

Một nếp nhà của dân tộc thiểu số trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học.
Khóm lau um tùm với những bông lau bạc lóng lánh trong ánh nắng sớm và chiều tà. Thấp thoáng sau những bông lau bạc là nếp nhà sàn mái đã ải nắng mưa của người Tày.
Chếch đó một đoạn là mái nhà rông cao vút, uy nghi, lãng mạn của người Ê đê, dãy nhà dài dằng dặc của người Ba na và một diện tích nhà trình tường vuông chằn chặn của người Việt gốc Hoa.
Còn nữa, chi tiết hơn: cỗ xe bò của người Chăm, mà chỉ đôi bánh thôi nhìn đã thấy lừng lững như bánh xe thời gian trong chuyện cổ tích. Này khung cửi khá phức tạp của người dân tộc Thái, này cái máy quay lanh vô cùng đơn giản mà hiệu quả của người Mèo.
Này dàn chiêng nâu rám chứa đầy thanh âm của người Tây Nguyên và những nét hoa văn tuyệt hảo của người Mường ẩn giấu bao nhiêu triết lý sống. Tất cả những cái đó nằm ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Một bảo tàng vào loại đẹp nhất, phong phú và sinh động nhất nước ta. Tây thì chả nói làm gì, mê tít đi rồi, ngay người dân Hà thành cũng mê cái bảo tàng đó. Ngày nào cũng nườm nượp người vào ra. Hồi hộp, náo nức dắt tay nhau vào để xuýt xoa thỏa mãn đi ra.
Đâu phải chỉ trẻ con, mà cả người lớn nữa, mắt vốn quen với nhà cao tầng, hồ Gươm giờ đứng trước những đồ dùng của các dân tộc anh em, ai cũng mắt chữ a, mồm chữ o. Rồi thì chỉ trỏ, í ới hỏi nhau, cái này là cái gì nhỉ? À, cái đó dùng để bắt cá. Còn cái này là cái gì mà lạ lùng nhỉ? À cán dao găm làm từ nguyên cả cẳng chân của con nai. Hóa ra đất nước mình, bà con các dân tộc mình phong phú, tài hoa thật.
Nếu chưa đến, hãy dành thời gian để đến với Bảo tàng Dân tộc học một lần. Bước vào đấy chắc chắn bạn sẽ thấy như mình bước vào một thế giới văn hóa sống linh diệu, rồi bạn sẽ ngộ ra điều gì đó về dân tộc mình.
Phương Tân