Bao giờ người dân hết lo chuyện vaccine?

Theo thừa nhận của ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sau vụ tai biến do tiêm ngừa vaccine Priorix ở quận 5, số người tự nguyện đi tiêm phòng trên địa bàn TP đã sụt giảm 50% cho dù ngành chức năng ra sức khuyến cáo “nếu không được tiêm chủng, nguy cơ tử vong do bệnh tật còn cao hơn”. Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân lại “thà chết” chứ không chịu đi tiêm
Bao giờ người dân hết lo chuyện vaccine?

Theo thừa nhận của ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sau vụ tai biến do tiêm ngừa vaccine Priorix ở quận 5, số người tự nguyện đi tiêm phòng trên địa bàn TP đã sụt giảm 50% cho dù ngành chức năng ra sức khuyến cáo “nếu không được tiêm chủng, nguy cơ tử vong do bệnh tật còn cao hơn”. Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân lại “thà chết” chứ không chịu đi tiêm?

Bao giờ người dân hết lo chuyện vaccine? ảnh 1

Tiêm chủng đủ liều phòng bệnh cho trẻ.

Trước nhất, có thể nói vấn đề tiêm chủng cho trẻ em là một vấn đề… không ai hiểu vì không rõ thông tin.

Chương trình tiêm chủng quốc gia (10 loại vaccine) được quảng bá là chích miễn phí 100%, song trên thực tế nhiều cơ sở y tế đã hỏi thẳng cha mẹ các bé hãy chọn loại vaccine để chích: Nếu “đồ nội” thì “free” như quy định chung, còn “đồ ngoại” thì phải thêm tiền.

Họ còn nói rõ rằng “ngoại” tất nhiên chất lượng hơn “nội” mà cụ thể là vết sẹo hằn trên bắp tay non nớt sẽ “nhỏ hơn”... Và ai nỡ không bỏ thêm vài chục ngàn tiền “phụ thu” để con mình có tương lai?

Chính cái cách “thị trường hóa” như vậy trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu đã gây “biến chứng” kiểu “khuyến mãi vaccine”: cứ bán càng nhiều càng tốt, chích càng nhiều càng… sướng cho các đại gia sản xuất, phân phối chính và hằng hà sa số các “nhà phân phối phụ” ăn theo – những nấc trung gian đẩy giá biệt dược lên chót vót. Chỉ khổ đứa trẻ không được ai hỏi liệu cơ địa con có chịu được sự hành hạ của con vi khuẩn có tên “vô cảm”?

Thứ hai, tuy sính “ngoại” song như người ta hay nói “rằng tin thì thực là tin” vẫn cứ phải kiểm tra, vẫn phải xác minh độ an toàn và chất lượng sản phẩm nhập. Nghĩa là “đầu vào” phải được kiểm định thật chặt chẽ trước khi cấp số đăng ký. Nhưng ở ta – phải nói thẳng – đây là khâu yếu nhất, cả về thiết bị, phương pháp phân tích cũng như tay nghề.

Đến như vụ rau Thanh Trì ở Hà Nội mà đủ hết các bộ, các ngành vào cuộc mà cũng không ra được lời giải có dư lượng thuốc trừ sâu hay không… thì nói gì đến thứ phức tạp gấp bội như vaccine và các biệt dược khác.

Điều này có thể thấy rõ qua các tuyên bố hết sức trái ngược nhau của các quan chức gác cửa “đầu vào” – Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế: Khi được hỏi về chất lượng của 2 loại vaccine do Công ty GlaxoSmithKline sản xuất sau khi có sự việc “vỏ này ruột kia” thì báo giới nhận được phúc đáp rằng chất lượng tốt vì chỉ là chuyện đánh số của nhà sản xuất.

Và một giáo sư, nguyên là viện trưởng viện này nói rõ hơn về vụ việc vaccine Priorix vừa qua: “Kết quả xét nghiệm ban đầu các mẫu Priorix cho thấy các chỉ tiêu về vô khuẩn và độ an toàn đều đạt. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về độc tố, một chỉ tiêu quan trọng thì năng lực xét nghiệm tại viện chưa thể thực hiện được”. Rõ ràng độc tố còn chưa tìm ra thì nói gì đến chuyện “an toàn tuyệt đối, cứ yên tâm dùng”? Và liệu tất cả các lô vaccine có được kiểm định trước khi đem đi chích?

Thứ ba, dù ông Lê Trường Giang, thay mặt hội đồng chuyên môn đánh giá sử dụng vaccine Priorix (do Bộ Y tế thành lập), phát biểu rằng “các nhóm nghiên cứu, kể cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhất trí đánh giá toàn bộ dây chuyền tiêm chủng đều an toàn, đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn”, song vẫn còn đó cảm giác: Liệu có sự quản lý lỏng lẻo, có sự thả nổi “dịch vụ” vaccine?

Xin thưa rằng chỉ nội chuyện các chuyên gia chuyên tiêm chích vaccine cũng không hiểu… ký hiệu của lọ vaccine nghĩa là gì đã chứng tỏ có chuyện này (tất cả mới “à ra thế” khi Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế gửi bản fax ngày 23-5-2006 cho biết đúng là Công ty GSK đăng ký như vậy từ nhiều năm qua).

Dù sao, việc tiêm chủng, nhất là chương trình tiêm chủng quốc gia phải được thực hiện triệt để đến từng hộ dân. Không vì chuyện một “con vi khuẩn” mà làm “rầu” cả một chương trình đúng nghĩa vì con em chúng ta. Vấn đề là ngành y tế phải cải tổ ra sao để người dân bớt lo?

BÍCH AN

WHO cảnh báo:
Không tiêm ngừa vaccine là rất nguy hiểm


Ngày 25-5, bà Adwoa-chuyên gia khảo sát, đánh giá kết quả sau tiêm ngừa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) làm việc với Sở Y tế TPHCM về những nội dung liên quan đến vụ biến chứng sau tiêm vaccine tại quận 5.

Bà Adwoa cho biết, điều lo lắng nhất hiện nay là tỷ lệ người dân đi tiêm ngừa giảm 50%. Điều này rất nguy hiểm, bởi sẽ có nguy cơ bùng phát bệnh trong thời gian tới. Bà Adwoa cho rằng mỗi loại vaccine được lưu hành trên thế giới có đến 3 phía tham gia trách nhiệm: quốc gia của đơn vị sản xuất vaccine, quốc gia sử dụng vaccine và WHO-tổ chức khuyến cáo sử dụng vaccine.

Sau khi phát hiện có vi khuẩn tụ cầu vàng trên cơ thể của 3 trẻ nhập viện và 2 nhân viên tiêm ngừa vaccine, chuyên gia của WHO khuyên Sở Y tế ngoài việc tập trung vào hướng điều tra này, vẫn phải đảm bảo các hướng điều tra khác như: ghi nhận dịch tễ, xét nghiệm chất lượng vaccine.

Ngoài ra, số nhân viên y tế chăm sóc cho các trẻ nhập viện tại BV Nhi đồng 1 có tụ cầu khuẩn vàng cần được giám sát chặt chẽ, tránh lây bệnh sang những trẻ khác.

NG.TR.

Tin cùng chuyên mục