Bảo hộ mậu dịch núp bóng chống trợ giá

Bộ Thương mại Mỹ ngày 29-5 đã đặt các mức thuế chống trợ giá tới gần 63% đối với mặt hàng tôm đông lạnh từ các nước xuất khẩu lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Trong một quyết định sơ bộ, bộ trên cho biết sẽ áp dụng thuế bù trừ ở mức 5,76% đối với Trung Quốc, 11,32% đối với Ấn Độ, 2,09% đối với Thái Lan; 7,05% đối với Việt Nam và 62,74% đối với Malaysia. Năm 2012, 5 nước này xuất khẩu tổng cộng 258.000 tấn tôm đông lạnh trị giá 2,3 tỷ USD sang Mỹ. Hiện nay, xuất khẩu từ tất cả năm nước này cũng bị áp các mức thuế chống bán phá giá khác nhau từ vài năm trước.

Theo báo chí Mỹ, phán quyết sơ bộ nói trên được đưa ra sau một cuộc điều tra về những khiếu nại từ các nhà sản xuất và đóng gói tôm trong Liên minh ngành công nghiệp tôm vùng vịnh Mexico của Mỹ. Sau khi điều tra, các cơ quan chức năng của Mỹ đã kết luận có “chỉ dấu hợp lý” cho thấy ngành công nghiệp tôm nội địa ở Mỹ bị thiệt hại do tôm nhập khẩu được trợ giá từ 7 nước, trong đó có Việt Nam. Nếu áp dụng mức thuế này, đây sẽ là một trong những lần áp thuế lớn nhất lịch sử của Bộ Thương mại Mỹ. Tổng kim ngạch nhập khẩu tôm đông lạnh của Mỹ từ Việt Nam là 426 triệu USD. Ủy ban Thương mại quốc tế và Bộ Thương mại Mỹ sẽ có kết luận điều tra vào ngày 15-8 và kết luận cuối cùng dự kiến là ngày 26-9 tới.

Ngoài thuế chống trợ giá, chính quyền Mỹ còn áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh Việt Nam và một số nước. Mức thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với hầu hết các nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam được ấn định từ 4,13% đến 25,76%. Như vậy, sắp tới các doanh nghiệp tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn vì doanh nghiệp phải chịu cả hai loại thuế là thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá.

Mỹ bắt đầu thực hiện các vụ kiện chống bán phá giá tôm đông lạnh đối với Việt Nam và 11 nước khác từ năm 2003 ngay sau khi ra đòn tương tự với các loại cá da trơn. Với lý do Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường, Mỹ không chấp nhận mức giá do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, mà sử dụng giá tham khảo tại một nền kinh tế thị trường có mức độ phát triển tương đương Việt Nam.

Kể từ tháng 2-2010, Việt Nam bắt đầu đưa vấn đề ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và vào tháng 7-2011, WTO ra phán quyết Mỹ xâm phạm luật thương mại toàn cầu khi tính toán thuế chống bán phá giá với mặt hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Thế nhưng từ đó tới nay, Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế này.  Việt Nam đã và đang tiếp tục yêu cầu Mỹ nghiêm túc tuân thủ phán quyết, sửa đổi luật của Mỹ liên quan đến cách tính biên độ chống bán phá giá, trao đổi làm rõ việc thực hiện các thủ tục của Mỹ liên quan đến điều tra chống bán phá giá đối với những mặt hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Các loại thuế của Mỹ áp vào mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam và nhiều nước khác cho thấy Mỹ vẫn dựng hàng rào mậu dịch để bảo hộ ngành nuôi tôm trong nước cho dù nước này luôn lên án các nước có hàng rào mậu dịch. Việc áp thuế đối với tôm nhập khẩu ảnh hưởng đến không chỉ ngành tôm Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục