Theo quy định, khách hàng sử dụng xe máy phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, nếu không mua sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Quy định đối với khách hàng đã rõ, thế nhưng, chất lượng dịch vụ bảo hiểm chưa được cơ quan quản lý quan tâm chấn chỉnh, sai phạm tràn lan, bán bảo hiểm như tôm cá và khách hàng thì hầu như chẳng ai được bồi thường khi xảy ra sự cố. Thế nhưng, người dân buộc phải bỏ tiền ra mua bảo hiểm chỉ để… đối phó với công an!
Đòi bồi thường: Khó hơn “mò kim đáy biển”
Quyền lợi của khách hàng khi mua bảo hiểm xe máy là nếu xảy ra tai nạn thì công ty bảo hiểm đứng ra gánh vác trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn thay cho chủ phương tiện. Thế nhưng, vì sao hầu hết người dân không quan tâm việc mua bảo hiểm theo quy định?
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cả nước có hơn 37 triệu xe gắn máy được đăng ký lưu hành nhưng chỉ có hơn 7 triệu chủ xe mua bảo hiểm. Chắc hẳn, không phải vì không có tiền, vì giá bảo hiểm xe máy theo quy định của Bộ Tài chính chỉ 66.000 đồng/xe/năm. “Đã mua nổi chiếc xe máy thì chúng tôi không ngại bỏ thêm 66.000 đồng để mua bảo hiểm phòng ngừa rủi ro, nhưng vấn đề là chúng tôi không hiểu các quy định và lợi ích của việc mua bảo hiểm…”- anh Nguyễn Văn Thành (nhà ở quận 10) nói.
Anh Vũ Hồng Khanh (ở Bình Thạnh) kể, có lần anh bị tai nạn, điện thoại đến công ty bảo hiểm thì không liên lạc được. Thông tin trong phiếu bảo hiểm lại rất sơ sài, không rõ ràng nên anh không biết theo đuổi để rồi được gì nên… bỏ cuộc!
Bán bảo hiểm xe máy trên vỉa hè đường.
Tương tự như vậy, anh Nguyễn Huy Hoàng (ở Thủ Đức) kể, sau khi xảy ra tai nạn, anh về lục lại thẻ bảo hiểm mong được bồi thường, nhưng sau khi xem qua các quy định để được bảo hiểm thì anh chắc chắn mình không thể có được những yêu cầu đặt ra, nào là biên bản hiện trường, nào là giám định tỷ lệ thương tật… Do vậy, anh đành từ bỏ ý định đi đòi bảo hiểm bồi thường.
Anh Lư Thanh Tùng, từng là đại lý bán bảo hiểm xe máy, chia sẻ, qua thời gian làm việc anh nhận thấy, do người dân thường ngại đụng đến thủ tục giấy tờ, cho nên khi cần phải trình đủ các giấy tờ để chứng minh với công ty bảo hiểm thì hầu hết đều tá hỏa vì không biết quy định để tiến hành ngay từ đầu. Đó là lý do hầu như chẳng ai được bồi thường.
Theo quy định, để được bồi thường là phải có biên bản hiện trường (có xác nhận của công an), giấy giám định thương tật, tình trạng hư hỏng của xe, xác nhận người điều khiển xe không uống rượu bia… Với những thủ tục phức tạp đó, người mua bảo hiểm lại không biết trước để làm đúng thủ tục từ đầu, nên không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm.
Thế nhưng, do luật quy định buộc chủ phương tiện phải mua bảo hiểm xe máy, nếu không mua bảo hiểm sẽ bị phạt. Do vậy, hầu hết những người mua bảo hiểm là để đối phó với công an, chứ chẳng kỳ vọng vào việc phòng tránh rủi ro như mục đích của hoạt động bảo hiểm mang lại!
Bán rẻ vì… không bồi thường!
