7 năm gượng dậy sau cơn bão lịch sử Xangsane (2006), người dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại thiệt hại nặng nề khi đối mặt bão số 11 với những cơn cuồng phong thịnh nộ kéo dài cả 12 giờ. Để kịp thời động viên người dân, chia sẻ những khó khăn do thiên tai gây ra, ngày 18-10, Báo Sài Gòn Giải Phóng do đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Tổng Biên tập, dẫn đầu phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp đến một số nhà dân bị thiệt hại thăm hỏi, động viên và trao quà cứu trợ của bạn đọc.
Xơ xác làng chài
Ba ngày sau cơn bão số 11, người dân huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đã gắng gượng đứng dậy để khắc phục hậu quả, ổn định mưu sinh. Dù nằm rìa bão nhưng những thiệt hại mà người dân nơi đây phải gánh chịu chẳng thua gì vùng tâm bão Đà Nẵng. Trên những con đường làng tại các xã Lộc Vĩnh, Lộc Bình, cây cối vẫn đổ ngang dọc, những ngôi nhà tốc mái, đổ sập… dấu tích của cơn cuồng phong. Ông Hồ Nhật (50 tuổi) nhà ở xã Lộc Vĩnh kể, ông từng chứng kiến nhiều cơn bão dữ tràn qua vùng biển này như cơn bão Xangsane hồi năm 2006 chỉ tràn qua khoảng hơn 1 giờ đã khiến hàng ngàn ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái. Còn cơn bão này, gió không những hung dữ mà kéo dài 12 giờ khiến cây cối, nhà cửa chẳng thể nào chống chọi.
Cạnh nhà ông Hồ Nhật, bà Phan Thị Em (80 tuổi) ở một mình trong căn nhà nằm sát biển. Khuôn mặt vẫn hằn nét hoảng hốt khi bà Em nhớ lại giây phút kịp thoát thân trước khi tường nhà đổ sập: “Gió mạnh giật liên hồi, thấy nhà rung chuyển, một số thanh niên trong xóm vội bế thốc bế tháo tui chạy bão. Vừa kịp ra khỏi nhà thì nhà đổ ầm, thoát chết trong gang tấc”. Mừng vì thoát chết nhưng bà Em lại nghẹn ngào khi nhìn ngôi nhà bị đổ sập, ngổn ngang gạch vụn mà bà đang cố nhặt nhạnh, gom góp lại với hy vọng xây nhà mới. Không chỉ bà Em, ông Nhật, hàng trăm gia đình ở vùng này đang phải sống trong cảnh nhà cửa, ruộng vườn tan hoang sau bão, cuộc sống khó khăn, tương lai mờ mịt…
Chúng tôi rời làng chài xã Lộc Vĩnh, theo QL 1A ngược lại hướng TP Huế đến phía Bắc chân đèo Phước Tượng rẽ qua tỉnh lộ 14 về xã Lộc Bình - một địa bàn đã hứng chịu nặng nề sức tàn phá từ cơn bão số 11. Ông Lê Túy, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết, đến thời điểm này, toàn xã có 3 nhà sập, 171 nhà tốc mái; 165ha rừng keo tràm 2-4 tuổi gãy đổ, thiệt hại trên 70%. Thế nhưng, bão có thể lấy đi của cải, nhưng chẳng thể lấy đi sự lạc quan trong họ. Ông Lê Túy bảo đó cũng là cách người dân ở đây tự động viên nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn. Người còn thì của còn.
Góp phần hạn chế những thiệt hại ấy, theo chính quyền địa phương là trước bão đã tuyên truyền và vận động bà con di dời tránh trú ẩn vào trường học cấp 1, 2. Đây là công trình do Báo SGGP vận động bạn đọc tài trợ xây dựng vào năm 2000 với kinh phí 500 triệu đồng.
Chia sẻ khó khăn
Bão tan, chính quyền và người dân huyện ven biển Phú Lộc đang nỗ lực huy động con người và thiết bị tái thiết cuộc sống cho người dân. Cùng với đó, những tấm lòng thơm thảo của đồng bào cả nước đang chia sẻ, hướng về miền Trung nói chung và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng đã làm cho những nặng nề, khó khăn đó vơi nhẹ đi. “Đa số bà con chúng ta cuộc sống đều nghèo khó vì đất đai và thiên nhiên không ưu đãi. Nay lại gặp thiên tai tàn phá, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Báo SGGP sẽ làm hết sức mình huy động từ tấm lòng của bạn đọc đến với bà con, góp phần khắc phục khó khăn để bà con an cư lập nghiệp” - Tổng Biên tập Nguyễn Tấn Phong nói.
Tổng Biên tập Nguyễn Tấn Phong đã trực tiếp trao tận tay 84 suất quà cứu trợ với tổng trị giá 50 triệu đồng. Trong đó, 5 hộ bị sập nhà được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, 1 hộ sập nhà một phần được hỗ trợ 1 triệu đồng và 78 hộ còn lại có nhà bị tốc mái 60%-70% được hỗ trợ 500.000 đồng/hộ. Những món quà của Báo SGGP dù nhỏ, nhưng đã động viên kịp thời người dân trong lúc khó khăn này.
Tiếp nhận món quà cứu trợ cùng bà con chòm xóm giữa đống hoang tàn đổ nát, chị Nguyễn Thị Lan, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc nói: “Năm nào cũng có mưa bão, người dân cứ gồng mình vượt qua. Thiệt hại này chưa xong, thiệt hại khác lại ập đến. Được bạn đọc quý báo quan tâm, người dân chúng tôi như được tiếp sức vượt qua thiên tai bão táp. Cùng với số tiền của quý báo và tiền hỗ trợ từ địa phương, bà con trong xóm giúp đỡ về ngày công, mẹ con chúng tôi sắp lại có nhà mới để yên tâm lao động, con cái tiếp tục đến trường”, bà Lan ứa nước mắt nói.
VĂN THẮNG - LÊ THỊNH
| |
>> Tiếp tục cứu trợ người dân miền Trung bị ảnh hưởng bão số 11