Những bước đi gần đây của Trung Quốc nhằm thực hiện chiến lược chủ quyền “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn trên biển Đông) đã gây quan ngại không chỉ với các nước Đông Nam Á mà cả các nước bên ngoài, nhất là Ấn Độ.
Xung đột quyền lợi Trung-Ấn
Theo AFP, một ngày sau khi sau khi Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ là không được “đơn phương” tiếp tục thăm dò dầu khí ở biển Đông, New Delhi tuyên bố ủng hộ quyền tự do lưu thông hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở vùng biển này.
Quan hệ giữa hai nước gần đây nóng lên sau khi tư lệnh hải quân Ấn Độ, đô đốc D K Joshi, tuyên bố Ấn Độ sẵn sàng triển khai chiến hạm đến để bảo vệ quyền lợi của nước này ở biển Đông. Ngoài việc tham gia thăm dò khai thác dầu khí, theo các chuyên gia, có 2 lý do khác giải thích vì sao đối với New Delhi, biển Đông là một vùng rất quan trọng về mặt chiến lược. Trước hết, là một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào mậu dịch, đối với Ấn Độ, biển Đông là một trong những ngõ giao thương quan trọng nhất toàn cầu và quyền tự do lưu thông ở vùng biển này phải được tôn trọng.
Thứ hai, biển Đông là nơi mà New Delhi có thể giải tỏa vòng vây mà Trung Quốc đang lập nên từ mấy năm qua chung quanh Ấn Độ, với việc xây dựng các hải cảng ở Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan. Vào Biển Đông là cách để Ấn Độ tạo đối trọng với gọng kìm ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương.
Cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều đầu tư rất nhiều để phát triển các tàu ngầm và hàng không mẫu hạm phục vụ cho quốc phòng, duy trì lợi ích kinh tế. Mặc dù Ấn Độ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nhưng New Delhi sẵn sàng bảo vệ quyền lợi cốt yếu của mình.
Hai mục tiêu của Trung Quốc
Báo Jakarta Globe của Indonesia ngày 7-12 cho rằng những hành động gần đây của Trung Quốc xuất phát từ 2 mục tiêu. Thứ nhất, muốn mở rộng quyền khai thác dầu và khí đốt tại các khu vực tranh chấp. Sản lượng dầu và khí đốt mà công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc CNOOC khai thác tại biển Đông và biển Hoa Đông chiếm 1/3 tổng sản lượng dầu và khí đốt mà nước này khai thác trên toàn cầu.
Theo ước tính của Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, nếu Trung Quốc kiểm soát toàn bộ các mỏ dầu khí ở biển Đông, điều đó có thể thỏa mãn nhu cầu dầu khí nước này trong 50 năm. Thứ hai, trong hàng chục năm qua, quân đội Trung Quốc muốn thiết lập một liên kết dây chuyền phòng vệ gồm 3 khu vực biển Hoàng Hải, Hoa Đông và biển Đông trải dài từ Sakhalin của Nga tới Okinawa của Nhật Bản, qua Đài Loan xuống tới tận Borneo, không muốn cho mọi tàu sân bay hay căn cứ quân sự của Mỹ và nhiều nước khác đóng tại đây. Từ đây, Trung Quốc có thể lập các căn cứ quân sự trên các bãi cạn, bãi san hô thuộc các khu vực tranh chấp gồm nơi đậu trực thăng, súng hải quân, radar, liên lạc vệ tinh và thậm chí là các đường băng thô sơ.
Tờ Jakarta Globe kết luận rằng, trải qua 30 năm cải cách, đến nay kinh tế Trung Quốc lớn mạnh, vượt khủng hoảng tốt hơn Mỹ và châu Âu, điều đó khiến có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Bắc Kinh “phô trương sức mạnh quốc tế”. Báo Jakarta Globe viết: “Sức mạnh của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng ở châu Á. Vấn đề là Bắc Kinh có thể làm gì để không biến mình trở thành “ông kẹ” trong khu vực”.
| |
KHÁNH MINH (tổng hợp)