Bao giờ nhà nông hết “đói” thông tin?

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dữ liệu sản xuất chính xác là điều doanh nghiệp (DN) và nhà nông rất mong muốn để an tâm sản xuất. Để không còn tình trạng “được mùa, mất giá”, không phải “giải cứu” nông sản, cơ quan quản lý cần thiết lập hệ thống thông tin dự báo chính xác; ưu đãi đầu tư các dự án phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dự án xây dựng nhà máy chế biến để hạn chế xuất khẩu thô.

Liên tục giải cứu

Nhiều tháng qua, cá tra - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, được bày bán khắp vỉa hè, các chợ truyền thống với giá rất rẻ. Tại sao? Đó là hậu quả của sản xuất ồ ạt, cung vượt nhiều lần cầu! Ngược về 15 năm trước, cá tra đã giúp cho người dân ĐBSCL “ăn nên, làm ra” thay đổi cuộc sống. Nhưng do sản xuất theo phong trào, dẫn đến sản lượng cá tra dư thừa, chất lượng kém, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tương tự, con tôm Việt Nam là mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng tại nhiều thị trường nước ngoài, nhưng vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phải cảnh báo, do nhiều nông dân thi nhau mở rộng vùng nuôi, cạnh tranh về giá, chất lượng kém; nếu tình trạng này tiếp diễn, số phận con tôm sẽ không khác cá tra.

Sản phẩm thịt heo giai đoạn 2015-2016 xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều. Do vậy, nhà nhà tăng đàn, tăng sản lượng, nông dân thi nhau đầu tư chuồng trại, tăng đàn. Nhưng đùng một cái, Trung Quốc ngưng nhập heo, nhiều nông dân phải bán tháo, bán lỗ. Sau đó, dịch tả heo châu Phi bùng phát đã khiến cho tổng đàn heo trong nước thiệt hại nặng nề. Điều này đã khiến giá heo trong nước tăng mạnh thời gian qua; nhưng số lượng tổng đàn heo trên cả nước vẫn chưa rõ ràng. Bà con nông dân muốn tái đàn, tăng đàn nhưng còn mập mờ số liệu nên rất lo ngại nếu cung lại vượt cầu.

Sau cá tra, tôm, heo là dưa lưới. Hiện nay, diện tích trồng dưa lưới phát triển khá nhanh và mạnh. Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu không quy hoạch vùng trồng dưa lưới, hạn chế trồng tràn lan, dưa lưới sẽ giống như trái thanh long, dưa hấu, sầu riêng… Bởi, chỉ cần nước nhập khẩu tạm ngưng nhập thì sản phẩm này sẽ rơi vào tình trạng kêu gọi “giải cứu”. Vừa qua, có giai đoạn vào đợt thu hoạch quá lớn, đầu ra kém do dịch Covid-19, dưa lưới tràn ra chợ, vỉa hè, xe đẩy với giá chỉ 20.000 đồng - 30.000 đồng/quả. Làm sao để chấm dứt tình trạng này?

Bao giờ nhà nông hết “đói” thông tin? ảnh 1 Trái thanh long đang trồng ồ ạt tại nhiều địa phương

Liên kết vùng, xây dựng hệ thống dữ liệu nông nghiệp

TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, chia sẻ, với các nước phát triển, tổng sản lượng nông nghiệp đều được dự báo để sản xuất, tránh xảy ra dư thừa. Dựa trên số liệu, DN và nông dân lên kế hoạch sản xuất. Còn tại Việt Nam, DN thu mua cũng “bí mật” thông tin, sợ đối thủ cạnh tranh biết. Để có số liệu chính xác, cán bộ ấp, xã, huyện cần đi kiểm tra, thống kê từ thực tế. Nhưng theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhiều xã có diện tích nông nghiệp rất rộng, nhân viên ít nên chỉ gọi điện thoại hỏi diện tích sản xuất, từ đó ước tính sản lượng để báo cáo thống kê.

Mặt khác, nông dân cũng không khai báo chính xác do ngại thuế, phí bảo vệ môi trường, vượt quá quy hoạch cho phép… Chỉ cần mỗi hộ sai lệch một chút, tổng đàn cả xã sẽ sai lệch, số liệu của tỉnh không chính xác dẫn đến số liệu cả nước sai lệch không nhỏ.

Từ bài học cá tra dư thừa, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đưa ra lời khuyên, không riêng ngành cá tra mà các ngành khác cần phải có liên kết vùng để sản xuất theo quy hoạch. Quan trọng hơn hết, phải có Ban điều phối vùng để tránh tình trạng sản xuất tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh và có chế tài với các tỉnh thực hiện sai quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành muốn kinh tế địa phương phát triển nên thường “giấu” số liệu chính xác. Với trường hợp này, Ban điều phối sẽ có biện pháp như không thu mua xuất khẩu mà chỉ có thể tự tiêu thụ thị trường địa phương.

Những địa phương có tiềm năng sản xuất sản phẩm nào thì chỉ đẩy mạnh phát triển sản phẩm đó, không sản xuất tràn lan; từ đó sản xuất chồng chéo, sản phẩm dư thừa. Các địa phương nên là cầu nối, kết nối DN với nông dân sản xuất theo chuỗi, quy chuẩn kỹ thuật chung; DN bao tiêu sản phẩm, ngân hàng cho vay vốn đầu tư… để hạn chế sản xuất tràn lan.

* Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP:

Có thể xây dựng dữ liệu để thường xuyên cập nhật thông tin như cho thức ăn, thả bao nhiêu giống, dự kiến ngày xuất sản phẩm… Trên hệ thống phải hiển thị đầy đủ số liệu sản lượng, ngày sản xuất, ngày thu hoạch, dự đoán được sản lượng. Dữ liệu này phải có mã số vùng trồng, nhật ký sản xuất và phải là hệ thống dữ liệu quốc gia để người nông dân cập nhật.

* Chuyên gia nông nghiệp Trần Tiến Khai, Trường ĐH Kinh tế TPHCM:

Hiện nay, đối với thống kê nông nghiệp thì nguồn nhân lực Việt Nam khó thực hiện do có nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ. Song song đó, các địa phương từ xã, huyện, tỉnh luôn thích “tô hồng” số liệu để có thành tích. Do đó, công tác thống kê phải chuẩn mực. Để có số liệu tính toán cụ thể, nhà nước cũng cần dựa trên số liệu cung - cầu.

Điển hình, các nước phát triển phần lớn tính toán lượng cung qua hệ thống siêu thị (do chợ truyền thống chỉ chiếm 10%), từ đó, nhà nước có số liệu cầu để quy hoạch vùng sản xuất. Tại Việt Nam, chợ truyền thống rất nhiều, khó thống kê lượng sản phẩm, người tiêu dùng, sức mua, nên khả năng dự báo là không dễ.

Tin cùng chuyên mục