Bạo lực gia đình - Tiếng nói người trong cuộc

Bạo lực gia đình không chỉ phá vỡ liên kết bền chắc giữa các thành viên trong gia đình mà còn tạo nên gánh nặng cho xã hội, khiến nhiều nạn nhân rơi vào trạng thái bất ổn.
Tọa đàm về bạo lực gia đình do Sở VHTT TPHCM tổ chức
Tọa đàm về bạo lực gia đình do Sở VHTT TPHCM tổ chức

Từ trước đến nay, gia đình luôn được xem là tổ ấm, là nơi bình yên nhất mà con người có thể tìm về. Quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em là quan hệ tình cảm thiêng liêng, ấm áp. Chính vì vậy, hiện tượng bạo lực gia đình (BLGĐ) không chỉ phá vỡ liên kết bền chắc giữa các thành viên trong gia đình mà còn tạo nên gánh nặng cho xã hội, khiến nhiều nạn nhân rơi vào trạng thái bất ổn.

Nguyên nhân của BLGĐ

Sáng 25-10, tại Trung tâm Thông tin triển lãm TPHCM, Sở VH-TT TPHCM đã tổ chức tọa đàm chuyên đề Tiếng nói người trong cuộc với sự tham gia của hơn 40 nạn nhân BLGĐ từ các quận huyện trong thành phố đến tham dự. Đa số các trường hợp bị bạo hành đều là phụ nữ, nhiều chị đến hội trường với những vết bầm, vết sẹo trên cơ thể.

Chị P. (58 tuổi, ngụ Thủ Đức) kể: “Hôm tới tòa, ảnh nói chuyện rất nhỏ nhẹ, bảo không bao giờ tái phạm nữa, thậm chí mọi người còn khuyên tôi nên bớt nóng lại cho ảnh một cơ hội nữa… Thời mới cưới, ảnh cũng thuộc dạng tự tế, chí thú làm ăn, sau này sanh tật rượu chè, cờ bạc, dần dần làm ăn sa sút. Tôi khuyên nhủ không nghe lại còn động tay động chân, đụng đồ gì là ném vào người tôi. Từ lần tôi đòi ly dị không thành, ảnh không động tay động tay nữa mà chuyển qua chửi rủa, chửi rất dữ, nhưng riết rồi tôi cũng xem như không nghe thấy. Ngày trước, tôi còn lấy rượu của ảnh đem đổ đi, giờ thì ảnh muốn nói gì thì nói, muốn làm gì làm, tôi cũng không muốn phản ứng nữa. Ảnh nhậu dữ lắm, bệnh cũng nhiều, nên tôi sống chờ ngày ảnh “lên đường” mới mong được giải thoát”.

Trường hợp nhẫn nhịn của chị P. không phải là cá biệt. Chị T.T.H.T. (quận 11) chia sẻ: “Chồng tôi là người cộc tính, ảnh nói câu nào mà tôi trả lời là coi như ăn đòn sau câu đó. Hai đứa con toàn bênh mẹ, lúc vợ chồng to tiếng, nó bênh mình, mình cũng thấy an ủi. Nhưng sau đó, thấy con hỗn với ba, tôi cũng buồn. Nghĩ trong gia đình vợ chồng đã hục hặc, còn thêm con cái không ngoan nên tôi nhịn, không trả lời nữa, ổng nhậu hay đi làm về coi bộ không vui thì mình né chỗ khác, khỏi um xùm”.

Nhẫn nhịn, cam chịu là một trong những nguyên nhân khiến BLGĐ trở nên nghiêm trọng. “Xấu chồng hổ ai”, tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, con cái khiến những phản kháng của phụ nữ thường chỉ xuất hiện khi sự việc đã đến mức khó cứu vãn. Thêm vào đó, nhận thức từ cộng đồng vẫn còn rất thờ ơ. Đa phần mọi người đều nghĩ BLGĐ là đánh nhau đổ máu, thậm chí quan niệm chồng dạy vợ vài bạt tay, hay cha mẹ đánh con cái vài roi vẫn là “chuyện của nhà người ta”…

Để những vết nứt không tạo thành đứt gãy

BLGĐ có nhiều hình thức khác nhau, như bạo lực thể xác, khủng bố tinh thần, cô lập, bao vây kinh tế. Nó có thể diễn ra giữa các thành viên khác nhau trong gia đình.

