Báo Israel nhận định : Căng thẳng Iran – Israel là do dầu khí!

Báo Israel nhận định : Căng thẳng Iran – Israel là do dầu khí!

Mâu thuẫn dữ dội giữa Iran với Israel, thậm chí đến mức muốn tấn công lẫn nhau, chính là vì kinh tế! Nhật báo Ha’aretz, tại Tel Aviv đã tiết lộ như thế, dựa trên một câu chuyện có lai lịch từ thời trước cách mạng Hồi giáo tại Iran. Thật ra nhận định như vậy chưa toàn diện, nhưng qua đây chúng ta thấy một khía cạnh khác trong quan hệ Iran và Israel.

  • Từ hợp tác chặt chẽ đến cuộc tranh chấp 20 năm

Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad, vừa tái xác nhận ý định tiêu diệt “chủ nghĩa Sion” trong vòng vài năm sắp tới trong khi các thương thuyết gia Iran trong hậu trường vẫn miệt mài thương thuyết với các đại diện Israel.

Lý do là hai quốc gia này muốn giải quyết một vụ án tài chánh phức tạp kéo dài đã hơn 20 năm, có liên quan đến Công ty Dầu khí Trans-Asiatic, thành lập vào thời kỳ 2 nước còn bí mật buôn bán dầu khí với nhau. Cách nay 3 năm, thông qua một trung gian, người ta nói rằng các công ty dầu khí Israel đang mắc nợ Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (INOC) mấy chục triệu đô la. Có một điều chắc chắn: tất cả các bên đều cố gắng giữ bí mật tuyệt đối mối quan hệ này.

Báo Israel nhận định : Căng thẳng Iran – Israel là do dầu khí! ảnh 1

Công ty dầu khí quốc gia Iran.

Ngay từ năm 1951, khi Iran còn công nhận quốc gia Israel, hai nước quan hệ càng lúc càng chặt chẽ đến nỗi vào giữa những năm 1970 họ đã có một hợp tác chiến lược 4 điểm: Iran giúp đỡ người Do Thái di tản khỏi Iraq; hợp tác tình báo (Shabak, Mossad và Tsahal của Israel yểm trợ nghề nghiệp cho tình báo Shavak của Iran, và cùng nhau hỗ trợ cuộc nổi dậy của người Kurd tại Iraq); hợp tác quân sự và phân phối dầu khí Iran.

Đầu năm 1975, hợp tác quân sự lên đến đỉnh điểm, khi Iran đầu tư 1,2 tỷ USD cho nhiều dự án nghiên cứu phát triển của Israel. Chương trình này mang mật mã Tzour, trong đó có việc xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí Soltam tại Iran, chế tạo chiến đấu cơ Lavi, chế tạo tên lửa Gavriel và tên lửa đất đối đất tầm xa 600 km. Lúc giáo chủ Khomeyni lên cầm quyền và chấm dứt hợp tác, Israel đang chế tạo tên lửa Gavriel thế hệ mới ngay trên đất Iran.

Việc giao cho Israel bán dầu khí Iran lại bắt đầu từ đầu những năm 1950. Dầu khí được cung cấp qua hải cảng Eilat, sau đó theo đường ống dẫn đến Beersheba, do gia tộc Rothschild thực hiện. Sau cuộc chiến tranh 6 ngày và đóng cửa kênh đào Suez (1967), thủ tướng Israel thời kỳ đó, Lévy Eshkol, thuyết phục Quốc vương Iran Mohammad Reza Pahlavi lợi dụng thời cơ này để hoàn tất dự án hợp tác. Chính vì thế đã ra đời Công ty Trans-Asiatic Oil, một liên doanh giữa Bộ Tài chánh Israel và INOC. Các quan chức Iran e sợ rằng dự án này bị các nước Ả Rập phát hiện và tấn công, do đó Trans-Asiatic được đăng ký tại Panama.

  • Biến động chính trị, hợp tác tan vỡ

Tại Israel, Trans-Asiatic hoạt động như một công ty vốn nước ngoài. Công ty mua đường ống dẫn dầu của gia tộc Rothschild, và làm thêm một đường ống khác để nối liền từ Eilat (trên Biển Đỏ) đến Ashkelon (trên Địa Trung Hải). Tất cả hoàn thành năm 1969. Việc đóng cửa kênh đào Suez đã làm cho việc vận chuyển dầu khí sang thị trường Âu châu trở nên khó khăn do phải đi vòng qua eo biển Hảo Vọng tại Nam Phi.

