Bảo hiểm hàng hóa - tiềm năng còn rất lớn

Bảo hiểm hàng hóa - tiềm năng còn rất lớn

Bảo hiểm hàng hóa là “mảnh đất màu mỡ” mà các doanh nghiệp bảo hiểm nên tập trung khai thác, thay vì cứ mãi “chạy đua” ở những lĩnh vực, dịch vụ bảo hiểm quen thuộc như lâu nay.

Bảo hiểm hàng hóa - tiềm năng còn rất lớn ảnh 1

Xếp dỡ hàng hóa container ở ga Sóng Thần.

Bảo hiểm hàng hóa là loại hình bảo hiểm truyền thống mà tất cả các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều có thể thực hiện được. Bảo hiểm hàng hóa bao gồm 3 lĩnh vực, đó là bảo hiểm hàng nhập khẩu, xuất khẩu và hàng vận chuyển nội địa. Theo các báo cáo trình bày tại hội thảo bảo hiểm hàng hải tổ chức mới đây tại TPHCM cho thấy, tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu những năm gần đây (từ 2000-2005) rất nhanh.

Cụ thể, bảo hiểm hàng nhập khẩu đạt mức tăng trưởng bình quân 17,7%/năm (doanh thu phí đạt 8 tỷ USD/năm), bảo hiểm hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 21,86%/năm (doanh thu phí đạt 1,2 tỷ USD/năm). Theo đánh giá của giới chuyên môn, kết quả tích cực nêu trên một phần là nhờ giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu tăng mạnh trong những năm qua, một phần là sự nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong lĩnh vực khai thác khách hàng, đẩy mạnh công tác marketing và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ…

Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ đắc lực của các bộ ngành liên quan (như Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Hải quan…) khi đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy tăng sản lượng và kim ngạch XNK - để doanh nghiệp làm hàng XNK tham gia bảo hiểm trong nước ngày càng nhiều hơn.

Có thể nói, tỷ lệ bồi thường hàng hóa vận chuyển hiện nay ở mức trung bình. Các mặt hàng tổn thất lớn chủ yếu là gạo xuất khẩu, phân bón nhập khẩu và thức ăn gia súc…. Kể từ năm 2000, số vụ tổn thất đặc biệt lớn không nhiều, tuy nhiên từ 2004 đến nay, số vụ tổn thất lớn lại có chiều hướng gia tăng với các hình thức tổn thất do hư hỏng, thiếu hụt hàng hóa do mở rộng điều kiện bảo hiểm.

Theo các chuyên gia, để đề phòng và khắc phục tình trạng tổn thất như đã nêu trên, các công ty bảo hiểm cần phải phối hợp với không chỉ các chủ hàng mà còn cả với các cảng trong việc phân chia, nhận dỡ hàng. Đồng thời phải làm tốt công tác giám định, giám sát để góp phần giảm thiểu các chi phí hao hụt.

Thực tế cho thấy, tiềm năng của thị trường bảo hiểm hàng hóa tại Việt Nam còn rất lớn với trên 95% hàng xuất khẩu và trên 75% hàng nhập khẩu chưa được khai thác. Đây cũng chính là “mảnh đất màu mỡ” mà các doanh nghiệp bảo hiểm nên tập trung khai thác, thay vì cứ mãi “chạy đua” ở những lĩnh vực, dịch vụ bảo hiểm quen thuộc như lâu nay.

Dũng Hưng

Tin cùng chuyên mục