Từ năm 2011 - 2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 20 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng do BLGĐ. Đây là kết quả thống kê của Vụ Gia đình - Bộ VH-TT-DL sau gần 9 năm áp dụng Luật Phòng, chống BLGĐ.

Trong tổng số 157.859 vụ BLGĐ được phát hiện từ năm 2011 - 2015, nạn nhân là phụ nữ (từ 16-59 tuổi) chiếm tới 117.206 trường hợp (74,24%), 17.586 trường hợp là trẻ em (11,14%) và 14.017 trường hợp là người cao tuổi (8,91%).

Có thể thấy, phụ nữ là đối tượng hứng chịu BLGĐ nặng nề nhất. Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người (34%) cho biết họ từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục. Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng gồm thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình (theo kết quả Nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ ở Việt Nam của Việt Nam và Liên hiệp quốc thực hiện.

BLGĐ không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tinh thần đối với nạn nhân mà còn gây tổn hại đến tinh thần của các thành viên khác trong gia đình. BLGĐ chất thêm gánh nặng cho xã hội. Khi nhiều gia đình đổ vỡ, những đứa trẻ phải chứng kiến hoặc trưởng thành trong bối cảnh của BLGĐ sẽ dễ có xu hướng sa sút học tập, rối loạn tâm lý, có những hành vi tiêu cực hoặc tệ hơn là trở thành những nạn nhân hay người sử dụng BLGĐ của chính mình sau này. Trước khi BLGĐ trở thành vết dao cắt đứt một gia đình, chúng ta cần phải ngăn chặn nó từ những vết rạn nứt đầu tiên.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến pháp luật, Sở Tư Pháp TPHCM chia sẻ: “Mọi người từ trước đến nay nói rất nhiều về vai trò của người phụ nữ trong việc giữ lửa hạnh phúc gia đình, đối với BLGĐ, người phụ nữ chính đóng vai trò hòa giải. Tuy nhiên, các chị muốn gia đình êm ấm không phải là im lặng, chịu đựng. Chúng tôi cần các chị yêu thương nhưng phải tỉnh táo, tìm nguyên nhân khiến người đàn ông đó, người cha đó phải sử dụng vũ lực. Các chị phải thể hiện thái độ kiên quyết, không chấp nhận bạo lực và hướng người chồng đến việc giải quyết mâu thuẫn. Hãy dùng sức mạnh của cộng đồng, từ cơ quan chức năng, cơ quan hội, đoàn thể, hàng xóm, người thân trong gia đình…”.

Nhiều trường hợp người chồng vì thất bại trong công việc, cảm thấy yếu thế với vợ, mất uy tín với con cái, bị bạn bè, người thân xem thường nên nảy sinh xu hướng bạo lực nhằm thể hiện sức mạnh bản thân. Ngay từ lần đầu nảy sinh bạo hành, người phụ nữ vốn tinh tế và bao dung, nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi ấy để có hướng giúp chồng điều chỉnh, tránh trường hợp khi mâu thuẫn trở nên nặng nề, khó cứu vãn.

Các địa chỉ nạn nhân BLGĐ có thể liên hệ

Đường dây nóng bạo lực giới (Trung tâm nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ & Vị thành niên - CSAGA): 024 3775 9339 www.csaga.org.vn; Phòng Tham vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình, Nhà Văn hóa phụ nữ TPHCM (188 - 192 - 194 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TPHCM và số 02 Nguyễn Đổng Chi, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM); Phòng Tham vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình (thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, 145 Pasteur, phường 6, quận 3, TPHCM); Công ty Tâm lý học ứng dụng (313/14 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM).

Tin cùng chuyên mục