Bạo lực, xâm hại trẻ em: Giảm số vụ, nhưng tính chất ngày càng nghiêm trọng

Số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nạn nhân có tuổi đời ngày càng nhỏ. Trong các hành vi xâm hại, chiếm tỷ lệ lớn nhất là xâm hại tình dục trẻ em, tiếp đến các các hình thức đánh đập, chửi bới.

Ngày 18-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo Bảo vệ quyền trẻ em – Thực trạng và giải pháp.

Dự hội thảo có các đồng chí: Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội bảo trợ quyền trẻ em Việt Nam; Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB-XH.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cùng lãnh đạo HĐND TPHCM, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) TPHCM, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM chủ trì hội thảo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, qua hội thảo cần đánh giá lại thực trạng về cơ chế phối hợp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác trẻ em, các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em ở cơ sở. Bên cạnh đó là công tác điều phối các nguồn lực xã hội nhằm cung cấp các dịch vụ cho trẻ em và chăm lo trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Theo đồng chí, hội thảo cũng cần bàn thảo và đưa ra được các nhóm giải pháp truyền thông về quyền trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em. Đặc biệt, cần đánh giá, góp ý các giải pháp quản lý nhà nước để hạn chế tối đa tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em bị chăn dắt, sử dụng lao động trẻ em trái luật, trẻ em bị bạo lực, xâm hại và xâm hại tình dục. Hệ thống phần mềm cập nhật thông tin trẻ em, việc thống kê dữ liệu về trẻ em hay việc trích xuất dữ liệu về trẻ em cần làm sao phải đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.

Bạo lực, xâm hại trẻ em: Giảm số vụ, nhưng tính chất ngày càng nghiêm trọng ảnh 1 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TPHCM cho biết, ban tổ chức hội thảo đã nhận được hươn 40 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, những người tâm huyết với công tác bảo vệ quyền trẻ em.

Sau quá trình phản biện độc lập, kiểm tra trùng lặp dữ liệu, ban tổ chức đã lựa chọn được 18 tham luận đưa vào kỷ yếu hội thảo. Trong số này, có nhiều bài viết phản ánh thực tiễn bảo vệ quyền trẻ em tại TPHCM và đề xuất nhiều giải pháp cho công tác này.

Dữ liệu về trẻ em đang rất thiếu

Đại diện nhóm tác giả của HĐND TPHCM, TS. Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM khái quát hệ thống bảo vệ trẻ em hiện nay tại TPHCM. Nếu như năm 2017 TPHCM ghi nhận 47 vụ việc xâm hại trẻ em, thì năm 2021 còn 28 vụ.

Theo nhóm tác giả, số vụ việc có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nạn nhân có tuổi đời ngày càng nhỏ. Trong các hành vi xâm hại, chiếm tỷ lệ lớn nhất là xâm hại tình dục trẻ em, tiếp đến các các hình thức đánh đập, chửi bới.

Thống kê toàn TPHCM có 321 cán bộ làm công tác trẻ em ở cả 3 cấp, trong đó có tới 89,1% là cán bộ ở cấp xã. Đáng chú ý, trong tổng số 321 cán bộ làm công tác trẻ em chỉ có 18 cán bộ chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm.

“Hệ thống bảo vệ trẻ em đặt trọng tâm tại cơ sở, cho nên để công tác này đạt hiệu quả thực chất, có chiều sâu thì THCM nên quan tâm đến chế độ chính sách với nhóm cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở”, ông Nguyễn Minh Nhựt góp ý.

Đồng tình với nhận định này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB-XH cho biết, hiện cả nước có hơn 11.100 cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, trong đó chỉ có 633 người là chuyên trách. Trong khi đó, vai trò của cấp xã cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định đối với công tác này.

Theo ông Đặng Hoa Nam, trong lúc ở Việt Nam chưa có nghề công tác xã hội chuyên nghiệp, thì các cán bộ này có vai trò rất quan trọng. Từ đó, ông đề nghị TPHCM tiếp tục xem xét củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Một vấn đề được nhiều vị chuyên gia đặt ra tại hội thảo, đó là hiện nay thiếu cơ sở dữ liệu về trẻ em, từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý, hoạch định chính sách.

Bà Emi Losing, đại diện tổ chức Taiwan Fund For Children And Families (TFCF) chia sẻ kinh nghiệm của Đài Loan và nhận định rằng cần cải thiện độ chính xác của các dữ liệu thống kê về trẻ em. Hiện nay, dữ liệu liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên đang bi phân tán rải rác ở các cơ quan khác nhau và tiêu chuẩn phân loại thiếu nhất quán.

Về nội dung này, ông Đặng Hoa Nam cho biết, thực hiện Đề án 06, Bộ LĐTB-XH đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng và làm sạch cơ sở dữ liệu về trẻ em với hơn 25 triệu bản ghi, nhằm đảm bảo tất cả trẻ em đều được quản lý bằng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bạo lực, xâm hại trẻ em: Giảm số vụ, nhưng tính chất ngày càng nghiêm trọng ảnh 2 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sở LĐTB-XH TPHCM cũng cho biết, các quận huyện, TP Thủ Đức cũng đang rà soát và hoàn thiện nhập cơ sở dữ liệu “Sổ theo dõi trẻ em trong gia đình”. Đây là nguồn dữ liệu cơ bản để quản lý, hỗ trợ các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội

Tại hội thảo, ông Phạm Đình Nghinh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng cần phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thời gian qua, các tổ chức xã hội đã góp phần không nhỏ cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng hệ thống pháp luật quy định về hoạt động này chưa thực sự đồng bộ, nhất quán. Các tổ chức xã hội cũng chưa phát huy được tiếng nói trong xây dựng chính sách pháp luật liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Theo ông, thời gian qua, có những tổ chức xã hội ra đời nhưng không có chương trình, kế hoạch trợ giúp mang tính bền vững, thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa công tác xã hội và công tác từ thiện. Đó là chưa kể đến hiện tượng lợi dụng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để trục lợi từ việc gây quỹ từ thiện, trục lợi khi kêu gọi quyên góp cho các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, lạm dụng, xâm hại…

Liên quan đến hoạt động của các tổ chức xã hội, bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội bảo trợ trẻ em TPHCM cho rằng cần có hướng dẫn rõ ràng để tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

Theo bà, những tổ chức này là cánh tay nối dài của nhà nước để các hoạt động bảo vệ, chăm sóc đến được với trẻ em nhiều hơn. Nhưng lâu nay, chúng ta vẫn chưa có cơ chế tập hợp các tổ chức này.

Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM cho biết, Hội có mô hình Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ ở quận 7, tiếp nhận các em gái bị xâm hại, lạm dụng. Mô hình đã hoạt động gần 30 năm, trước đây từng có giấy phép hoạt động, nhưng sau này chính quyền yêu cầu đổi giấy phép mới. Hội đã làm việc nhiều lần với UBND quận 7 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy.

“Nên tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động, nhất là cấp phép để họ hoạt động hợp pháp. Nếu vấn đề gì chưa đạt chuẩn thì hướng dẫn hoặc trả lời dứt khoát trong thời hạn bao lâu, đừng kéo dài. Như vậy rất uổng những cơ hội kết nối các nguồn lực xã hội để góp phần bảo vệ chăm sóc trẻ em”, bà Lương Thị Thuận nói.

Tin cùng chuyên mục