Bảo mật dữ liệu cá nhân

Việc bảo mật dữ liệu cá nhân vốn không được người dân Việt Nam quan tâm đúng mức. Cho đến khi vụ việc bê bối dữ liệu người dùng của một trong những trang mạng xã hội nổi tiếng nhất thế giới là Facebook bị phát hiện, mới khiến họ bắt đầu lo ngại.
Dữ liệu cá nhân là tập hợp những thông tin do người dùng tạo ra và cung cấp trong quá trình mua bán hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ. Đó có thể là họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, sở thích của bạn... 
Sự phát triển của công nghệ hiện đại cho phép những người làm công tác quảng cáo và truyền thông chuyển dần sang hướng số hóa những dữ liệu cá nhân họ thu thập được và đưa vào hệ thống của mình. Hệ thống Big Data và công nghệ trí tuệ nhân tạo (gọi tắt là AI) hiện nay đã phát triển đến mức chỉ cần dựa vào những thông tin ban đầu do người dùng cung cấp, chúng có khả năng phân tích hành vi con người, thậm chí có thể đưa ra những định hướng, dự đoán hành vi của chủ sở hữu các thông tin này khi bị đặt trong một tình huống nào đó. Rõ ràng người dùng đã tiết lộ thông tin cá nhân nhiều hơn họ nghĩ. 
Việc bảo mật dữ liệu cá nhân vốn không được người dân Việt Nam quan tâm đúng mức. Cho đến khi vụ việc bê bối dữ liệu người dùng của một trong những trang mạng xã hội nổi tiếng nhất thế giới là Facebook bị phát hiện, mới khiến họ bắt đầu lo ngại: Liệu có hay không việc thông tin, dữ liệu cá nhân của mình bị sử dụng vào mục đích nào đó mà mình không hề hay biết, và giả sử như có xảy ra việc sử dụng thông tin, dữ liệu như đã nêu thì pháp luật Việt Nam quy định đối với vấn đề này như thế nào?
Pháp luật Việt Nam khẳng định trong Bộ luật Dân sự 2015: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ” và “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Như vậy, về nguyên tắc, bất cứ đơn vị nào muốn tiếp cận, sử dụng dữ liệu cá nhân thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu đó. 
Thực tế, pháp luật không cấm các đơn vị thu thập thông tin cá nhân của người khác, miễn là nó đúng với các quy định của pháp luật. Cụ thể là: Phải có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; và chỉ được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
Kể cả khi đã cung cấp thông tin cho các đơn vị thu thập, chủ thể của dữ liệu cá nhân đó vẫn có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp dữ liệu cá nhân của mình mà họ đã thu thập, lưu trữ. Nói cách khác, khi chúng ta cung cấp dữ liệu cá nhân cho người khác, chúng ta không hoàn toàn mất đi quyền kiểm soát đối với chúng. Chúng ta vẫn có quyền yêu cầu đơn vị xử lý thông tin cá nhân cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ thông tin cá nhân của mình mà họ đã thu thập, lưu trữ hoặc ngừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba, và họ có nghĩa vụ phải thực hiện những yêu cầu này theo quy định tại Điều 18 của Luật An toàn thông tin mạng 2015. 
Luật An toàn thông tin mạng 2015 cũng nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân. Tuy nhiên, luật chỉ giới hạn việc thu thập thông tin phải đúng theo quy định của pháp luật, không giới hạn mức độ các dữ liệu đó bị sử dụng để phân tích sâu đến đâu, có thể sâu đến mức dự đoán và điều khiển hành vi con người như một số công nghệ AI hiện tại đã có thể làm được bằng những thuật toán phức tạp không? Có thể trong thời gian sắp tới, sau những bê bối dữ liệu người dùng của các công ty công nghệ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề này sẽ được cân nhắc một cách thấu đáo hơn, cũng như những quy định pháp luật sẽ chặt chẽ hơn nhằm quản lý tốt hơn.
LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Hàng tuần, vào chiều thứ ba, thứ năm (từ 14 giờ đến 16 giờ) và sáng thứ bảy (từ 8 giờ đến 11 giờ), tại phòng tiếp bạn đọc Báo SGGP, các luật sư  thuộc Văn phòng Luật sư Phan Trung Hoài, Văn phòng Luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM) sẽ trực tiếp tư vấn, giải đáp về pháp lý; các vấn đề liên quan đến pháp luật (hoàn toàn miễn phí). Kính mời bạn đọc có nhu cầu đến gặp luật sư, tại 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM.  
BAN CTBĐ - CTXH

Tin cùng chuyên mục