Việc thành lập Trans-Asiatic sẽ giúp rút ngắn đường đi, tăng lợi nhuận. Dầu khí Iran được dẫn đến Ashkelon để đưa sang Âu châu, và một phần nhỏ được chia cho nền kinh tế Israel. Công ty Trans-Asiatic có một hạm đội gồm 30 chiếc tàu dầu và trong những năm cao điểm nhất, đã vận chuyển được đến 54 triệu tấn dầu thô.

Nhưng sau một thập niên làm ăn phát đạt, khủng hoảng xảy ra từ sự thay đổi trong cán cân quyền lực của Iran. Mấy tháng trước khi giáo chủ Khomeyni lên cầm quyền, INOC ngưng bán dầu thô cho Trans-Asiatic, nên nó bị tê liệt. Lên cầm quyền, một trong những quyết định đầu tiên của Giáo chủ là Iran cắt đứt mọi quan hệ với Israel. Phần lớn các công ty và nhà doanh nghiệp Israel đầu tư vào Iran trong lãnh vực xây dựng, truyền thông, hạ tầng cơ sở, dược phẩm và thương mại… phải bỏ chạy! Các dự án hợp tác trong lãnh vực an ninh cũng bị cắt đứt.

  • Nợ nần chưa dứt

Trong giai đoạn đầu, các nhà lãnh đạo của Trans-Asiatic cố thương lượng với INOC trong vòng bí mật để tìm ra giải pháp ổn thỏa, nhưng phía Iran từ chối mọi tiếp xúc. Công ty phải bán lỗ những chiếc tàu dầu, sa thải hàng trăm nhân viên và đóng cửa các văn phòng ở nước ngoài, suýt phá sản nếu không nhờ hiệp ước hòa bình ký kết giữa Ai Cập – Israel năm 1979 (các thỏa thuận tại Trại David quy định rằng: Ai Cập xuất khẩu dầu thô sang Israel để đền bù các giếng dầu bị thiệt hại trên bán đảo Sinað).

Năm 1985, người Iran lại bất ngờ tấn công Trans-Asiatic. Các văn phòng luật sư Âu châu được ủy quyền đòi các khoản nợ cho INOC, kể từ năm 1979 là năm hợp tác bị chấm dứt. Trước tiên là nợ do các công ty Israel ký kết như Paz, Sonol, Delek ước tính hơn 100 triệu USD. Kế tiếp là nợ do Trans-Asiatic ký trực tiếp, ước tính khoảng 1,5 tỷ USD. Và sau cùng nợ ký kết dưới hình thức tài khoản chung ở ngân hàng. Iran quả quyết Israel đơn phương cướp công ty, qua tài sản góp vốn. Phía Israel nói rằng trách nhiệm là do INOC vì đã đơn phương xóa bỏ những cam kết vào năm 1979.

Israel đề nghị đàm phán, nhưng Iran từ chối, đòi Trans-Asiatic phải trả nợ trước tiên. Israel bác bỏ, và người Iran dựa vào một điều khoản trong hợp đồng, yêu cầu trọng tài phân xử. Hai lần phân xử diễn ra công khai tại Thụy Sĩ và lần thứ 3 tại một nước Âu châu. Israel kéo dài thời gian và không trả bất kỳ xu nhỏ nào cho Iran, kể cả lương nhân viên và những người làm trung gian.

Cách đây 3 năm, sau hơn 20 năm tiến hành thương lượng bí mật, những người trung gian đi đến kết luận: Các công ty dầu khí Israel còn mắc nợ Iran khoảng 12 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số phía Iran đưa ra lên đến hàng trăm triệu sau khi tự ý trừ cấn những mất mát của Israel lúc quan hệ bị cắt đứt năm 1979. Cho đến bây giờ, nợ của phía Israel vẫn chưa được tính toán. Và một tranh chấp khác phải giải quyết là số nợ 1,5 tỷ USD của Trans-Asiatic.

ĐINH CÔNG THÀNH

Tin cùng chuyên mục