; tiếp tục xây dựng, hiện đại hóa hệ thống quản lý, điều hành giao thông công cộng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông ở ngoại thành để chuyển dần các cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu và các bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành.
Ông Viện cũng cho biết, sắp tới Sở GTVT Hà Nội sẽ đề xuất với UBND thành phố danh mục và thứ tự ưu tiên thực hiện hàng loạt các công trình giao thông mới, trong đó nhiều công trình nhằm mục tiêu giảm ùn tắc. Về vấn đề các khu đô thị, các tòa nhà chung cư lớn vẫn đang tiếp tục mọc lên trong nội đô liệu có phá vỡ các kế hoạch giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết đây cũng là vấn đề đáng lo ngại, cần có câu trả lời của Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan.
BÍCH QUYÊN