Phải chăng vì lý do thủ tục phức tạp nên chẳng khách hàng nào yêu cầu bồi thường, và vì không phải bồi thường nên các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm xe máy tràn lan, vi phạm giá và các quy định của nhà nước. Các công ty bán bảo hiểm chẳng quan tâm đến việc tuyên truyền cho người dân hiểu các quy định và lợi ích mà bảo hiểm mang lại, mà chỉ cố bán bảo hiểm bằng mọi cách. Chưa bao giờ cái thẻ để “phòng ngừa rủi ro” cho người dân lại rẻ rúng, mua dễ dàng như vậy. Các nhân viên bảo hiểm trưng bày băng rôn khắp các lề đường, ra cả vỉa hè ngồi để… bán bảo hiểm. Giá cả thì… đủ kiểu!
Cùng loại bảo hiểm xe máy nhưng các đại lý của Công ty PJICO bán giá khác nhau. Tại điểm bán trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh rao giá chỉ 50.000 đồng (cho 2 loại bảo hiểm, bắt buộc 40.000 đồng và không bắt buộc 10.000 đồng), nhưng đến nơi khác trên tuyến xa lộ Hà Nội, quận Thủ Đức thì giá cho 2 loại bảo hiểm này là 60.000 đồng. Còn tại đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, giá cho 2 loại bảo hiểm chỉ có 45.000 đồng.
Tấp vào mua một thẻ bảo hiểm, tôi hỏi: Nếu lỡ gây ra tai nạn thì tôi cần chuẩn bị thủ tục gì để công ty bảo hiểm bồi thường cho người bị tai nạn? Một nhân viên của đại lý bán bảo hiểm trên lề đường Trường Chinh trả lời đầy bất ngờ: “Bảo hiểm có 10.000 đồng mà đòi bồi thường gì anh, mua là để phòng công an giao thông xử phạt thôi!”.
Không chỉ bán trên các vỉa hè, bảo hiểm xe máy còn được rao bán đầy trên các trang mạng với giá cực rẻ. Tại website hotdeal.vn, khi mua bảo hiểm PJICO 2 năm dành cho xe máy, chủ xe máy được khuyến mãi từ 132.000 đồng xuống còn 66.000 đồng (tức chỉ 33.000 đồng/xe/năm), ngoài ra còn được giao miễn phí đến tận nơi nếu ở TPHCM.
Trong khi, theo quy định của Bộ Tài chính, với giá 66.000 đồng/xe/năm (bao gồm cả thuế GTGT) thì công ty bảo hiểm chỉ được trích hoa hồng tối đa không quá 20%, vậy việc các công ty bảo hiểm bán dưới giá quy định là sai phạm? Và ai sẽ xử lý các vi phạm này khi thị trường bảo hiểm giá rẻ công khai từ chợ đến phố!
Trên thực tế, Bộ Tài chính đã có quy định: mức phạt 50 - 70 triệu đồng đối với DN bảo hiểm; tổng giám đốc (giám đốc) và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi không tuân thủ mức phí bảo hiểm; phạt tiền 50 triệu đồng đối với DN bảo hiểm, tổng giám đốc (giám đốc), kế toán trưởng và người liên quan của DN bảo hiểm có hành vi vi phạm quy định về khuyến mại…
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, cục đã có văn bản phê bình, xử phạt các công ty bảo hiểm để xảy ra tình trạng bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới với thời hạn bảo hiểm nhiều hơn 1 năm và mức phí thấp hơn biểu phí do Bộ Tài chính quy định. Thế nhưng, lý giải vì sao bảo hiểm được bán thấp hơn nhiều so giá quy định thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Trong khi, các doanh nghiệp hạ thấp mức phí bảo hiểm sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty bảo hiểm và giữa các đại lý trong cùng một công ty bảo hiểm. Và thiệt hại cuối cùng vẫn là khách hàng vì không được chăm sóc tốt khi xảy ra rủi ro.
HÀN NI - ĐĂNG QUANG
- Bài 2: Bảo hiểm ô tô, bị “lùa” vô… ổ!