Bảo hiểm xã hội và bệnh viện chậm thỏa thuận - Bệnh nhân lại gặp khó

Gỡ treo rồi lại... treo
Bảo hiểm xã hội và bệnh viện chậm thỏa thuận - Bệnh nhân lại gặp khó

Ngày 9-6-2008, Bộ Y tế ký Quyết định (QĐ) 21 về việc ban hành danh mục vật tư y tế tiêu hao, vật tư y tế thay thế (VTYTTH, VTYTTT) trong khám chữa bệnh bao gồm 64 loại. Trong đó có nhiều loại vật tư thay thế đắt tiền. Kể từ ngày 12-7-2008, quyết định này có hiệu lực. Tuy nhiên cho đến nay, quyền thụ hưởng những hạng mục kèm theo QĐ 21 của bệnh nhân bảo hiểm y tế (BN BHYT) vẫn chưa được giải quyết.

Người thân của bệnh nhi được tư vấn trước khi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Người thân của bệnh nhi được tư vấn trước khi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Gỡ treo rồi lại... treo

Tháng 11-2008, sau gần 4 tháng kể từ khi quyết định này có hiệu lực, nhiều BN BHYT vẫn than trời là quyền lợi của họ bị treo vì dù quyết định đã có hiệu lực nhưng những đối tượng được thụ hưởng vẫn phải tự thanh toán các khoản có trong quy định được bảo hiểm xã hội thanh toán.

Trước bức xúc của bệnh nhân, tại thời điểm đó, phía BHXH cho rằng: Cái vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai QĐ 21 là do chưa có hướng dẫn về mức giá thanh toán cụ thể. Cùng là một loại VTYTTT, VTYTTH nhưng có nhiều mức giá khác nhau nên cần phải có một mức giá thống nhất thì mới triển khai thanh toán được.

Ngày 31-12-2008, sau khi đã có ý kiến của Liên bộ Y tế - Tài chính, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi BHXH các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, chi phí VTYTTH, VTYTTT được tính theo số lượng thực tế mà người bệnh đã sử dụng theo chỉ định của bác sĩ điều trị và căn cứ vào giá mua vào của cơ sở khám chữa bệnh (CSKCB) được ghi trên hóa đơn với giá không được vượt quá giá trúng thầu cùng thời điểm.

Đối với các loại VTYTTH có định mức thanh toán đã được thống nhất giữa cơ quan BHXH và CSKCB thì chi phí được tính theo định mức thanh toán và giá mua vào của cơ sở. Chi phí VTYTTH, VTYTTT đã sử dụng cho người bệnh có thẻ BHYT từ sau ngày 12-7 sẽ được thanh toán bổ sung cho các CSKCB hoặc thanh toán trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT.

Tại TPHCM, sau khi có công văn này, BHXH thành phố đã gấp rút làm việc với Sở Y tế TPHCM và các cơ sở y tế trên địa bàn để thống nhất một mức giá chung và theo lãnh đạo BHXH thành phố lúc đó, chậm nhất là cuối tháng 3-2009 sẽ hoàn tất.

Đồng thời với việc này, phía BHXH cũng cố gắng đảm bảo quyền lợi cho BN BHYT cam kết: Tất cả các bệnh nhân BHYT đã tham gia KCB và sử dụng các loại VTYTTH, VTYTTT trong quá trình điều trị sau ngày 12-7 nếu đã thanh toán chi phí cho cơ sở KCB phải giữ lại toàn bộ các giấy tờ, hóa đơn thanh toán để BHXH thanh toán lại theo mức giá quy định.

Tuy nhiên, đến ngày 24-9-2009, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nhiều BN BHYT vẫn khóc dở mếu dở vì phải đóng khoản tiền khá lớn khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao mà theo quy định sẽ được BHXH thanh toán.

Khó cho bệnh nhân

Theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Kim Bằng – Khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy: Hiện tại khoa, trung bình mỗi ngày có khoảng 12-20 bệnh nhân nặng phải điều trị TOCE (một kỹ thuật bơm hóa chất làm tắt động mạch nuôi khối u gan). Chi phí trung bình cho mỗi đợt điều trị này là khoảng 7,3 triệu đồng.

Cách đây khoảng 1 năm, với những đối tượng BN BHYT, toàn bộ chi phí cho việc điều trị này đều được BHXH thanh toán hết nhưng không hiểu vì sao, một năm trở lại đây, các đối tượng BN BHYT không được BHXH chi trả như cũ mà phải trực tiếp thanh toán cho bệnh viện với các mức cụ thể: Với các BN BHYT là đối tượng người có công, hưu trí, sổ hộ nghèo, mức đóng là 5,6 triệu đồng; BN BHYT tự nguyện đồng chi trả phải đóng 5,880 triệu đồng/tổng phí điều trị là 7,3 triệu đồng.

Theo điều dưỡng Bằng, đây là quy định khá ngặt nghèo với nhiều bệnh nhân đang điều trị ở khoa khi phần lớn bệnh nhân ở đây là các đối tượng BN BHYT sổ hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, đến cơm ăn cho họ bệnh viện cũng phải lo miễn phí, nhiều bệnh nhân khi đi về, các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa phải cho cả tiền xe, vậy thì họ kiếm đâu ra mấy triệu đồng để đóng cho một lần điều trị như vậy. Nhiều bệnh nhân sau khi được báo phải đóng khoản phí lớn như vậy đã chấp nhận về nhà… chờ chết chứ không cách nào xoay xở ra khoản tiền đó. 

Chăm sóc bệnh nhân BHYT chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: MAI HẢI

Chăm sóc bệnh nhân BHYT chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: MAI HẢI

Trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Giám định BHYT – BHXH TPHCM cho biết: Về việc triển khai QĐ 21, BHXH TPHCM đã thống nhất và ký thỏa thuận với tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Với Bệnh viện Chợ Rẫy, BHXH TPHCM đã chuyển bản thỏa thuận này từ ngày 10-8-2009 cho bệnh viện, trong đó thống nhất phí thanh toán cho trên 1.000 loại VTYTTT và VTYTTH.

Theo tinh thần của bản thỏa thuận này, BHXH TP và bệnh viện sẽ giải quyết, thanh toán cho bệnh nhân, kể cả bệnh nhân ở tỉnh sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao áp dụng theo QĐ 21. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, bản thỏa thuận này vẫn chưa đạt được thỏa thuận từ phía Bệnh viện Chợ Rẫy vì phía Chợ Rẫy đề nghị chỉnh sửa lại một số hạng mục.

Trước những bức xúc của bệnh nhân, bà Huyền cam kết, phía BHXH sẽ xem xét và thống nhất lại một số hạng mục theo yêu cầu của Bệnh viện Chợ Rẫy để bản thỏa thuận có hiệu lực và giải quyết quyền lợi cho các BN BHYT.

Đặc biệt, bà Huyền cho biết, với những bệnh nhân ở tỉnh, thay vì phải ứng tiền thanh toán và về địa phương nơi cư ngụ mới được thanh toán lại thì BHXH TPHCM sẽ linh động đề nghị bệnh viện giải quyết trực tiếp cho người bệnh, BHXH TPHCM sẽ thanh toán và làm việc về việc chi trả này với BHXH các địa phương.

Kim Liên

Tin cùng chuyên mục