Ngày 18-2, làng báo Mỹ tiếp tục đón thêm một tin không vui khi Công ty RDA Holdings, chủ sở hữu Reader’s Digest, một trong những tờ tạp chí lâu đời nhất nước Mỹ đệ đơn xin phá sản. Vụ phá sản này nối dài thêm danh sách những tờ báo in và tạp chí lớn của Mỹ lâm vào khủng hoảng.
Loay hoay thoát lỗ
RDA Holdings nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án Mỹ với hy vọng “cắt đuôi” các khoản nợ. Reader’s Digest hiện còn khoảng 1,1 tỷ USD trong tài khoản và tạp chí này đang đối mặt với khoản nợ gần 1,2 tỷ USD. Dự kiến, sau khi hoàn tất quá trình phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ, RDA sẽ còn nợ khoảng 100 triệu USD, giảm khoảng 80% so với trước khi phá sản.
Ngoài ra, sau khi phá sản, RDA sẽ tập trung hoạt động tại thị trường Bắc Mỹ, thay vì phát hành trên toàn cầu như hiện nay. Đây không phải là lần đầu tiên Reader’s Digest lâm vào tình trạng khủng hoảng. Vào tháng 8-2009, tạp chí này đã phá sản một lần vì doanh thu quảng cáo giảm và gánh nặng nợ nần.
Trong 91 năm có mặt tại làng báo Mỹ, Reader’s Digest phục vụ hơn 25 triệu độc giả. Vụ phá sản của RDA được xem là vụ mới nhất trong chuỗi những vụ phá sản của các doanh nghiệp mang tính biểu tượng, sau vụ phá sản của hãng bánh mì nổi tiếng Hostess Brands Inc. vào năm 2009 và nhà sản xuất máy ảnh Kodak vào năm 2012. Vụ phá sản này cũng cho thấy hàng loạt tờ báo in ở Mỹ đang chật vật vì sụt doanh thu quảng cáo.
Ngoài Reader’s Digest, hàng loạt tờ báo khác cũng tuyên bố phá sản, từ Tribune Company, Minneapolis Star Tribune cho tới Philadelphia Newspapers Company, Chicago Sun Times, Freedom Communications, Heartland Publications.
Mới đây nhất, Washington Post đã tính đến khả năng phải bán trụ sở để có tiền trang trải chi phí. Washington Post không phải là tờ báo đầu tiên phải tính đến chuyện này. Công ty chủ quản của các tờ báo lớn ở Mỹ như Philadelphia Inquirer và Daily News gần đây cũng đã bán đi trụ sở của mình.
Nhiều tờ báo cũng đang phải tìm đủ mọi cách nhằm tiết kiệm chi tiêu và đối phó với tình trạng doanh thu sụt giảm mạnh, trong đó có kế hoạch ngừng phát hành bản báo in. Những cái tên lừng lẫy trong làng báo như Financial Times Deutschland… vừa tuyên bố sẽ phát hành những ấn bản in cuối cùng.
Song có lẽ đỉnh điểm cơn bão khủng hoảng trong làng báo giấy Mỹ là sự kiện tạp chí Newsweek sau 80 năm liên tục làm mưa gió trên thị trường thông tin của nước Mỹ đã chính thức ngừng phát hành các ấn bản dạng in vào ngày 31-12-2012 và tuyên bố trở thành một tờ báo mạng hoàn toàn. Cơn bão ào ạt của báo mạng đã khiến Newsweek bắt đầu bước vào vòng xoáy và dần dần mất kiểm soát.
Kể từ năm 2005 tới nay, số lượng phát hành của Newsweek đã giảm phân nửa, xuống chỉ còn 1,5 triệu ấn bản/kỳ trong khi lượng phát hành năm 2000 của tạp chí này là 3,14 triệu bản. Số các trang quảng cáo của báo sụt mất hơn 80% và con số thua lỗ thường niên của báo có lúc đã chạm ngưỡng 40 triệu USD. Khi được rao bán, Newsweek đang phải gánh khoản nợ 70 triệu USD.
New York Times cũng làm dư luận xôn xao vì tuyên bố đang cân nhắc kế hoạch ngừng phát hành bản báo in. New York Times ra đời năm 1851, là một trong những tờ báo hàng đầu không chỉ ở nước Mỹ mà còn có sức ảnh hưởng rộng lớn trên phạm vi toàn cầu. Vào những năm 80 thế kỷ trước, New York Times có lượng phát hành luôn giữ ở mức trên 1 triệu bản.
Tuy nhiên, cũng vì khủng hoảng tài chính, New York Times cũng lâm vào tình cảnh lao đao, lượng phát hành giảm, công ty buộc phải cắt giảm một lượng lớn nhân sự.
Nguyên nhân từ Internet?
Do đâu mà món ăn không thể thiếu nay đang lâm vào tình trạng thua lỗ trầm trọng, mất kiểm soát và gần như… rơi tự do? Đa số, báo in đang đổ lỗi cho sự phát triển nhanh chóng của Internet. Thế hệ trẻ có khuynh hướng sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin và tham gia các mạng xã hội như Twitter, Facebook… Hiển nhiên là các tiện ích trên những thiết bị công nghệ cao khiến giới trẻ không còn nhiều hứng thú với việc đọc báo giấy nữa. Nhiều tờ báo đã sử dụng trang tin tức điện tử, điều này khiến lợi nhuận từ việc phát hành báo giấy giảm hẳn. Người ta dễ dàng lựa chọn cách tìm kiếm thông tin miễn phí trên mạng hơn là việc phải trả tiền để chờ đợi những số báo được giao đến nhà mỗi ngày.
Theo một kết quả điều tra, nếu một ngày nào đó báo giấy đột nhiên biến mất, thì chỉ có 1/3 người Mỹ cảm thấy luyến tiếc. Các chuyên gia truyền thông từng đưa ra nhận định, nếu báo giấy không tìm ra cho mình con đường để tồn tại và phát triển, khoảng cách giữa ngành này với thời đại sẽ ngày một xa hơn.
Theo tờ Economist, để tiếp tục tồn tại và phát triển, báo giấy cần phải tự làm mới mình bắt nhịp theo sát nhu cầu của độc giả, nâng cao chất lượng, giảm thiểu sự trùng lặp và xây dựng phong cách chuyên nghiệp, riêng biệt độc đáo. Báo điện tử tuy có nhiều ưu thế, song thông tin thiếu chọn lọc và mức độ tin cậy thấp của những trang báo mạng khiến độc giả chưa mấy hài lòng. Những ông chủ ngành truyền thông Mỹ thì cho rằng cách duy nhất để cứu báo giấy là chấm dứt việc cho phép đọc tin miễn phí trên mạng. Họ khẳng định: Xây dựng mô hình đọc tin trả tiền trên mạng là một bước đi đúng đắn và cần thiết.
Nhưng liệu việc chấm dứt đọc báo mạng miễn phí có giúp giải quyết triệt để những khó khăn hiện nay của báo giấy? Điều này không ai dám chắc. Chỉ chắc rằng, trước mắt việc thu phí đọc tin trên mạng có thể hỗ trợ báo giấy tồn tại, song không thể xem đây là cách thức giải quyết triệt để.
THANH HẰNG (tổng hợp)