Điểm tựa cho cha mẹ lúc xế chiều

Lúc con còn nhỏ, cha mẹ là người bạn lớn đồng hành trên chặng đường con phát triển, thay đổi và trưởng thành. Thời gian qua đi, khi cha mẹ già yếu, khát vọng lớn nhất của đấng sinh thành lúc tóc đã bạc, mắt kém, tay chân run... là được con cái quan tâm, chăm sóc quãng đường đời còn lại. Ước mong ấy thật giản đơn, nhưng để làm được, người con phải có cả một quá trình đồng hành, cảm thông, sẻ chia, thấu hiểu và yêu thương, nhẫn nhịn.

Trân trọng và yêu thương

Cha của chị Thanh Vân (phường Tân Sơn Hòa, TPHCM) là ông Năm Thắng, nay gần 90 tuổi. 20 năm qua, kể từ ngày mẹ chị mất, chị là người kề cận chăm sóc, lo lắng cho ông. Tính ông Năm trầm lắng, ít nói. Sau lần bị tai biến nhẹ, ông yếu hẳn một bên người, tính tình càng trầm mặc hơn. Thời gian đầu, chị Vân nhìn nhận, việc chăm lo cho cha được thực hiện theo đúng “phận làm con”, hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ. Có những lúc cha muộn phiền, buồn bực, chị tuy cảm nhận được, nhưng cũng không đặt nặng vấn đề, vì nghĩ, tính khí người già lúc này lúc khác. Vừa đi làm, vừa phải chăm cha già ngày đêm liên tục, nên chị Vân nhiều lúc cũng đuối sức, có những lúc chăm sóc ông, chị căng thẳng, không muốn chuyện trò, chỉ lẳng lặng làm mọi việc như một thói quen. Để rồi, có khi cả ngày, hai cha con chị Vân không tâm sự với nhau lấy một câu...

CN4 mai am.jpg
Thương cha tuổi già, sức yếu. Ảnh: LÊ AN

Chị Vân chia sẻ: “Một đêm, khi chợt thức giấc, tôi nhẹ nhàng đến phòng của cha để dòm chừng, nhưng phòng trống không. Tôi hoang mang, nhanh chân hướng về phòng khách tìm kiếm. Chưa đến nơi tôi đã nghe tiếng cha thì thầm chuyện trò... Tôi lặng lẽ đến gần, nép mình sát vách tường, để cha không thấy. Tôi nghe cha trò chuyện với di ảnh của mẹ. Ông bày tỏ sự lo lắng cho tôi một khi ông nằm xuống... Bấy nhiêu ân tình, lòng yêu thương dành cho tôi, cứ thế được cha thổ lộ giữa đêm tĩnh mịch, chỉ có ánh đèn dầu trên bàn thờ gia tiên tỏa sáng mờ ảo không gian căn phòng. Cứ như thế, tôi đứng trong bóng tối, lặng im lắng nghe cuộc chuyện trò của cha, nước mắt chảy không ngừng...”. Lúc này đây, chị mới cảm nhận hết tình cảm yêu thương mà người cha già luôn dành cho con gái, tình yêu ấy vẫn luôn đong đầy, dẫu cha khỏe mạnh hay ốm đau, lúc thanh niên hay khi già yếu. Chỉ là ông không nói ra, ông giữ cho riêng mình, để rồi mang tâm trạng lo lắng, bất an cả một thời gian dài.

Từ đêm tâm sự đầy vơi của cha, chị Vân hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về nỗi lo của cha đối với khoảng thời gian ngắn ngủi mà ông dự tính còn ở bên chị. Cũng từ giây phút ấy, chị dốc lòng quan tâm cha nhiều hơn, yêu thương cha không chỉ bằng tình cảm của một người con mà còn là tình cảm của một người thân duy nhất ở bên ông lúc tuổi xế chiều. Chị dành nhiều thời gian để tâm sự, trò chuyện, chia sẻ với cha, mỗi ngày cố gắng trao ông thật nhiều những nụ cười, trân quý hơn khoảng thời gian cha còn mạnh khỏe, minh mẫn, ăn được, ngủ ngon giấc.

An nhiên tuổi vàng...

Tác giả Lê Thị Thanh Lâm vừa ra mắt cuốn sách Người giữ thời gian có nội dung làm sao để “giúp cha mẹ an nhiên tuổi vàng”. Trong cuốn sách, tác giả kể về hành trình chăm sóc cha không chỉ bằng tình yêu thương mà còn bằng sự quan sát tinh tế, sự kiên nhẫn và khả năng chuyển hóa những khoảnh khắc rất đời thường thành thông điệp về tình thân.

Những lời tình tự được viết ra trong Người giữ thời gian dễ khiến người đọc cảm thấy hình ảnh, câu chuyện thân quen ấy đã gặp đâu đó trong cuộc đời. Những hình ảnh ấy có thể thấy ngay trong chính căn nhà mỗi người, để từ đó tự hỏi lòng mình đã chăm sóc cha mẹ già như thế nào, có đủ gần gũi, yêu thương, cảm thông và hiểu hết tâm tư, mong muốn của cha mẹ hay chưa... Sách cũng nhấn mạnh khoảng trống cô đơn của người già, đối diện độ tuổi xế chiều với nỗi đau bị mất kiểm soát với cơ thể của chính mình, tâm tình và ước mong thật sự của cha mẹ. Sự hiếu thuận, quan tâm chăm sóc chân thành của những người con giúp cha mẹ vượt qua những thách thức, trở ngại cuộc đời ở giai đoạn tuổi vàng.

Theo Tiến sĩ Đào Lê Na: “Người giữ thời gian có nội dung rất đơn giản nhưng lại đưa đến những bài học thấm thía, rằng người già sợ bị lãng quên, sự hiện diện của con cái là món quà quý giá nhất, những câu chuyện xưa cha mẹ kể lại không chỉ là thông tin mà còn là tình thương họ muốn gửi gắm... để từ đó, giúp người đọc sách hiểu rằng, việc chăm sóc cha mẹ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội để mỗi người sống chậm lại, quay về bên những giá trị yêu thương cội nguồn...”.

Câu chuyện của tác giả Lê Thị Thanh Lâm tuy mang tính cá nhân nhưng cũng phản ánh một vấn đề phổ biến hiện nay. Tác phẩm như một lời nhắc nhở những người con có cha mẹ già, hãy hiểu, cảm nhận và từ đó có sự quan tâm, chăm sóc cha mẹ bằng tình yêu. Giữ thời gian bên cha mẹ với trọn vẹn tình cảm gia đình thông qua các khoảnh khắc rất đỗi bình thường, nhưng không dễ gì tìm lại được khi đã qua đi. Mấy mươi năm trong cuộc đời, cha mẹ đã luôn là chỗ dựa, niềm tin, tình yêu to lớn của con cái, thì đến lúc tuổi cao sức yếu, sự đồng hành, quan tâm, yêu thương, chăm sóc của con cái với cha mẹ trở thành hành động thực tiễn nhất để tri ơn, thể hiện tấm lòng hiếu kính nhất dành cho đấng sinh thành.

Tin cùng chuyên mục